Vấn nạn tràn lan sư tử đá

10/08/2013 11:00 GMT+7

Sự xâm lăng văn hóa lạ là vấn đề nổi lên tại hội nghị tham vấn chính sách di sản do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức hôm qua 9.8.

 

Phổ biến là con sư tử đá canh mộ. Tại sao chùa của mình, nhà của mình lại thờ con canh mộ theo mẫu của nước ngoài làm gì?

PGS-TS Tống Trung Tín

Là người mở đầu phần thảo luận, đại biểu Dương Trung Quốc đặt ngay vấn đề giám sát bảo tồn di sản. Ông nói đến việc Hoàng thành Thăng Long đang đứng trước một giám sát rất quan trọng từ UNESCO trong năm nay nhưng đến giờ việc thống nhất quản lý của khu vực này hiện vẫn còn dang dở. Sau đó, nhà sử học cũng đề cập tình trạng tiếng Việt đang bị méo mó, phần Hán Nôm lại đang đứng trước câu hỏi giữ hay bỏ. Mặt khác, ông Quốc lên tiếng về sự lấn lướt của tiếng Anh, tiếng Trung trên các biển quảng cáo một cách dày đặc ở những khu phố du lịch.

Xuất hiện nhiều “sư tử ngoại lai”

Không chỉ chữ viết mà tại các di tích, nhiều sư tử có tạo hình ngoại lai cũng xuất hiện. Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, sư tử đá là câu chuyện đáng bàn. Đi khắp các ngả đường các nghệ nhân dân gian đều ra sức tạc sư tử đá Bắc Kinh, sư tử đá ở lăng Lương Vũ Đế... “Phổ biến là con sư tử đá canh mộ. Tại sao chùa của mình, nhà của mình lại thờ con canh mộ theo mẫu của nước ngoài làm gì?”, ông Tín nói. Cũng theo ông Tín, văn hóa Việt cũng có những sư tử đẹp, chẳng hạn ở đền bà Tấm.

“Có cơ quan bộ cũng để con sư tử đá, sư tử của Tàu”, ông Dương Trung Quốc nói và kể thêm thậm chí ở một số nơi đang xây Đài liệt sĩ cũng đã có người gửi tặng sư tử đá để trang hoàng rồi.

“Các thí chủ muốn đặt sư tử vào nơi linh thiêng để đạt được mong cầu của họ. Nhưng tại nơi linh thiêng như ở ngôi chùa thì các nhà sư cũng không ý thức được”, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm giải thích thêm: “Trong Phật giáo có quan niệm con sư tử. Sư tử của Phật giáo thì thường ở nơi các vị sư thuyết pháp, gọi là tòa sư tử. Vì trong kinh điển, Phật thuyết pháp như tiếng rống sư tử. Tức là nói các điều mạnh để làm điều xấu bị át đi, làm những điều lành cho mọi người. Gọi như vậy chứ không phải tạc sư tử đặt đấy. Nhiều người nhầm nghe như vậy tưởng là đặt sư tử trong chùa thì tốt”, hòa thượng giải thích.

Vấn nạn tràn lan sư tử đá
Mẫu sư tử ngoại lai xuất hiện ở các trụ sở doanh nghiệp, cơ quan... - Ảnh: Ngọc Thắng

Trả lời Thanh Niên, ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho biết: “Chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra cơ quan, khuyến nghị các cơ sở thờ tự hoặc chùa chiền có những con sư tử đá đó nên thay vào đó bằng những linh vật của Việt Nam”.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.