Nguy cơ mắc kẹt

23/07/2013 03:15 GMT+7

Tuần trước, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng trong khi kinh tế thế giới dường như ấm lên, thì VN lại đang kẹt trong tăng trưởng chậm so với chính mình trước đây lẫn so với các nước trong khu vực.

Các con số cụ thể phải kể đến như: tổng đầu tư giảm từ mức 38,5% GDP của năm 2010 xuống còn 29,6% GDP trong quý 1/2013. Tăng trưởng bán lẻ và dịch vụ giảm từ 24% năm 2011 xuống 16% năm 2012 và còn 11,9% trong nửa đầu năm 2013. Theo chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), nguyên nhân của tình trạng này là tiến độ cải cách và cơ cấu lại doanh nghiệp của VN hết sức chậm chạp.

Không phủ nhận, các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ vừa qua đã có sự chuyển biến, đáng kể nhất là việc chuyển dần tư duy điều hành kiểu tình thế sang việc kết hợp giải quyết ngắn hạn với xử lý các vấn đề mang tính dài hạn. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các hành động thực tế. Chẳng hạn, chủ trương hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm hàng tồn kho triển khai rất chậm, dường như còn vướng mắc ở đâu đó mà các doanh nghiệp không thể hiểu được. Nhiều chủ doanh nghiệp phải thốt lên cay đắng: giảm lãi suất cho vay thực chất chỉ là một chiêu PR của các ngân hàng. Trên thực tế, khi trần huy động được kéo về 6,5% so với đỉnh cao 14%, thì lãi suất cho vay chỉ hạ bớt 2-3 điểm phần trăm. Đến giờ, các ngân hàng cũng chưa có bất kỳ tuyên bố rõ ràng nào giải quyết đối với các khoản vay cũ, để doanh nghiệp có thể được vay theo cơ chế mới, hưởng lãi suất thấp hơn hẳn. Khi luôn trong tình trạng ọp ẹp và khát vốn, doanh nghiệp sẽ rất khó sống chứ chưa nói đến tái cơ cấu để phát triển.

Nhìn vào gói hỗ trợ 30.000 tỉ sẽ thấy rõ nhất sự chậm trễ và thiếu nhất quán của chính sách. Sau nhiều tháng chờ đợi và nhiều tuần chính thức triển khai, hồ sơ người thu nhập thấp đủ điều kiện vay tiền mua nhà đếm trên đầu ngón tay; chưa kể các ngân hàng đã tuyên bố sẽ tăng tỷ lệ cho doanh nghiệp vay làm nhà, thay vì dành tỷ lệ lớn cho cá nhân vay mua nhà như chủ trương lúc đầu.

Tương tự, trong khi hàng tồn kho chưa có dấu hiệu được giải tỏa thì việc tăng giá xăng liên tiếp, tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... tiếp tục đẩy chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng cao. Tình trạng này tạo áp lực rất lớn đến đời sống của người dân do chi phí sinh hoạt và giá cả hàng hóa sẽ tăng theo.

Vì vậy, đây là lúc đòi hỏi sự điều hành linh hoạt của quản lý nhà nước, cải cách thủ tục, tháo gỡ cơ chế để đảm bảo rằng các chủ trương, chính sách, nghị quyết được triển khai trên thực tế, nhanh và hiệu quả. Việc triển khai chậm trễ các chương trình cải cách cơ cấu sẽ không chỉ làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và khiến triển vọng tăng trưởng bị mắc kẹt.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.