Cần câu trả lời rõ ràng

24/07/2013 02:56 GMT+7

Hoang mang là tâm trạng của hầu hết các phản hồi bạn đọc gửi đến Thanh Niên trong vài ngày nay, liên quan đến chuyện 4 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B. Rất nhiều người cực đoan tuyên bố, “sẽ không có một giọt vắc xin nào vào người con tôi nữa”, hoặc “mắc bệnh chưa chắc đã chết nhưng tiêm vắc xin thì chết”...

Hoang mang là tâm trạng của hầu hết các phản hồi bạn đọc gửi đến Thanh Niên trong vài ngày nay, liên quan đến chuyện 4 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B. Rất nhiều người cực đoan tuyên bố, “sẽ không có một giọt vắc xin nào vào người con tôi nữa”, hoặc “mắc bệnh chưa chắc đã chết nhưng tiêm vắc xin thì chết”...

Một số người bình tĩnh hơn, hiểu rằng, không có liệu pháp nào tuyệt đối, tai biến với tỷ lệ nhất định là điều phải chấp nhận, kể cả tiêm vắc xin. Nhưng điều khiến họ bất an chính là thái độ ứng xử và sự lúng túng trong việc truy tìm, công bố nguyên nhân các ca tai biến dẫn đến tử vong của cơ quan chức năng, trực tiếp là Bộ Y tế.

Đã có tỷ lệ bất thường những ca biến chứng, tử vong liên quan đến vắc xin Quinvaxem trước đây và nay là vắc xin viêm gan B, nhưng chưa bao giờ người dân có được lời giải thích thỏa đáng: Tại bản chất của vắc xin? Tại khâu bảo quản, vận chuyển không tốt? Hay là sự yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ cấp cứu tại các cơ sở đang tổ chức tiêm phòng? Trả lời tử vong do “sốc phản vệ” (hiểu nôm na là khi hệ thống miễn dịch của người phản ứng thái quá với một chất nào đó gây dị ứng nghiêm trọng) cũng chả khác nào nói “cháy là do lửa”!

Cũng giống như khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, tiêm chủng mở rộng là một chính sách rất quan trọng. Với tình yêu vô hạn với trẻ em, niềm tin cải thiện thế hệ sau (giống nòi), dĩ nhiên, chẳng ai phản đối chính sách bao cấp tốt đẹp này. Vì thế mà tiêm chủng mở rộng được ngân sách nhà nước đầu tư, được nhận tài trợ quốc tế, được xã hội hưởng ứng. Và trong nhiều năm qua, đây luôn được kể là điểm sáng thành tích của ngành y tế.

Lãnh đạo ngành y tế có thể chưa cần phải đến tận nhà nạn nhân để chia sẻ về rủi ro, nhưng cần phải phản hồi tích cực hơn trong câu chuyện này trên phương diện lợi ích quốc gia. Đã có quá nhiều vấn đề liên quan đến tiêm chủng, từ nhân viên y tế “ăn bớt” vắc xin, tiêm vắc xin quá hạn cho các bé đến chuyện vắc xin tài trợ dừng rồi tiêm lại hay hàng loạt ca tử vong bất thường. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, những người đứng đầu ngành y tế cần thể hiện quan điểm, nếu không muốn người dân quay lưng với tiêm chủng mở rộng - một chương trình quốc gia.

Việc nhiều bậc phụ huynh đang mất niềm tin vào tiêm chủng vắc xin là có thật, nó có thể khiến nhiều trẻ em bị từ chối quyền tiếp cận với liệu pháp phòng bệnh đặc biệt hiệu quả này. Và chỉ có sự xuất hiện cũng như những trả lời rõ ràng, trách nhiệm của những người đứng đầu ngành y tế mới là liệu pháp niềm tin nặng ký nhất lúc này.

Duy Kiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.