Xây đường sắt hiện đại

04/08/2013 11:15 GMT+7

Phương án hiện đại hóa tuyến đường sắt bắc - nam khổ đơn được các đơn vị tư vấn xây dựng sẽ được đưa ra lấy ý kiến người dân trong thời gian tới.

* Rút thời gian tàu chạy Hà Nội - TP.HCM xuống 21 giờ

Trao đổi với PV Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết dự án nâng cấp, hiện đại hóa đường sắt hiện hữu thực hiện theo chủ trương từ Nghị quyết 13 của Hội nghị T.Ư 4. Theo đó, duy trì nâng cấp cải tạo đường sắt hiện có theo các giai đoạn khác nhau, trước mắt vẫn phục vụ cả hành khách và vận tải hàng hóa, nhưng mục tiêu lâu dài tập trung phục vụ vận tải hàng hóa. Tương lai nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt mới khổ 1,435 m song hành với tuyến hiện có (vận tốc từ 160 km/giờ đến 200 km/giờ), sẽ chủ yếu dành cho vận tải hành khách.

 

Với tốc độ trung bình khoảng 80 - 90 km/giờ, dự kiến sẽ rút ngắn được thời gian chạy tàu bắc - nam xuống 21 - 23 giờ


Ảnh: M.H

Dự án nâng cấp đường sắt hiện hữu sẽ cải tạo một số điểm ách tắc ảnh hưởng đến an toàn hành lang và thời gian chạy tàu, tập trung cải tạo các điểm ách tắc như đèo Hải Vân - Đà Nẵng, Khe Nét - Quảng Bình, Đèo Cả, Bình Triệu - Hòa Hưng, nâng cấp tốc độ chạy tàu lên 80 - 90 km/giờ với tàu khách và 50 - 60 km/giờ với vận tải hàng hóa.

Nguồn vốn dự kiến cho dự án rất lớn, gần 40.000 tỉ đồng, sẽ được huy động như thế nào, thưa ông?

Nguồn vốn sẽ huy động từ các nguồn lực khác nhau, gồm vốn trong nước, vốn từ các nhà tài trợ. Hiện tại JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - PV) đang hỗ trợ vốn cho các dự án nâng cấp cầu đường sắt, điểm giao cắt với vốn vay lãi suất thấp. Với nguồn vốn dự kiến nâng cấp đường sắt gần 40.000 tỉ đồng, vốn huy động trong nước sẽ không nhiều, chủ yếu trông đợi nguồn tài trợ nước ngoài. Chúng ta cũng đã đề nghị chính thức về việc hỗ trợ cho dự án này và đang tìm kiếm các nhà tài trợ vốn.

Theo nghiên cứu của các đơn vị tư vấn, trước mắt đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành cải tạo các điểm ưu tiên trên toàn tuyến bắc - nam. Vì phải triển khai nhiều hạng mục gồm cả nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thông tin chạy tàu đang lạc hậu, đầu máy toa xe..., và phụ thuộc vào việc huy động nguồn lực, thời gian thực hiện, nên một số hạng mục dự kiến thực hiện sau năm 2020.

Thời gian chạy tàu bắc - nam sẽ được rút ngắn như thế nào, thưa ông?

Với tốc độ trung bình khoảng 80 - 90 km/giờ, dự kiến sẽ rút ngắn được thời gian chạy tàu bắc - nam xuống 21 - 23 giờ (tốc độ chạy bắc - nam nhanh nhất với tàu SE hiện tại là 29,5 giờ - PV).

 
Hệ thống đường sắt VN đưọc đánh giá đang trong tình trạng cầm cự - Ảnh: Khả Hòa

Có ý kiến cho rằng việc nâng cấp đường sắt hiện có và xây thêm tuyến đường sắt mới rất tốn kém, có thể thay bằng khổ lồng (lồng thêm thanh ray để nâng khổ đường sắt 1 m lên 1,435 m và chạy đồng thời cả 2 khổ). Tại sao Bộ GTVT vẫn lựa chọn phương thức nâng cấp, xây dựng cả 2 tuyến tốn kém hơn?

Với đường sắt hiện hữu, khổ lồng không giải quyết được tất cả vấn đề, không đẩy cao được tốc độ chạy tàu hiện nay. Vì tốc độ chạy tàu phụ thuộc vào yếu tố hình học của tuyến đường như đường cong, đường giao cắt giữa đường sắt và đường bộ dân sinh. Nếu quá nhiều đường cong hay đường giao cắt sẽ không đẩy được tốc độ chạy tàu, nhiều đường cong còn có nguy cơ dễ dẫn đến lật tàu. Khổ lồng chỉ thích ứng với một tuyến đường thẳng, ít giao cắt. Việc nâng cấp tuyến đường đơn hiện nay sẽ làm lại một số đoạn tuyến, cải thiện các điểm cong hay giao cắt để nâng tốc độ và an toàn chạy tàu.

Ông Trần Đình Bá từng gửi thư góp ý Bộ trưởng GTVT nên bỏ “đường sắt đồ cổ”, bỏ hẳn đường sắt hiện hữu để tập trung cho đường sắt khổ đôi tốc độ cao. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?

Bộ GTVT đã có thư trả lời cho ông Bá về vấn đề này. Giao thông VN có nhiều phương thức, nhưng bỏ một phương thức thì phải có phương thức khác thay thế. Cũng như nhà đang dột thì phải che, đường sắt khổ đơn hiện hữu một số điểm tắc nghẽn ảnh hưởng đến an toàn và thời gian chạy tàu cần nâng cấp sửa chữa. Còn đường sắt mới khổ đôi thì phải nghiên cứu xây dựng, có thể thay thế toàn bộ hay chỉ thay thế một phần. Đường đơn hiện đại khổ 1 m cũng có thể chạy tàu tối đa lên 120 km/giờ, và các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ cũng đang duy trì đường khổ đơn 1 m.

Hiện tại, đề án nghiên cứu quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt bắc - nam cũng như dự án xây dựng đường sắt khổ mới tốc độ cao đang được xây dựng, sắp tới Bộ GTVT sẽ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi từ người dân, các chuyên gia.  

1.760 đường cong và 1.048 đường ngang

Đường sắt bắc - nam tuyến Hà Nội - TP.HCM dài 1.726,2 km, là tuyến đường đơn khổ 1 m. Theo báo cáo điều chỉnh chiến lược phát triển GTVT đường sắt VN đến năm 2020 của đơn vị tư vấn là Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT, nhiều đoạn tuyến đi qua các vùng địa hình, địa chất phức tạp, núi non hiểm trở nên có nhiều đường cong và bán kính đường cong nhỏ (cá biệt có đường cong bán kính dưới 100 m), tổng số đường cong cả tuyến là 1.760 cái với chiều dài đường cong 395 km, đặc biệt nhiều đoạn độ dốc lớn rất nguy hiểm như Khe Nét, đèo Hải Vân.

Toàn tuyến có 1.452 cầu lớn nhỏ với tổng chiều dài là 36,3 km, nhiều cầu tuổi thọ trên 100 năm, cần phải dần được thay thế; ngoài 1.048 đường ngang chính thức còn rất nhiều đường ngang bất hợp pháp do dân tự mở. Nhiều loại ray đã khai thác lâu ngày mòn nhiều, hệ thống tín hiệu lạc hậu (trừ một số ga như Hà Nội - Vinh, Sài Gòn - Nha Trang), chưa đồng bộ. Tư vấn cho rằng, “kết cấu hạ tầng đường sắt VN là một bức tranh cũ nát được vá víu để bảo đảm an toàn và duy trì khai thác ở mức độ cầm cự là chính”.

Liên quan tới đường sắt tốc độ cao khổ đôi 1,435 m, tư vấn đề xuất xây 2 đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang.

Mai Hà
(thực hiện)

>> Gần 40.000 tỉ đồng nâng cấp tuyến đường sắt bắc - nam
>> Hà Nội triển khai thêm 2 tuyến đường sắt đô thị
>> Video: Tai nạn đường sắt ở Tây Ban Nha, ít nhất 45 người chết
>> Thảm họa đường sắt tại Tây Ban Nha, ít nhất 45 người chết
>> Ngành đường sắt trả lại hành lý khách để quên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.