Đường dẫn cầu Nhật Tân (Hà Nội): Ai chịu trách nhiệm 155 tỉ đồng đền oan?

06/08/2013 11:00 GMT+7

Vụ việc Bộ GTVT có thể phải bù 155 tỉ đồng cho nhà thầu do chậm giải phóng mặt bằng cho thấy ngân sách nhà nước đang phải đền oan cho sự tắc trách của các bên liên quan. Nhưng nguy cơ lớn hơn là vụ việc này có thể tạo tiền lệ xấu cho nhiều vụ đền bù khác trong tương lai.

 Ai chịu trách nhiệm 155 tỉ đồng đền oan?
Dự án cầu Nhật Tân (Hà Nội) chậm tiến độ 27 tháng - Ảnh: T.K

 

Điều Bộ GTVT và Hà Nội cần làm là chỉ rõ đích danh đơn vị, cá nhân nào chịu trách nhiệm chính dẫn tới chậm GPMB và xử lý trách nhiệm nghiêm khắc để làm gương cho các dự án khác

Một chuyên gia trong ngành giao thông

Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT đang trong quá trình thương thảo với nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) về khoản tiền đền bù chi phí do chậm giải phóng mặt bằng (GPMB) gói 3 dự án cầu Nhật Tân.

Gói thầu số 3 - đường dẫn cầu Nhật Tân thuộc địa phận H.Đông Anh (Hà Nội) - trị giá hơn 1.800 tỉ đồng, khởi công từ tháng 3.2009 với thời hạn hoàn thành theo hợp đồng là 34 tháng (tức tháng 2.2012). Nhưng đến tháng 3.2012 công tác GPMB mới cơ bản hoàn tất, Bộ GTVT đã đề xuất và được Chính phủ chấp thuận cho giãn tiến độ tới tháng 5.2014.

Chưa ai chịu trách nhiệm

Ông Trường cho rằng, việc chậm GPMB có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, GPMB phụ thuộc rất nhiều yếu tố như chế độ chính sách, nhận thức của người dân, tổ chức thực hiện, liên quan đến nhiều cấp ngành. Với gói thầu số 3, không chỉ giải phóng nhà dân mà còn công trình kỹ thuật, phải di dời một đường điện 200 kV, liên quan đến cắt điện đóng điện phục vụ sản xuất công nghiệp nên kéo dài tiến độ.

Tuy nhiên, nhà thầu thi công là Tokyu đã yêu cầu chủ đầu tư phải hỗ trợ thêm 155 tỉ đồng ngoài hợp đồng, do những chi phí phát sinh từ việc kéo dài hợp đồng thêm 27 tháng. Việc nhà thầu đòi đền bù hoàn toàn hợp lệ vì hợp đồng ký kết có quy định nếu bàn giao chậm mặt bằng thì nhà thầu có quyền yêu cầu bổ sung chi phí phát sinh.

 

“Không phải lấy tiền ngân sách ra mà trả”

Ông Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN, cho biết trước đây hiệp hội nhà thầu rất nhiều lần kiến nghị khi ký hợp đồng giữa nhà thầu và chủ đầu tư có hai nội dung vô cùng quan trọng là: GPMB sạch và đảm bảo đủ vốn. Hai điều kiện này là bắt buộc khi đưa dự án ra đấu thầu, nhưng các nhà quản lý, các chủ đầu tư thường bỏ qua. Trong khi đó với các nhà thầu quốc tế, bất kể dự án nào họ cũng phải yêu cầu điều kiện ràng buộc chặt chẽ, nếu không GPMB được thì phải đền bù. “Đây là bài học đắt giá lắm, dù có mất tiền nhưng nó sẽ làm thay đổi cả cung cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp của các chủ đầu tư”, ông Khoa nói.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tồng hội Xây dựng, cũng thẳng thắn: “Đền là đúng rồi, trách nhiệm đã rõ, nhưng lẽ ra phải trừ lương, thưởng, phạt bên chủ đầu tư chứ không phải lấy tiền ngân sách ra mà trả”.

Anh Vũ

Về phía VN dù dự án hạ tầng giao thông nào gần như cũng chậm tiến độ, nhưng đây là lần đầu tiên nhà thầu lên tiếng đòi quyền lợi do GPMB chậm. “Đây là lần đầu tiên, nên cần rất thận trọng trong việc xử lý các mối quan hệ, đảm bảo nguyên tắc chi các nguồn vốn nhà nước một cách hợp lý, xem xét các đề nghị của nhà thầu để vừa giải thích, vừa xem xét tính chất GPMB của VN”, ông Trường nói.

Đáng chú ý, vốn dành cho GPMB với dự án cầu Nhật Tân là vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước, nói cách khác, ngân sách sẽ phải chi thêm 155 tỉ đồng đền bù chỉ vì GPMB chậm. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này thì ông Trường cho rằng chưa thể kết luận, vì Bộ GTVT và UBND Hà Nội vẫn đang họp để làm rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan.

“Có nhiều nguyên nhân nên không thể vội kết luận. Nhưng đầu tư bằng tiền ngân sách, thì tổ chức cá nhân nào chịu trách nhiệm liên quan sẽ bị xử lý”, ông Trường nói.

Nguy cơ lặp lại ở nhiều dự án

Ông Đỗ Tất Bình, Trưởng ban Quản lý (BQL) dự án cảng nhà ga T2 Nội Bài (địa phận H.Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ, dự án này đang vướng GPMB tại đường ngang dân sinh đi qua dự án. BQL đã đề nghị H.Sóc Sơn thống kê tạm thời diện tích, và sẽ chi tiền ngay để GPMB, nhưng vẫn chưa giải quyết được. Theo ông Bình, “hạng mục này rất nhỏ, đáng lẽ phải xong cách đây nửa năm, nhưng tới nay vẫn chưa xong, trong khi hết tuần tới là cần mặt bằng thi công. Dù chúng tôi đã liên tục họp bàn với Sóc Sơn, công văn chuyển rồi, tiền GPMB cũng đã chuyển, địa phương bảo đang làm nhưng vẫn chưa có chuyển biến gì”. Ông Bình cũng cho rằng, nếu không bàn giao mặt bằng sạch đúng tiến độ, nhà thầu chắc chắn sẽ có ý kiến.

Ông Lương Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC), chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cũng cho biết, dự án này vẫn vướng GPMB ở một số đoạn qua H.Sóc Sơn như giao giữa cao tốc và tỉnh lộ 131, dân cản trở thi công do liên quan đến đền bù GPMB quốc lộ 18 từ trước đó. Thậm chí chỉ có 2 hộ dân tranh cãi quyền sử dụng đất, nhưng địa phương không can thiệp xử lý khiến người dân trồng chuối bên lề đường đang thi công.

 

Dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu bắc qua sông Hồng thuộc tuyến đường Vành đai 2 Hà Nội nối trung tâm thành phố với sân bay Nội Bài. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản (10.117 tỉ đồng), vốn đối ứng hơn 2.442 tỉ đồng và ngân sách UBND TP.Hà Nội cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư hơn 1.066 tỉ đồng. Dự án chia làm 3 gói thầu chính: gói số 1 xây dựng cầu chính và cầu dẫn phía bắc, gói số 2 xây dựng cầu và đường dẫn phía nam, gói số 3 xây dựng đường dẫn phía bắc.

Đại diện một BQL dự án giao thông lớn đi qua địa bàn Hà Nội lý giải, sở dĩ GPMB tại Hà Nội luôn chậm trễ so với các địa phương khác do Hà Nội có “đặc thù” khác với các tỉnh. Theo quy định hiện hành, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm GPMB, thu hồi đất, thực hiện hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. “Ở các tỉnh thì BQL dự án làm hết các thủ tục GPMB, nhưng Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư làm thêm nhiều thủ tục khác liên quan đến GPMB, mà xin giấy phép các sở ngành thì vô cùng mệt mỏi. Nhà thầu nước ngoài theo hợp đồng quốc tế có điều khoản tiếp cận công trường, nếu GPMB vướng sẽ vịn vào điều luật này để đòi đền bù, nhưng khi nhà thầu chậm tiến độ chủ đầu tư lại không thể xử phạt. Sau vụ Tokyu nguy cơ đền bù ở các dự án khác là rất lớn”, ông này cho biết thêm.

Cần chỉ rõ đích danh đơn vị, cá nhân

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, rút kinh nghiệm gói thầu số 3 dự án xây dựng cầu Nhật Tân bị nhà thầu Nhật yêu cầu đền bù, nên có gói thầu tại dự án đường nối Nhật Tân - Nội Bài, Bộ chưa dám giao cho nhà thầu nước ngoài thi công khi chưa xong mặt bằng vì sợ bị phạt. Tại cuộc họp về GPMB sáng qua (5.8) của UBND TP.Hà Nội, đại diện các quận huyện cho rằng, cơ chế, chính sách trong công tác đền bù, hỗ trợ và tái định cư có nhiều thay đổi nên các địa phương gặp nhiều khó khăn, như khâu xác định giá đất ở làm căn cứ lên phương án đền bù.

Theo một chuyên gia trong ngành giao thông, sau vụ việc nhà thầu Tokyu, điều Bộ GTVT và Hà Nội cần làm là chỉ rõ đích danh đơn vị, cá nhân nào chịu trách nhiệm chính dẫn tới chậm GPMB và xử lý trách nhiệm nghiêm khắc để làm gương cho các dự án khác. “Không chỉ Hà Nội mà các địa phương khác cũng cần tích cực hơn trong việc tháo gỡ khó khăn về mặt thủ tục chính sách đền bù, tái định cư trong GPMB. Nhưng ngoài câu chuyện cơ chế, chỉ khi phân định rõ trách nhiệm và có chế tài xử lý thích hợp, thì địa phương cũng như chủ đầu tư mới làm hết trách nhiệm của mình”, ông này nhìn nhận.

Hà Nội phê phán chủ đầu tư của Bộ GTVT

Trong cuộc họp về tiến độ dự án với Bộ GTVT sáng qua, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo gay gắt phê bình: “Tôi phê phán các chủ đầu tư của Bộ GTVT. Chủ đầu tư phải hoàn thiện quy hoạch, bàn giao mặt bằng cắm mốc giới rồi mới tính đó là thời điểm GPMB. Bây giờ các anh mới bàn giao mốc giới dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mà đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ là chậm tiến độ do 2 quận Thanh Xuân và Đống Đa chậm bàn giao mặt bằng. Yêu cầu các anh phải thực hiện đúng chức năng chủ đầu tư, sớm hoàn thành cắm mốc. Nếu cơ quan GPMB của TP không phối hợp quy hoạch về tuyến, kiến trúc đó là trách nhiệm của họ”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, cả tuyến đã bàn giao mốc giới, nhưng do vấn đề thiết kế ga đường sắt, phải xin ý kiến nhiều cấp ngành, chỉ giới chưa chuẩn nên chưa bàn giao, ảnh hưởng đến GPMB.

Mai Hà

>> Vụ đòi đền bù hơn 155 tỉ đồng: Bộ GTVT đang thương lượng với nhà thầu Nhật
>> Gần 5.000 tỉ đồng làm đường nối sân bay Nội Bài - cầu Nhật Tân
>> Xem xét quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.