Truy trách nhiệm quản lý

04/08/2013 02:40 GMT+7

Trong những ngày tháng 7 và đầu tháng 8, nhiều quận huyện trên địa bàn TP.HCM dường như huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để lập lại trật tự kỷ cương trong xây dựng và chấn chỉnh tệ nạn mại dâm . Đây vốn là 2 vấn đề “nóng”, gây nhiều bức xúc trong thời gian vừa qua.

Sau khi xử lý hàng chục tổ chức và cá nhân liên quan, Q.Bình Thạnh tiếp tục mạnh tay bài trừ tệ nạn mại dâm trên địa bàn. Mạnh tay đến mức mà theo báo cáo của Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh Hoàng Song Hà, “một ngày cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra 2 - 3 lần các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn như karaoke, massage…”. Động thái này của quận khiến cả Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cũng phải… ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi tệ nạn mại dâm không phải bây giờ mới xuất hiện ở Q.Bình Thạnh mà đã từ rất lâu; hầu hết các tụ điểm nhạy cảm ấy vốn lừng lững ở các mặt tiền đường, mở cửa cả ngày lẫn đêm và “ai nhìn cũng biết”… Thế nhưng nó vẫn tồn tại ì xèo cho đến khi lực lượng chức năng thành phố vào cuộc, dư luận bức xúc ầm ầm thì địa phương mới “mạnh tay”.

Tương tự là tình trạng xây dựng trái phép ở nhiều quận, huyện, trong đó nổi lên là Bình Chánh và Gò Vấp… Hàng trăm căn nhà xây trái phép, không phép đã bị cưỡng chế phá vỡ, cho thấy sự kiên quyết của chính quyền thành phố trong việc lập lại trật tự xây dựng. Song, sâu xa trong vụ việc này, hầu hết những người gánh chịu hậu quả là người nghèo. Do điều kiện kinh tế khó khăn, trong khi nhu cầu cấp thiết về chỗ ở nên khi có được ít tiền dành dụm hoặc đi vay, họ mua miếng đất dựng nhà không phép, hoặc mua nhà không phép đã xây sẵn làm chỗ trú thân. Không ít căn nhà đó đã được cấp điện chiếu sáng, nước sạch sinh hoạt hẳn hoi, mà ngành điện và cấp thoát nước khẳng định “chỉ những hồ sơ nhà đất hợp lệ” (có xác nhận của chính quyền địa phương) thì họ mới tiến hành cấp điện, cấp nước theo quy định. Nói cách khác, những căn nhà trái phép, không phép ấy mọc lên có sự tiếp tay của chính quyền địa phương. Điều này, trong cuộc họp UBND TP.HCM ngày 1.8, cũng được lãnh đạo TP thẳng thắn chỉ ra rằng có sự bảo kê, bao che, tiếp tay của các đầu nậu, cán bộ địa phương, bởi lẽ có những nhà chỉ mới đổ một xe cát trước ngõ thì đã bị “vịn” trong khi nhiều căn nhà kiên cố với thời gian xây cất kéo dài mấy tháng mà vẫn “đầu xuôi đuôi lọt”.

Sau hàng trăm căn nhà đã bị cưỡng chế, trong tháng 8 này Bình Chánh và Gò Vấp tiếp tục cưỡng chế, san phẳng gần 500 căn nữa. Người dân làm sai pháp luật đang phải chịu thiệt hại về tài sản, nhưng đến nay chưa có một lãnh đạo quận huyện nào nhận trách nhiệm hoặc bị xử lý do buông lỏng quản lý, gây thiệt hại cho dân, ảnh hưởng đến niềm tin của dân vào chính quyền. Thậm chí, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM còn “đổ lỗi” sai phạm xảy ra “có nguyên nhân do pháp luật, cơ chế”! Đúng là “khen thưởng thì ai cũng có phần nhưng truy trách nhiệm thì tìm hoài không thấy chỗ”.

Với một TP 10 triệu dân, lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý đô thị là chuyện không thể không làm, trong đó điều cần làm trước tiên là siết trách nhiệm mạnh bộ máy cơ sở. Có như vậy mới chấm dứt được tình trạng “mại dâm nhức nhối” hay tài sản người dân chắt chiu bỗng chốc trở thành đống gạch vụn…

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.