Tăng học phí nhưng không tăng chất lượng !

24/07/2013 03:00 GMT+7

Học phí các trường THPT ngoài công lập tại TP.HCM mỗi năm mỗi tăng. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh vẫn còn nhiều hạn chế.

Tăng từ 10% trở lên

So sánh với năm học trước, học phí của khoảng 90 trường THPT ngoài công lập tại TP.HCM có tuyển sinh lớp 10 năm học 2013- 2014 đều tăng từ 10% trở lên.

Tuy nhiên học phí ở những trường được coi là tốp trên, có uy tín đối với phụ huynh giữ nguyên hoặc tăng ít. Ngược lại những trường thuộc tốp dưới lại có sự thay đổi lớn.

Chẳng hạn Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký (Q.11) năm nay vẫn giữ nguyên học phí là 1,8 triệu đồng/tháng. Còn Trường THPT dân lập Ngô Thời Nhiệm (Q.9) thì tăng khoảng 10% tức từ 1,9 triệu đồng lên 2,1 triệu đồng. Trường THPT tư thục Thái Bình (Q.Tân Bình) công khai mức thu là 3,5 triệu đồng/tháng, tăng 200.000 đồng so với năm cũ… Các trường tăng học phí mạnh nhất là Trường THPT tư thục Trần Nhân Tông (Q.11) tăng hơn 40%, cụ thể từ 1,36 triệu đồng lên thành 2 triệu đồng/tháng. Kế đến là Trường THPT tư thục Nam Việt (Q.Tân Phú) từ 1,3 triệu lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng hơn 30%), Trường THPT tư thục Phạm Ngũ Lão (Q.Gò Vấp) từ 1 triệu lên 1,3 triệu đồng/tháng. Các trường THPT tư thục Minh Đức (Q.Tân Phú), tư thục Huỳnh Thúc Kháng (Q.Tân Phú), Thành Nhân (Q.Tân Phú), Hồng Hà (Q.Phú Nhuận)… cũng đồng loạt tăng.

Tăng học phí nhưng không tăng chất lượng !
Khoảng trống dùng làm sân chơi ở Trường THPT dân lập Thăng Long (Q.5) - Ảnh: B.T

Tăng để tránh trượt giá tiền điện, nước !

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Các khoản thu ở khối trường ngoài công lập hoàn toàn do chủ trường tự quyết định nhằm đảm bảo yêu cầu dạy và học. Trong điều kiện bình ổn giá chung và ở phạm vi quản lý ngành, Sở chỉ lưu ý các trường nên cân nhắc khi tăng học phí, tạo điều kiện cho phụ huynh”. Thực tế, cơ sở vật chất và điều kiện học tập ở nhiều trường ngoài công lập hiện nay còn rất yếu. Ông Đạt cũng thừa nhận: “Đa số các trường mới chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất và hoạt động giáo dục”.

Năm 2012, Sở đã kiểm tra đồng loạt gần 90 trường THPT, kết quả cho thấy mức độ đầu tư, quy mô đào tạo giữa các trường không đồng đều. Trong đó 18 trường có diện tích nhỏ (dưới 6 m2/học sinh), 9 trường không có sân chơi, 6 trường không có thư viện, 17 trường thiếu các phòng thực hành, thí nghiệm…

Thực trạng này khá phổ biến ở những trường ngoài công lập. Rất ít trường ngoài công lập tự xây mới mà chủ yếu là thuê nhà phố, nhà xưởng… sau đó cải tạo sửa chữa và chuyển đổi công năng. Chẳng hạn, Trường THPT tư thục Trần Cao Vân (Q.Tân Phú) là tòa nhà văn phòng 5 tầng, lầu 1 - 2 sử dụng làm phòng học, lầu 3 - 4 là khu nội trú, lầu 5 là căn tin - nhà ăn và hoàn toàn không có sân chơi. Tầng trệt cơ sở 1 Trường THPT tư thục Thành Nhân (Q.Tân Phú) làm chỗ để xe, nhà ăn, sân chơi và nơi tổ chức lễ… Tương tự, ở Q.5, Trường THPT dân lập Thăng Long cũng tận dụng diện tích trống ở tầng trệt làm căn tin và sân chơi cho học sinh.

Đặt vấn đề khi tăng học phí, trường có đầu tư vào cơ sở vật chất, phục vụ cho việc học của học sinh tốt hơn hay không, đa số lãnh đạo các trường đều cho rằng khoản thu tăng như vậy để tránh trượt giá tiền điện, nước. Bà Phan Thị Ánh Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường THPT tư thục Nam Việt (Q.Tân Phú), giải thích: “Năm nay, nhà trường tăng kinh phí trả lương cho giáo viên nên phải tăng học phí”.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Tiến Đạt cũng chỉ đưa ra lời khuyên: “Nếu có ý định học dân lập, tư thục, phụ huynh học sinh cần tìm hiểu kỹ các khoản thu cũng như điều kiện, chất lượng dạy học để tương xứng với kinh phí bỏ ra”.

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.