Điện ảnh Việt mơ Oscar

29/07/2013 11:25 GMT+7

Trong gần 20 năm tới, điện ảnh Việt sẽ thực hiện được giấc mơ đoạt tượng vàng Oscar?

10 năm trước, Vua bãi rác (đạo diễn: Đỗ Minh Tuấn) trở thành bộ phim đầu tiên của VN gửi tham dự giải thưởng Oscar (Mỹ). Sau đó đến Mùa len trâu, Áo lụa Hà Đông, Chuyện của Pao, Khát vọng Thăng Long, Đừng đốt, Mùi cỏ cháy tiếp tục được “mang chuông đi đánh xứ người”, nhưng chưa từng có bộ phim nào lọt vào vòng tuyển chọn của Oscar.

Giấc mơ không tưởng ?

Thế nhưng, trong Dự thảo chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Cục Điện ảnh nêu rõ: mục tiêu phấn đấu của ngành điện ảnh đến năm 2030 là có những tài năng điện ảnh tầm cỡ thế giới, đoạt được giải thưởng lớn tại các liên hoan phim quốc tế uy tín như: Oscar, Cannes, Venice hay Berlin...


Vua bãi rác - bộ phim đầu tiên được VN gửi tham dự giải thưởng Oscar hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc - Ảnh: T.L 

 
Phim Áo lụa Hà Đông từng được chọn tham dự Oscar - Ảnh: đoàn phim cung cấp

Mục tiêu này có trở nên không tưởng, quá tầm hay không - theo cách nhìn của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì phụ thuộc vào việc “xuất hiện tài năng”. Thế nhưng, chưa thể trả lời câu hỏi “khi nào thì tài năng xuất hiện”. Một nền điện ảnh đang lê những bước chậm chạp đầu tiên trên con đường này, thậm chí ở nhiều mặt nào đó vẫn còn có những cánh cửa đang khép, liệu có thể “đúc” ra được tài năng thật sự?

 

Những giải thưởng quốc tế lớn không thể hoạch định được mà tùy thuộc vào việc đầu tư cho con người để khuyến khích sáng tạo. Nhưng tôi e rằng chúng ta chưa làm gì nhiều, thậm chí còn có một số cái đang kìm hãm, chẳng hạn như độ thoáng về kiểm duyệt

Đạo diễn Phan Đăng Di

Cơ hội dành cho các nhà làm phim trẻ (trong đó có thể xuất hiện những tài năng) vô cùng hiếm hoi. Mỗi năm, điện ảnh Việt (bao gồm các hãng phim nhà nước và tư nhân) sản xuất trung bình chưa đến 20 đầu phim nên họa hoằn lắm mới có nhà sản xuất (chủ yếu là tư nhân) dành cơ hội cho những gương mặt mới. Trong khi việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này thì chẳng “đại gia” nào thèm. Bởi đơn giản, điện ảnh là thứ hàng hóa mà đầu ra, tức khâu kiểm duyệt lẫn thị trường phát hành còn rất phập phù trong bối cảnh hiện tại.

“Trước khi đặt ra những mục tiêu lớn, chúng ta thử đặt ra mục tiêu nhỏ mỗi năm có ít nhất 3-5 kịch bản mà nước ngoài sẵn sàng đầu tư sản xuất xem sao. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta không nhất thiết phải có cơ quan quản lý điện ảnh mà nên thay bằng các tổ chức hỗ trợ điện ảnh, còn nhà nước quản lý thì đã có văn bản luật pháp. Có lẽ như thế nền điện ảnh mới thông thoáng được”, đạo diễn Hà Sơn đề nghị.

Người làm phim cứ “cong cong run rẩy”

Trong nền công nghiệp điện ảnh, nhà sản xuất phim giữ vai trò quan trọng, không thể thiếu. Thế nhưng, nhà sản xuất phim chuyên nghiệp ở VN chỉ là con số 0. Trong các đoàn làm phim, công việc na ná, thường bị gán với sản xuất phim là... chủ nhiệm phim, nhưng thực tế đây là hai công việc mang tính chất hoàn toàn khác nhau.

Các trường điện ảnh ở VN cũng chẳng có nơi nào đào tạo nhà sản xuất phim. Mục tiêu của ngành điện ảnh trong thời gian tới là chuyển quy trình sản xuất phim lấy đạo diễn là trung tâm sang quy trình lấy nhà sản xuất làm chủ đạo theo mô hình quốc tế. Nhưng để chuyển đổi cả một quy trình đã định hình từ hàng chục năm chẳng thể dễ dàng!

Đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ: “Những giải thưởng quốc tế lớn không thể hoạch định được mà tùy thuộc vào việc đầu tư cho con người để khuyến khích sáng tạo. Nhưng tôi e rằng chúng ta chưa làm gì nhiều, thậm chí còn có một số cái đang kìm hãm, chẳng hạn như độ thoáng về kiểm duyệt. Sáng tạo suy cho cùng cần có sự tự do, cá nhân phải làm đến cùng với niềm tin của họ. Nếu cứ luôn luôn e sợ thì họ cũng như cái cây lớn lên không được thẳng bình thường, lúc nào cũng cong cong run rẩy”.

“Kiểm duyệt thế nào để kích thích sáng tạo”

Trao đổi với Thanh Niên, đạo diễn Lê Bảo Trung cho rằng: “Mục tiêu Oscar, tôi nghĩ đây là kế hoạch lớn, một vài người khó thể làm được. Trước tiên nên hạn chế kiểm duyệt. Kiểm duyệt cần có trong một đất nước nhưng đặt ra thế nào để kích thích sáng tạo. Người làm phim muốn đi đến tận cùng cái ác, cái thiện. Cũng chính vì những đề tài nhạy cảm bị kiểm duyệt rất gắt gao, nên các nhà làm phim khó suy nghĩ những đề tài đột phá, đi đến cùng chủ đích của đề tài, trong khi cách nhìn của thế giới đã cách xa chúng ta lắm rồi.

Về hỗ trợ kinh phí làm phim thì đa phần các hãng phim trên thế giới đều có các ngân hàng đứng sau lưng. Các nhà đầu tư tài chính cũng nên quan tâm đến nhà sản xuất phim, các dự án phim khả thi để các nhà làm phim có cơ hội tiếp xúc với nguồn vốn vay ưu đãi, thực hiện các dự án phim. Về cơ chế hỗ trợ các nhà làm phim của nhà nước thì cần mở ra một cuộc thi để chào mời dự án từ các thành phần làm phim trong xã hội, không phân biệt nhà nước, tư nhân hay ngay cả các nhà làm phim độc lập - một hình thức đấu thầu điện ảnh công khai.

Cần đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh ở nước ngoài, cụ thể là Mỹ hoặc mời trường điện ảnh uy tín của thế giới hợp tác với trường điện ảnh của VN, đưa giảng viên, các nhà làm phim thế giới giảng dạy tại VN, truyền đạt kinh nghiệm”.

Tín hiệu từ những người trẻ

Phim ngắn 16:30 của Trần Dũng Thanh Huy đã được lựa chọn trình chiếu tại Liên hoan phim (LHP) Cannes 2013, The visitor của Nguyễn Lê Hoàng Việt vào chung kết Giải thưởng phim ngắn Á - u 2012 (Asia - Europe Short Films AwardsASEAF)...

Trước Bi, đừng sợ! được giải thưởng của LHP Cannes, đạo diễn Phan Đăng Di đã được chú ý với nhiều phim ngắn như Sen (được trình chiếu tại LHP ngắn Clermont - Ferrand), Khi ta 20 (tham dự LHP Venice). Phim ngắn Hai, tư, sáu của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp được chọn tham dự Góc phim ngắn của Cannes, sau đó dự án phim dài đầu tiên của chị: Đập cánh giữa không trung có trong danh sách tham dự hạng mục Xưởng phim thế giới tại LHP Cannes.

Ngọc An

>> Tượng vàng Oscar sẽ thuộc về ai?
>> Bán đấu giá 15 tượng vàng Oscar
>> Cuộc chiến giành tượng vàng Oscar
>> Nhiều "bom tấn" đổ bộ rạp phim Việt mùa hè
>> Chờ đợi gì phim Việt ?
>> Vì sao phim Việt thất thế trên sân nhà ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.