Theo dấu văn thơ - Đi tìm 'Ông cá hô'

29/07/2013 03:00 GMT+7

Một nhà thơ lặng lẽ xếp bút nghiên hòa mình theo đoàn người hạ bạc săn cá hô mưu sinh trên sông Hậu. Từ câu chuyện này, một nhà văn nổi tiếng đã xây dựng thành nhân vật trong phim và truyện ngắn Ông cá hô.

Từ đời đến sách và phim

Bộ phim Ông cá hô do Hãng phim truyền hình TP.HCM trình chiếu đã tạo ấn tượng với những thước phim đẹp về sông nước miền Tây, dù phim chỉ dài 90 phút. Phim được quay năm 1999, do Trần Mỹ Hà làm đạo diễn, Lê Vũ Cầu vào vai chính: Ông cá hô. Lê Vũ Cầu hóa thân vào vai người đánh cá hô xuất thần nên nhắc tới ông người ta lại gọi là ông cá hô.

Bộ phim trên được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên Ông cá hô của nhà văn Lê Văn Thảo. Truyện ngắn này nhà văn Lê Văn Thảo viết trong năm 1995, nhân vật là đào Hồng Điệp và kép Hoàng Dương đi theo gánh hát lưu diễn tứ xứ rồi lỡ vận phải nương náu sống tại cồn Te, gần thị xã Long Xuyên, An Giang. Kép Hoàng Dương si mê Hồng Điệp nên cất cái chòi nhỏ ven sông, bỏ ánh đèn sân khấu chuyển sang nghề săn bắt cá hô, là loài cá khổng lồ, bán kiếm tiền cho đào Hồng Điệp gầy dựng gánh hát... Kết thúc truyện, kép Hoàng Dương già xọm sống đơn lẻ trong căn chòi ven sông cùng một tình yêu mộng mị, còn đào Hồng Điệp yên ấm cùng chồng bên kia bờ thị xã.

 
Một con cá hô to dính lưới - Ảnh: T.D

Nhà thơ Phạm Nguyên Thạch, Hội Văn nghệ An Giang cho biết Ông cá hô là một phần hóa thân của nhà thơ Lý Văn Be, bút danh là Lộc Vũ, sống ở An Giang. Lộc Vũ viết nhiều bài thơ được đăng báo, tập san sau đó do hoàn cảnh phải chuyển về quê vợ ở cồn Te. Ngày ấy, Lộc Vũ - một thư sinh trói gà không chặt, còn dân cồn Te phần nhiều là ngư dân. Lạc lõng giữa đất cồn, Lộc Vũ không còn cái nghề nào khác, đã theo ngư dân học cách đánh lưới cá hô. Cái ngày mà Lộc Vũ xuống lưới không ai tin nổi chàng công tử bột ấy sẽ trụ được với cái nghề sương gió. Nhưng không ngờ Lộc Vũ lại trở thành ngư dân chính hiệu với cái duyên sát cá vượt qua các ngư dân. Cánh nghệ sĩ hay đi đò qua cồn Te gặp Lộc Vũ cuối tuần. Đó là cồn nhỏ nằm trên sông Hậu nên không khí mát rượi, cây trái mọc ven sông nhìn rất hữu tình.

Lộc Vũ bỏ thơ văn, người đen xạm vì nắng gió nhưng chất hào sảng của nhà thơ vẫn còn. Trong tiệc vui, nhiều nhà văn, nhà thơ lặng người nghe tâm sự của Vũ về cái cơ cực của nghề “đâm hà bá”. Nhìn ngư dân buông lưới chờ cá hô mắc lưới thấy nhàn hạ lắm nhưng tâm trạng của họ xốn xang, lo sợ, thấp thỏm, trông chờ, căng thẳng... mấy ai hiểu được. Thấy cá hô lên ngớp bèn theo dấu bủa lưới nhưng bao ngày nhẫn nại chờ đợi mà lưới vẫn nhẹ hều. Rồi khi một con cá to mắc lưới, ngư dân được tung hô nhưng mấy ai rõ cái nghèo túng cơm ngày qua bữa của ngư dân. Vậy đó, lênh đênh theo con nước sông Hậu, con cá hô đã nuôi sống nhà thơ và gia đình trong những tháng ngày bĩ cực.

Rồi tình cờ nhà văn Lê Văn Thảo có dịp về Long Xuyên và câu chuyện nhà thơ đi săn cá hô đã cuốn hút ông xây dựng chuyện tình người nghệ sĩ đi đánh lưới cá hô. Năm 1999, phim Ông cá hô khởi quay, lấy bối cảnh là cồn Te và nhà thơ Lộc Vũ được mời làm hướng dẫn kỹ thuật lưới cá hô. Đó là những thước phim cuối cùng mà nhà thơ Lộc Vũ tham gia cùng đoàn phim. Tháng 5.1999 nhà thơ mất do tai nạn.

Thương tiếc bạn hiền, nhà văn Trịnh Bửu Hoài đã làm bài thơ nhan đề Bạn tôi: Bạn dừng chân phiêu bạt/ Về bên bến quê buồn/ Quanh năm nghề hạ bạc/ Neo đời một khúc sông/ ... Ai vào cuộc bể dâu/ Bạn đùa trăng vọc nước/ Ai bon chen xuôi ngược/ Bạn lênh đênh mái chèo/ Quanh quẩn bến quê nghèo/ Gió mưa mòn chí lớn/ Xem đời như giấc mộng...

Bây giờ còn ai nhớ hội cá hô

Bối cảnh trong phim được quay ở cồn Te, căn nhà ven sông là nhà của Lộc Vũ. Ngư dân xem phim Ông cá hô thích lắm vì phần đời của họ bàng bạc qua từng thước phim. Nhưng nhiều người nhận xét chưa đã lắm vì cảnh bắt cá hô trong phim và ngoài đời khác xa. Nhưng họ nói cũng thông cảm bởi vào thời điểm dựng phim, cá hô gần như tuyệt tích trên đoạn sông Hậu chảy qua cồn Te. Bắt được con cá nặng vài chục ký còn khó huống chi tìm được cá khổng lồ nặng hàng trăm ký cho nó lên màn ảnh.

Vào thời điểm ấy, cá hô đã có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Cồn Te vẫn còn bên bờ sông Hậu nhưng theo con nước lớn ròng, bóng cá hô đã mất dần. Ngư dân bảo lúc trước vào tháng 3 là mùa cá hô hội nên vui lắm, bến sông trải dài bóng lưới giăng cá hô. Vậy mà mới đó đã là quá khứ, như số phận của nhà thơ Lộc Vũ và diễn viên Lê Vũ Cầu đan xen nhau một cách kỳ lạ, cả hai người đều là văn nghệ sĩ và số phận éo le như nhau. Lê Vũ Cầu là người bụi đời bỏ nhà đi giang hồ, còn Lộc Vũ có gia đình nhưng nếm trải nỗi đau mất con trai tên Vũ.

Bây giờ, Lê Vũ Cầu và Lộc Vũ đã đi tìm con cá hô ở chốn vĩnh hằng. Con cá hô may mắn hơn các loài cá quý hiếm khác ở nước ta vì tên tuổi chúng còn xuất hiện trên phim ảnh, lưu dấu một thời cá to đầy sông rạch...

Tới năm 2004, các nhà khoa học thuộc Trung tâm giống quốc gia thủy sản nước ngọt Nam bộ tọa lạc tại Tiền Giang ương ép thành công loài cá này thì cá hô mới được hồi sinh. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đau đáu một nỗi niềm: cá hô được bảo tồn nhưng là cá nhỏ, nuôi lâu lắm mới được vài chục kg/con; họ mong sở hữu được con cá hô khổng lồ để nuôi vỗ, nghiên cứu tập quán của chúng, đo xương của chúng để biết rõ chúng đã sống bao năm mới được kích cỡ to như thế. Tiếc thay, cá hô to vừa dính lưới là trong tích tắc xẻ thịt bán liền, cá còn thoi thóp thì không đủ tiền mua nguyên con. Thịt cá hô tùy theo phần đầu, thân, đuôi mà có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/kg.

Thanh Dũng

>> Ram cá hố
>> Cá hồ Phú Hòa chết hàng loạt
>> Cá hố tái chanh
>> Cá hô "khủng" được bán với giá hơn 250 triệu đồng
>> Cả họ đi đòi tiền thi hành án
>> Cá hô vàng được bán về TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.