Phận mỏng văn hóa phi vật thể

25/07/2013 03:20 GMT+7

Hội thảo về 10 năm Việt Nam tham gia công ước di sản văn hóa phi vật thể tổ chức tại Hà Nội sáng qua (24.7).

Năm ngoái, khi nhóm nghiên cứu của UNESCO tới hội Gióng, chỉ còn hơn một tháng nữa đến lễ hội mà xã vẫn chưa có đủ số ông Hiệu tham gia. Trong khi từ lâu đời, “phục vụ nhà Thánh” vẫn là việc có tính trách nhiệm và rất thiêng liêng, ai cũng tự giác. “Việc diễn lại sự kiện (để làm hồ sơ và nhận bằng) không đúng lễ hội truyền thống đã tạo tiền lệ không tốt. Đó là khi tổ chức, nhà nước bỏ tiền ra thì người dân mới tham gia”, nghiên cứu của UNESCO cho biết. Rõ ràng, nhà nước đã xâm hại tinh thần tự nguyện tham gia hội Gióng của người dân. Cộng đồng của di sản đã không được coi trọng.

Nghệ nhân quan họ Bắc Ninh có lương là một tin mừng -d
Nghệ nhân quan họ Bắc Ninh có lương là một tin mừng - Ảnh: Quang Hưng 

Tại Tháp Bà Po Nagar Nha Trang, nghiên cứu của UNESCO lại phát hiện mâu thuẫn giữa Ban Quản lý di tích (nhà nước) và Ban Khánh tiết (các cụ trong làng được chọn theo hương ước). Tháp Bà là di sản vật thể, nhưng lại có lễ tế vía cúng bà là di sản phi vật thể. Mâu thuẫn xảy ra khi tranh luận ai là người chủ tế. Theo GS Lê Hồng Lý, Viện Nghiên cứu văn hóa “mâu thuẫn xuất phát từ hệ quả của quan điểm chỉ chú trọng di sản vật thể, xem nhẹ vai trò văn hóa phi vật thể”. Đến năm 2011, Ban Quản lý đã mời Ban Khánh tiết đứng ra làm chủ tế ở đây, cho thấy nhận thức về di sản phi vật thể đã được nâng cao.

Ngay cả khu vực cao nguyên đá Đồng Văn cũng đang bất ổn về bảo tồn văn hóa phi vật thể. Theo UNESCO, quy hoạch tổng thể do tỉnh Hà Giang đề xuất có trọng tâm chính chủ yếu là bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị địa chất để phát triển du lịch. “Trong khi đó, quy hoạch tổng thể về bảo tồn di sản phi vật thể lại sơ sài. Nó chỉ chủ yếu tập trung về phát triển làng nghề truyền thống, bảo tồn làng văn hóa bản địa và làng nghề cũng chỉ chủ yếu là nấu rượu và dệt thổ cẩm”, ông Nguyễn Đức Tăng, UNESCO Hà Nội cho biết.

Lãng quên nghệ nhân

Chủ thể quan trọng của văn hóa phi vật thể - nghệ nhân cũng chưa được chú ý có hệ thống, gây khó cho việc bảo tồn. Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, khi thực hiện dự án nhã nhạc, nghệ nhân không thích tham gia phỏng vấn. “Thiếu sự hợp tác tích cực của một số ít nghệ nhân được mời phỏng vấn do bấy lâu nay ta chưa có chính sách hỗ trợ thích đáng đối với các nghệ nhân này”, ông cho biết.

Trong khi đó, do quy trình làm luật, nghị định về phong danh hiệu nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú sẽ phải chậm lại chờ Quốc hội thông qua luật Thi đua khen thưởng. Điều này khiến các nghệ nhân không được vinh danh. “Các nghệ nhân cũng cần hỗ trợ, nhưng cái họ cần hơn là được tôn vinh. Tôi đi sưu tầm sử thi Tây nguyên, có người hát sử thi như nước, hát liên tục mấy ngày. Thế mà lãnh đạo tỉnh ngay gần đó không hề biết”, GS Ngô Đức Thịnh nói.

Ông Nguyễn Đức Tăng khuyến nghị: Nếu không đặt hát kể sử thi Tây nguyên vào cơ chế bảo vệ khẩn cấp thì sẽ có nhiều khó khăn. Nhiều cảnh báo về nghệ nhân cao tuổi qua đời, giới trẻ ít quan tâm, không có người thừa kế, thiếu môi trường diễn xướng... song đến nay vẫn chưa có chương trình hành động tổng thể và cấp thiết.

“Chúng ta cần chú ý thực thi hứa hẹn trong các hồ sơ di sản, phần chương trình hành động”, GS Tô Ngọc Thanh cảnh báo. “Trong khi các di sản đang đối diện với một sự thay đổi không có gì kiềm hãm được. Các môi trường của hầu hết di sản làm gì còn. Lịch sử đã quy định nó không còn nữa thì theo bản thân tôi đã đề nghị phải cho nó một môi trường mới được nhà nước công nhận”. “Tôi đã làm cái đó với hát dô, hát bài bông, các địa phương đó vẫn giữ ngày lễ thánh. Trước 36 năm mới làm thì năm nào cũng làm. Ngoài ra còn hát hội diễn. Phần hát thờ không động đến, còn hát bỏ bộ thì tha hồ. Vì trong những phần hát tín ngưỡng đều có phần dính đến cuộc sống. Nó trình bày với thánh là cuộc sống chúng tôi thế này. Đưa nó vào đời sống được chứ”, ông Thanh gợi mở.

Ý KIẾN

Ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở VH-TT-DL Bắc Ninh: Lương cho nghệ nhân quan họ

Tại Bắc Ninh, các nghệ nhân dân ca quan họ và nghệ nhân ca trù được cấp bằng của Chủ tịch UBND tỉnh, kèm theo tiền thưởng 5 triệu đồng. Họ cũng được hưởng chế độ đãi ngộ hằng tháng bằng một lần mức lương tối thiểu chung, được hưởng chế độ bảo hiểm y tế miễn phí hằng năm, được hưởng chế độ mai táng phí như cán bộ công chức, viên chức nhà nước.

Bà Nguyễn Kim Dung, Cục Di sản: Có hiện tượng lạm dụng di sản kiếm lời bất chính

Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một, thất truyền mà chưa có biện pháp bảo vệ. Đặc biệt, nhận thức về vai trò của cộng đồng chủ thể văn hóa vẫn còn hạn chế dẫn đến thái độ làm thay cộng đồng hoặc can thiệp không đúng cách về di sản. Sự tham gia của cộng đồng trong một số trường hợp vẫn chỉ có tính hình thức. Thậm chí, còn hiện tượng lạm dụng di sản để kiếm lời bất chính, làm sai lệch di sản.

Trinh Nguyễn

>> Lâm Đồng công bố 17 di sản văn hóa phi vật thể
>> Hội ngộ các di sản văn hóa phi vật thể
>> Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận
>> Quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
>> UNESCO trao bằng công nhận Hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể
>> Lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cho đờn ca tài tử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.