Tôi trượt đại học - Kỳ 2: Cứ đi sẽ tìm thấy đường

31/07/2013 14:10 GMT+7

(TNO) Đại học không phải là con đường duy nhất đi đến thành công! Điều này được chứng minh qua nhiều tấm gương bạn trẻ đã dấn thân vào cuộc sống và tìm cho mình một 'con đường' khác phù hợp hơn để thực hiện ước mơ.

(TNO) Đại học không phải là con đường duy nhất đi đến thành công! Điều này được chứng minh qua nhiều tấm gương bạn trẻ đã dấn thân vào cuộc sống và tìm cho mình một con đường khác phù hợp hơn để thực hiện ước mơ.

>> Tôi trượt đại học - Kỳ 1: Rớt đại học? Đó chỉ là một con đường 

Nhiều con đường để đi

Đỗ Thị Bích Phượng (28 tuổi, ở Lũy Bán Bích, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) từng thi đại học (ĐH) năm 2004 chia sẻ: “Lúc biết không đậu ĐH, cũng suy sụp lắm nhưng tôi quyết định ôn thi lại. Thời gian rảnh, tôi tham gia sinh hoạt đoàn tại Quận đoàn Phú Nhuận, bất ngờ đây lại là môi trường giúp tôi định hướng được nghề nghiệp”.

Sau một năm đi làm trong môi trường đoàn, Phượng thay đổi quyết định ban đầu. Cô đăng ký tham gia dự tuyển kỳ thi ĐH tại chức để có nhiều cơ hội cọ xát trong công việc mới, tạo hứng thú cho bản thân, đồng thời trang trải chi phí sinh hoạt cho vừa sức.

Với nỗ lực không ngừng, hiện nay Phượng đang công tác tại một cơ quan nhà nước trên địa bàn Q.Phú Nhuận và giữ chức vụ chủ chốt trong công tác của đoàn thể. Công việc và thu nhập của bạn khá ổn định.

Khi ổn định, Phượng lại tiếp tục học thêm một bằng ĐH nữa để phục vụ tốt hơn cho công việc chuyên môn của mình.

Tương tự, bạn Phan Văn Bá (26 tuổi, thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh) thi vào Trường ĐH Công nghệ thông tin, ngành kỹ thuật phần mềm năm 2007.

 
Phan Văn Bá thành công với niềm đam mê - Ảnh nhân vật cung cấp

Năm đó, Bá thi được 19 điểm, thiếu 1 điểm so với điểm chuẩn của ngành này. Tuy nhiên, với số điểm đó, Bá có thể xét tuyển nguyện vọng 2 vào nhiều trường ĐH khác, nhưng bạn đã không làm như vậy.

 
Thành công hay không là do chính bản thân mình, không phải bắt đầu từ việc một người có vào đại học hay không mà bắt nguồn từ việc một người có chịu học hay không và học những gì
Đỗ Thị Bích Phượng
Mê điện tử, phần mềm, Bá xin phép bố mẹ không học ĐH hay CĐ mà theo học nghề. Ai cũng chê “thợ” nhưng niềm đam mê máy móc đã được Bá theo đuổi đến cùng.

Được gia đình đồng ý, Bá khăn gói vào TP.Biên Hòa (Đồng Nai) học nghề sửa chữa điện thoại.

Vừa học Bá vừa đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập nuôi sống bản thân. Hai năm sau khi tay nghề đã vững, Bá quyết định về quê lập nghiệp.

“Lúc đầu, mình chỉ nghĩ sẽ đi làm thuê cho một cửa hàng nào đó nhưng suy nghĩ lại Bá đã tự mở một cửa hàng cho mình bằng số vốn tích góp được và sự hỗ trợ từ gia đình”, Bá nói về quyết định của mình.

Sau gần 4 năm kinh doanh, Bá đã có thể sống được với nghề. Giờ đây, ít ai biết được Bá là ông chủ của hai cửa hàng mua bán và sửa chữa điện thoại di động.

Kiên trì với đam mê

Nhớ về khoảng thời gian vừa học vừa làm, Phượng chia sẻ thêm: “Thời gian đầu vừa đi làm vừa đi học, tôi cảm thấy bị đuối sức vì không biết sắp xếp thời gian sao cho hợp lý để hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ”.

Trong khi đó, Bá lại trải qua những ngày tháng học nghề vất vả nơi đất khách. Hằng ngày, cứ 5 giờ sáng Bá với chiếc xe đạp cà tàng lên đường đi làm, tối khoảng 6 giờ về tới phòng trọ; có lúc hàng nhiều làm tới 22- 23 giờ đêm để kịp giao cho khách.

Cũng có khi cần một chút may mắn, như trường hợp của bạn Sú Hứng Dậu (29 tuổi, Xuân Lộc, Đồng Nai) từng rớt ĐH năm 2003. Buồn chán Dậu đi học tiếng Hoa, trang bị cho mình một ngoại ngữ.

 
Anh Sú Hứng Dậu đã mạnh dạn nắm bắt cơ hội để thành công - Ảnh nhân vật cung cấp

Một lần thăm bạn thời đi nghĩa vụ quân sự, Dậu thấy đám đông đang phỏng vấn nên tới xem thử. Tuy không có hồ sơ nhưng nhờ biết tiếng Hoa nên anh được nhận vào một công ty (ở Nhơn Trạch, Đồng Nai) làm thử.

Sau 2 năm đầu vất vả, nhờ tính cầu tiến, chịu học hỏi, anh Dậu được công ty cử đi nước ngoài du học. Sau khi hoàn thành khóa học, anh được bổ nhiệm vào chức trưởng phòng quản lý của công ty này với mức lương 17 triệu đồng/tháng. (Còn tiếp)

 

10 nhân vật thành công trên thế giới không có bằng đại học

1. Sean Connery (83 tuổi), nhà sản xuất phim, nam diễn viên nổi tiếng người Scotland với vai James Bond.  Ông chỉ học hết trung học phổ thông, chưa từng học đại học.

2. John D. Rockefeller (1839-1937), chủ tịch công ty dầu mỏ Standard Oil, người giàu nhất trong lịch sử nước Mỹ, bỏ học trung học phổ thông chỉ hai tháng trước khi tốt nghiệp.

3. Richard Branson (63 tuổi), tỉ phú Anh, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Virgin Group. Mới 16 tuổi, ông đã thành lập tập chí The Student. Ông tốt nghiệp trung học nhưng quyết định không học đại học.

4. Amadeo Peter Giannini (1870-1949), nhà sáng lập tập đoàn tài chính và ngân hàng đa quốc gia Bank of America người Mỹ, bỏ học trung học.

5. Henry Ford (1863-1947), tỉ phú, nhà sáng lập hãng xe Ford người Mỹ, chưa từng học đại học.

6. Mark Zuckerberg (29 tuổi), nhà sáng lập Facebook người Mỹ, bỏ học tại đại học danh tiếng Havard khi thực hiện dự án thành lập Facebook.

7. Bill Gates (57 tuổi), tỉ phú Mỹ, nhà sáng lập Microsoft, bỏ học tại đại học danh tiếng Havard, tạo ra hệ điều Windows được sử dụng trên toàn thế giới ngày nay.

8. Will Smith (44 tuổi), nam diễn viên nổi tiếng người Mỹ, vào học Học viện Công nghệ Massachusetts không lâu thì bỏ học theo đuổi sự nghiệp diễn xuất.

9. Micheal Dell (48 tuổi), tỉ phú Mỹ, nhà sáng lập hãng máy tin Dell, bỏ học đại học ở tuổi 19, với 1.000 USD trong túi và giấc mơ thành lập công ty máy tính.

10. Steve Jobs (1955-2011), nhà đồng sáng lập, CEO Apple người Mỹ, chỉ học đúng một học kỳ ở đại học rồi bỏ đi làm việc.

Phúc Duy
(theo Business Insider, BuzzFeed, AFP)

Bảo Ngọc - Hữu Thành

>> Thủ khoa 30 điểm: Tự tin với quyết định bỏ học đại học để thi lại
>> Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Người thầy - Bạn đồng hành của giới trẻ
>> Cô bé tí hon trốn bố mẹ đi thi đại học
>> Bốn lần thi đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc - Kỳ 2
>> Bốn lần thi đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.