Hành động trái tinh thần nhân đạo và vô giá trị

20/07/2013 11:10 GMT+7

Theo chuyên gia quốc tế, những động thái gần đây của Trung Quốc trên biển Đông là nhằm “bình thường hóa” tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này.

Trong các ngày 17 và 18.7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã 2 lần ra tuyên bố phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc. Thứ nhất là vụ tàu Trung Quốc truy đuổi, uy hiếp 2 tàu cá Việt Nam đang hoạt động bình thường ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; cho người lên tàu khống chế, lục soát, đánh đập ngư dân, đập phá và lấy đi một số tài sản.

 
Tàu hải giám Trung Quốc trong một đợt tuần tra ở biển Đông - Ảnh: Sina

Về sự việc này, ông Lương Thanh Nghị nêu rõ hành động trên vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông, trái với tinh thần đối xử nhân đạo với ngư dân, các quy định của luật pháp quốc tế… Theo TTXVN, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối. Bên cạnh đó, ông Lương Thanh Nghị cũng khẳng định việc Trung Quốc cấp giấy căn cước và giấy cư trú cho những người đang cư trú phi pháp tại Hoàng Sa là vi phạm chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và hoàn toàn vô giá trị.

Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên về các diễn biến trên, GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) cho rằng hành động truy đuổi, uy hiếp tàu cá Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Ông khẳng định chính quyền Trung Quốc có trách nhiệm nghiêm túc điều tra, xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của ông, hầu như chưa có thuyền trưởng Trung Quốc nào bị trừng phạt vì những hành động tương tự với lập luận vô lý từ nước này rằng đó là “biện pháp thực thi pháp luật bình thường trong vùng biển Trung Quốc”.

Ngoài ra, GS Thayer nhận định hành động cấp giấy tờ phi pháp nói trên cũng là nhằm “bình thường hóa” tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc, tương tự như việc phát hành hộ chiếu in bản đồ đường lưỡi bò trước đây và là kết quả của việc Trung Quốc đơn phương thành lập cái gọi là “TP.Tam Sa” hồi năm ngoái. Ông cảnh báo rằng những vụ tương tự có thể sẽ tiếp diễn. Từ đó, ông Thayer cho rằng trong các cuộc thảo luận sắp tới về Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC) với ASEAN, Trung Quốc sẽ kháng cự những nỗ lực kiềm chế cái gọi là “thực thi pháp luật bình thường hoặc khẳng định chủ quyền” của nước này trên biển.  

Mỹ kêu gọi đẩy nhanh đàm phán COC

Tờ PhilStar ngày 19.7 dẫn lời Phó tổng thống Mỹ Joe Biden thúc giục ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh đàm phán để cho ra đời COC, bộ quy ước mang tính ràng buộc pháp lý để xử lý các tranh chấp trên biển Đông. Trong bài phát biểu tại Washington về chính sách của Mỹ với châu Á - Thái Bình Dương trước chuyến thăm Ấn Độ và Singapore vào tuần tới, ông Biden khẳng định tất cả đều có lợi khi bảo đảm tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. “Điều đó nghĩa là không hăm dọa, cưỡng bách hay hành động hung hăng trên biển”, Phó tổng thống Mỹ tuyên bố.

Trọng Kha

An Điền - Trọng Kha

>> Mỹ kêu gọi ASEAN, Trung Quốc đẩy nhanh đàm phán COC
>> Mỹ rộng cửa vào biển Đông
>> Hoàn lưu bão Cimaron và gió mùa tây nam gây biển động mạnh
>> Trung Quốc và hãng BP bắt tay thăm dò dầu khí ở biển Đông
>> Mở màn phiên xử vụ kiện của Philippines về biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.