Miễn, giảm học phí vẫn khan hiếm người học

10/08/2013 03:00 GMT+7

Nghị định 74 của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung đối tượng được miễn, giảm học phí ở một số ngành nhằm thu hút người học. Thế nhưng vì nhiều lý do, số lượng người học các ngành này vẫn khan hiếm.

Nghị định này bổ sung các đối tượng được miễn học phí bao gồm sinh viên học chuyên ngành Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; học sinh, sinh viên, học viên các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh. Đối tượng được giảm 70% học phí gồm học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề.

PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó phòng Đào tạo trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: “Số lượng sinh viên ngành lao, phong, tâm thần, giải phẫu, pháp y... quá hiếm. Cử nhân bác sĩ đa khoa sau khi tốt nghiệp, thường đăng ký học tiếp vào các chuyên khoa khác chứ ít ai chịu chọn những chuyên khoa này”. PGS-TS Phạm Lê An, Phó phòng sau ĐH Trường ĐH Y Dược TP.HCM, thông tin thêm: “Mặc dù nguồn bệnh hằng năm không thay đổi, nhu cầu thậm chí có thể nói là cao, nhưng những năm gần đây vẫn khan hiếm người học các ngành này”.

Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, các ngành triết học (Mác-Lênin), Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng có số lượng thí sinh đăng ký ít, tỷ lệ chọi và điểm chuẩn khá thấp so với các ngành còn lại. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo, cho hay: “Hằng năm chỉ tiêu của ngành triết học là 120, nhưng luôn phải tuyển thêm khoảng 40 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung. Điểm chuẩn của ngành này cũng chỉ cao hơn điểm sàn một chút, 14,5 - 15 điểm”.

Số lượng người học các ngành như chèo, tuồng, cải lương ở Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội rất ít ỏi. Ông Nguyễn Đình Thi, Phó hiệu trưởng, công nhận: “Khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, thí sinh đăng ký rất thấp, mỗi ngành chỉ khoảng 15 - 16, cải lương chỉ 10 em, trong khi chỉ tiêu thì nhà nước cấp thoải mái, miễn sao có người học”. Ông Thi cho hay năm 2012 có 13 thí sinh đậu vào ngành cải lương, 18 vào chèo. Riêng tuồng năm nay không có thí sinh nào dự thi. Các chuyên ngành xiếc, nhã nhạc, cung đình... ở một số trường nghệ thuật khác cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Có thể nói, việc miễn, giảm học phí đối với những ngành học này trong giai đoạn ngày càng ít người mặn mà theo đuổi, là một chính sách cần thiết để củng cố, thu hút nguồn nhân lực. Thế nhưng, còn rất nhiều rào cản khiến người học e ngại.

PGS-TS Phạm Lê An nhìn nhận: “Làm bác sĩ đã có nhiều áp lực rồi, nhưng bác sĩ lao, tâm thần, phong, giải phẫu... chắc chắn áp lực lớn hơn”. Ông An bày tỏ, việc miễn học phí và chế độ phụ cấp, đãi ngộ dành cho những người học và làm trong các ngành này chứng tỏ sự quan tâm của nhà nước, nhưng mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Theo ông An, vấn đề lớn hơn là môi trường làm việc những ngành này vẫn còn sơ sài, lạc hậu.

Về các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian như chèo, tuồng, cải lương, ông Nguyễn Đình Thi lý giải: “Đúng là ngày nay, các diễn viên loại hình này sống được bằng nghề rất khó. Khán giả đang ngày một ít đi. Chúng tôi cũng rất nỗ lực để góp phần duy trì và bảo tồn nhưng nếu được nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa, đảm bảo được đời sống cho nghệ sĩ thì mới hy vọng thu hút đầu vào”.

Được biết, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cùng các nhà hát chèo, tuồng, cải lương trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đang phối hợp thực hiện dự án tuyển sinh, bằng cách về các địa phương tuyển bậc trung cấp trước. Trong thời gian đi học, sinh viên được nhận vai diễn và được trả lương, sau khi ra trường được làm việc tại nhà hát và bố trí chỗ ở.

Mỹ Quyên

>> Không được miễn, giảm học phí lại khi chuyển trường cùng cấp
>> Miễn giảm học phí cho sinh viên 5 chuyên ngành y
>> Nhiều đối tượng được miễn, giảm học phí
>> Gần 49 tỉ đồng miễn giảm học phí
>> Miễn giảm học phí cho học sinh nghề

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.