Ô nhiễm du lịch

05/08/2013 03:00 GMT+7

Cách đây 2 năm, nhân có cuộc hội thảo thơ tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), thay vì giới thiệu danh lam thắng cảnh của bãi biển nổi tiếng này để các nhà thơ thưởng ngoạn, ông trưởng ban tổ chức hội thảo đưa ra lời khuyến dụ chả ăn nhập gì đến thơ: “Các anh chị lưu ý, khi vào bất cứ hàng quán nào, kể cả quán cóc, trước khi gọi thức ăn, anh chị nên hỏi giá cẩn thận nhé”.

Lời cảnh báo quả không thừa. Một nhóm nhà thơ chúng tôi đã phải trả “học phí sĩ diện” đến 800.000 đồng cho một đĩa ốc mà ở những nơi khác, cao lắm chỉ đến 200.000 là cùng! Từ bấy trở đi, hễ nghe đến hai tiếng Sầm Sơn, nhà thơ nào cũng lắc đầu ngán ngẩm.

Nhiều người cho rằng, ở Sầm Sơn mỗi năm chỉ có 4 - 5 tháng là thuận lợi trong việc đón du khách nên các hàng quán tranh thủ “chặt” để bù vào những tháng bất lợi còn lại. Thế nhưng, ở Nha Trang, Đà Lạt hoặc Vũng Tàu, 3 địa danh nổi tiếng cả nước này, có thể đón khách cả bốn mùa nhưng tình trạng chặt chém chả thua gì Sầm Sơn cả. Vậy thì lý giải câu chuyện “chặt chém” này sao đây? Chỉ có thể nói một câu “bóng bẩy” thế này: Đừng tưởng ngành công nghiệp không khói này là “sạch” như ta vẫn nghĩ mà môi trường du lịch mỗi ngày một ô nhiễm trầm trọng hơn.

Một du khách người Anh, qua mạng internet có biết địa chỉ của một khách sạn ở Nha Trang với đầy đủ tiện nghi, nhất là “có sân tennis thoải mái” như lời quảng cáo trên trang web của khách sạn. Vị khách đã chuyển tiền đặt cọc 1.300 USD cho khách sạn nọ, nhưng khi đến nơi, tìm mãi chẳng thấy sân tennis, ông ta đòi tiền lại. Thế là xảy ra cự cãi và chính quyền phải can thiệp, chủ khách sạn mới chịu trả tiền đặt cọc cho khách. Sau chuyến du lịch lần ấy, vị khách người Anh nọ “farewell” luôn Nha Trang!

Do không đúng với quảng cáo nên còn lấy lại được tiền, nhưng câu chuyện “cháo gà” ở Đà Lạt thì du khách chào thua. Thật khó có thể chấp nhận một tô cháo gà ở chợ đêm Đà Lạt bảng treo 20.000 - 25.000 đồng mà khách bị “chém” những 80.000 đồng. Với nhiều du khách, 80.000 đồng là cái giá tô cháo mà họ phải trả lần duy nhất trong đời, bởi họ sẽ chẳng bao giờ quay lại Đà Lạt nếu tình trạng chặt chém như thế vẫn tồn tại.

Cách đây vài hôm, một vụ trọng án lại xảy ra ngay tại cửa ngõ của thành phố ngàn hoa này. Hai băng “cò mứt” đã xử nhau bằng súng hoa cải khiến một bị thiệt mạng, một đang thoi thóp. Không chỉ “chặt” du khách bằng giá cả trên trời mà ở thành phố du lịch này, đám “cò” còn chặt chém nhau đổ máu. Bất an, đó là tâm trạng của không ít người khi đến Đà Lạt.

Phải mất rất nhiều thời gian mới có thể xác lập được thương hiệu du lịch như Nha Trang, Đà Lạt hay Vũng Tàu. Thế nhưng, với cách quản lý chưa sát, chưa mạnh của chính quyền địa phương trước tình trạng chặt chém như hiện nay thì chẳng mấy chốc, du khách sẽ quay lưng vĩnh viễn với những địa danh ấy.

Trần Đăng

>> Tư duy chặt chém ?
>> Cướp giật, "chặt chém" du khách: Xấu hổ tột cùng!
>> Hàng rong, chặt chém làm “ô nhiễm” du lịch
>> Để giảm thiểu nạn chặt chém du khách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.