'Giật mình giữa mùa xuân' - Truyện ngắn của Phan Ý Yên

21/07/2013 03:20 GMT+7

Ngày 23 tháng 4 năm 2004. Năm đó cô vừa tròn hai mươi tuổi. Trong lúc đang ngồi cặm cụi ghi chép ở sảnh đường đại học thì cảnh sát đến tìm gặp. Họ bảo T đã cắt cổ tay tự vẫn. Ngoài di thư bảo là gửi cho cô. Thời điểm ấy, châu u bắt đầu vào xuân, hoa anh đào rộn ràng nở đầy các lối đi bộ thành phố. Cô chưa từng khóc một lần nào, chưa từng muốn kể lại hay nhắc về T với bất kỳ ai. Bởi vì, suốt mười năm qua, cô luôn tin rằng lựa chọn cái chết là sự lựa chọn ích kỷ nhất của một con người…

Ngày 23 tháng 4 năm 2004. Năm đó cô vừa tròn hai mươi tuổi. Trong lúc đang ngồi cặm cụi ghi chép ở sảnh đường đại học thì cảnh sát đến tìm gặp. Họ bảo T đã cắt cổ tay tự vẫn. Ngoài di thư bảo là gửi cho cô. Thời điểm ấy, châu u bắt đầu vào xuân, hoa anh đào rộn ràng nở đầy các lối đi bộ thành phố. Cô chưa từng khóc một lần nào, chưa từng muốn kể lại hay nhắc về T với bất kỳ ai. Bởi vì, suốt mười năm qua, cô luôn tin rằng lựa chọn cái chết là sự lựa chọn ích kỷ nhất của một con người…

Cô gọi cô ấy là T, lúc đọc theo tiếng Anh sẽ đồng âm với từ “tea”, có nghĩa là trà, do mối quan hệ của hai người có nhiều kỷ niệm đẹp liên quan đến thứ nước âm ấm và thơm dịu dàng ấy. Lúc quen T, cô chỉ vừa mười tám, chân ướt chân ráo đặt chân đến nước Pháp với vỏn vẹn một nghìn euro trong tay. Đóng học phí và các thể loại bắt buộc xong thì còn gần hai trăm trong túi. Vậy là chẳng còn cách nào, bắt buộc len lỏi đi xin việc ở khắp nơi. Không phải ai cũng có được cái may mắn để được nhận làm ở những nơi mà các văn phòng tư vấn du học hay quảng cáo như McDonald’s hay KFC, những công việc mang lại thu nhập 8 euro/giờ, mà đa phần tập trung tranh đấu lấy một chỗ ở các nhà hàng châu Á nằm san sát nhau trên phố Tàu. Ở Paris, thỉnh thoảng bạn vẫn tìm được một nhà hàng Á trả lương tử tế, còn ở các thành phố nhỏ, 20 euro làm việc từ 5 giờ chiều đến 1 giờ đêm, bạn còn phải năn nỉ để có. Như cô chẳng hạn. Cô cần tiền. Nên sẵn sàng đứng kỳ kèo suốt ba mươi phút với mụ chủ người Hoa biết nói tiếng Việt cho đến khi mụ gật đầu với cái bĩu môi khinh miệt. Mười tám tuổi. Cô đã nung nấu trong đầu mình. Dù có thế nào, cũng nhất định phải sống và không thể thua.

 
Minh họa: Văn Nguyễn

Nhưng T thì không vậy. T là người Việt sinh ra ở Pháp. Luôn có cái nhìn trìu mến với mọi điều, cho dù là bé nhỏ nhất. Cô gặp T vào ngày 23 tháng 4 năm 2003, ở một tiệm hoa có bán trà và bánh ngọt trên gác xép. Không khí thật thanh an và khiết lành. Hôm ấy, lần đầu tiên trong đời mình, cô nhìn thấy hoa camellia (hoa trà) ở ngoài đời thực, muốn mua một bông cho mình nhưng tiếc tiền nên cứ chần chừ mãi trước cửa. T làm việc ở đó, đã quan sát cô hồi lâu rồi bất ngờ tiến đến nói: “Những bông hoa này, chỉ nên ngắm nhìn thôi, chúng không còn đẹp nữa khi mua về”. Ngay vào khoảnh khắc đầu tiên kia, cô đã hiểu, cho dù cuộc đời sẽ đi qua những vùng đất nào, gặp gỡ, yêu thương rồi sai lầm với những người nào, cũng chưa chắc tìm được một người có thể đồng cảm và trân trọng mình từ những vụn vặt ý nhị như thế. Sau này, họ gặp gỡ nhau thường xuyên hơn, sự thân thiết giống như một điều hiển nhiên lớn dần theo mỗi phút. T không có nhiều tiền. Còn cô là một sinh viên nghèo không gì chối cãi, phải làm việc tất cả các buổi tối cho đến 1 giờ đêm nếu muốn có đủ tiền sinh sống. Nhưng cô bớt hoảng sợ hơn, bớt bất an và đơn độc hơn vì có một người bạn bên mình.

T không có bố. Giống cô. Gia đình không còn lại nhiều người nhưng chẳng ai có thể nói với ai câu nào. T ra ngoài sống riêng từ khi mười sáu và thường xuyên khóc một mình. Có lần cô hỏi: “Tại sao người ta khóc mãi mà chẳng thấy mệt nhỉ?”. T mỉm cười: “Vì có những điều khác còn nặng nề hơn cả nước mắt”. Cô không để tâm. Cô muốn làm việc thật nhiều, học hành cật lực để thoát ra khỏi những tháng ngày chật vật. Mười tám tuổi, cô không khóc vì mình đơn độc. Cô khóc vì mình không thể nghĩ ra cách nào khác tốt hơn để lại có thể sống những ngày tháng thảnh thơi như người này người khác. Có đôi lần, cô đã giận mẹ mình. Vì đã sắt thép với đứa con gái duy nhất như thế. Nhưng càng lớn lên rồi mới hiểu, để rèn giũa ý chí của một con người luôn cần có ai đó nhẫn tâm và lạnh lùng với họ. Nhưng mà, hình như cô cũng đã quá thờ ơ với T. Lần này, không thể khiến T đứng dậy mà trái lại rời bỏ cô đi mãi mãi.

Đột nhiên, cô không muốn kể tiếp câu chuyện nữa. Vì những ngày này, cô thường xuyên nghĩ về T, đến nỗi, sau ngần ấy năm mới đủ can đảm đọc di thư mà T để lại cho mình. Nó không giống một bức thư tuyệt mệnh gì cả. T kể chuyện hồi xưa họ đã gặp gỡ nhau ra sao, nói với nhau những lời thế nào. Trong thư, T vẽ những cái icon hình gấu cười nhăn nhở thật đáng yêu. T bảo rất thích nhìn thấy cô cười. T biết cô thực ra rất chơi vơi và cô độc, chỉ cố thể hiện mình mạnh mẽ mà thôi. T lúc nào cũng muốn cuộc sống giữa hai người trôi qua bình yên và lặng lẽ. Cô từ chối tình cảm của T cũng được, nhưng đừng ruồng rẫy, lúc nhọc tâm hãy cứ tìm T mà nằm gối đầu lên chân cho nước mắt chảy ngang. Nhưng khi ấy, cô là đứa trẻ con hèn nhát, vì sự bối rối và hoang mang của cá nhân mình mà sẵn sàng trốn chạy, rời bỏ T. Một con người nếu không có tình cảm này thì rồi từ từ cũng sẽ đón nhận được tình cảm khác. Một mối thương đau dù u uẩn cũng có cách mà dần dần phai nhạt theo thời gian. Đấy là người ta nghĩ thế. Người ta quy định thế. Người ta hy vọng thế. Còn T thì không…

Mà bây giờ cô cũng không. Vì nếu người ta buộc phải sống tốt, sống trách nhiệm và tuân thủ mọi luân thường đạo lý, thì người ta cũng nên được có quyền chọn cách kết thúc cho mình khi trái tim kiệt sức.

    ***

Cô viết. Em chưa từng đi tìm anh. Ngay cả trong những giấc mơ trước đây cũng chưa từng. Bản thân là một trái tim thất bại. Không thể nắm giữ được tình cảm của bất cứ người đàn ông nào. Nhưng gặp anh rồi. Cứ liều mạng thêm một lần mà hy vọng được yêu anh. Thế nên, đừng ruồng bỏ em! Đừng rời xa em! Vì bây giờ. Lúc này. Dẫu có thế nào. Em cũng sẽ đi tìm anh. Không phải vì em sợ đơn độc. Không phải vì em không có anh em sẽ không sống được. Mà vì những khoảnh khắc đã từng nhìn thấy anh trong thế giới của mình khiến em tin rằng: đôi khi không được thương, được quan tâm một người còn tệ hơn cả cái chết, tệ hơn cả việc phải khóc hàng đêm dài đằng đẵng.

Sự cố chấp đó. Nghe thật phi lý. Nhưng tình yêu. Vốn dĩ nó là điều phi lý ngu muội rồi. Người ta ai cũng sẽ hết yêu. Đó là người ta tưởng vậy. Vì đến một thời điểm cần thiết, bạn nhất định sẽ lại phi lý ngu muội nhiều lần với cùng một người mà thôi. Nếu yêu.

Cô viết xong rồi. Gấp mảnh giấy làm tư cho vào một cái phong bao nhỏ. Bên ngoài ghi nắn nót. Gửi M. Rồi khẽ khàng để nó xuống cạnh đầu giường mình. Hôm qua bác sĩ bảo trong đầu cô có một thứ gì đó. Nghe đến đó thôi là cô bỏ chạy. Bây giờ mới là tháng tư, mùa xuân chỉ vừa đặt chân qua cửa. Người ta nhất định không nên biết những chuyện đáng sợ đến như vậy khi thời tiết đang đẹp thế này. Cô đi tìm M. Nhìn thấy anh đang ngồi đánh máy. Nắng xiên xiên qua khe cửa. Nước mắt chỉ chực rơi xuống. Vì sợ. Cuộc đời vốn dĩ không hoàn mỹ và trải đầy thảm hoa. Nhưng vào lúc này đây, cô không hề muốn mất nó một chút nào. Cô bảo M hãy ôm cô đi. Anh lắc đầu. Rồi quay lưng đi thẳng. Đó không phải là một giấc mơ. Đó là hiện thực. Lúc nhỏ mẹ cô thường bảo. Đừng bao giờ cố định nghĩa sự ràng buộc. Một người ở cạnh một người thực ra đều do tự nguyện. Nếu không mọi cố gắng cũng đều vô nghĩa. Chỉ còn mình ở lại với một vết nứt ở trong lòng. Mà nỗi đau nào cũng dễ khiến người ta trở nên hằn học và giận dữ. Phản xạ bình thường và nhân bản nhất là trách giận cái người đã phủ nhận sự tồn tại của mình. Như thể ngày hôm trước và hôm trước nữa chỉ là một khoảnh khắc nhắm mắt sai lầm. Nhưng rồi vĩnh viễn sẽ không bao giờ có hồi đáp. Cô thấy thật buồn cười. Vì ai cũng cặm cụi yêu đương, dốc hết cả tâm tư sức lực, chưa một lần vụ lợi gì cho bản thân. Xong rồi vào khoảnh khắc cuối, khi đối phương đã nguội lạnh thì mới quyết định vì mình mà ích kỷ. Những câu hỏi tự vấn đại loại kiểu: “Tại sao anh lại nhẫn tâm như vậy khi tôi luôn luôn chân thành?”, “Tại sao lại có loại người bạc bẽo như anh?”, “Tôi đã vì anh thế này thế kia mà sao anh hất đi ráo hoảnh?”… xuất hiện đồng loạt. Phải hỏi như vậy, phải cố chấp như vậy, phải trút mọi sự uất ức như vậy lên đối phương để mong bản thân được thanh thản. Cơ mà rốt cuộc có được đâu. Đến cả chuyện cố ích kỷ một lần cũng lại chỉ tự tổn thương mình thêm cú chót.

Đấy là khi tỉnh ngộ rồi cô mới nghĩ được sáng suốt. Còn lúc M bỏ đi. Cô cũng như bất kỳ đứa con gái nhẹ dạ nào trên địa cầu này. Nghĩ rằng M là một thằng tồi không hơn. Cô giấu mình trong nhà, dằn vặt hiện tại bằng đủ loại câu hỏi và câu trả lời. Từng khắc trôi qua chỉ càng thấy ghét thêm chính mình. Thái độ lạnh lùng của M như nhát dao cứa sâu vào nỗi hoang hoải vì bị bỏ rơi của cô, nhất là khi vào lúc này, lúc mà cô nghĩ người cô cần nhất lại chính là anh. Hóa ra cần một người nào đó khi hoảng sợ hay lạc lối cũng giống như phát hiện ra mình đang mắc phải một cơn nghiện. Vì bấy lâu luôn được “cung cấp” đầy đủ nên không hề nhận ra. Cho đến khi nguồn cung dừng lại mới thực sự thấm thía. Mới giật mình hẫng hụt. Là vì trông chờ nhiều quá nên lại càng thất vọng. Là vì ngỡ tưởng quá nhiều điều nên khi không còn nữa sự bất an lại càng tăng lên gấp vạn. Cô giận M lắm. Quên mất cả chuyện bác sĩ đã nói gì. Quên mất rằng sinh mệnh của mình phải luôn luôn là quan trọng nhất. Quên rằng T đã từng bảo cho dù có chuyện gì cũng phải giữ gìn bản thân mình được khỏe mạnh.

Có một ngày mùa đông, bên ngoài trời phủ tuyết trắng xóa mặc dù đã cuối tháng hai. Hôm ấy là sinh nhật cô. T nhắn tin bảo “Đi làm về muộn cũng được, hãy ghé qua nhà!”. Hơn hai giờ sáng cô mới đi bộ về đến nhà T vì xe bus không chạy nữa. Trên phố ẩm ướt phủ một màu vàng buồn bã. Một con mèo hoang co ro trên nóc thùng rác, đôi mắt sáng quắc nhìn chằm chằm về phía cô. Đột nhiên cô nghĩ về con mèo buổi tối hôm ấy. Vì nó cô quạnh, đôi chút bất hạnh nữa cũng nên nếu là số kiếp của một con mèo, nhưng nó không hề buồn bã mà trái lại, vô cùng ngạo nghễ, bất cần. Nó làm cô nhớ đến thứ khí chất ngoan cường mà cô đã luôn có trong suốt quãng thời gian dài tuổi trẻ. Không than vãn, không khóc, không bi lụy. Nước mắt có rơi cũng khô nhanh để còn bận tâm làm nhiều việc khác. Cô mở cửa bước vào nhà. T đang ngồi ở cái bàn nhỏ giữa phòng, vẻ mặt rạng rỡ. T hỏi có lạnh không rồi chạy ùa đến ôm chặt lấy cô. T phủi tuyết bám trên tóc trên áo, ấn cô ngồi xuống ghế. Vài phút sau mang ra một cái bánh táo cỡ nhỏ và một cốc trà. Là trà táo tàu và long nhãn. Bánh vẫn còn âm ấm mùi quế. Cô chăm chú nhìn T đang vụng về thắp nến, nụ cười vẫn còn lấp lánh sáng ngời. Khoảnh khắc ấy thật kỳ lạ. Cô thấy mình buồn quá đỗi. Niềm hạnh phúc đang cháy lên trong mắt T khiến cô ái ngại và lúng túng. Cô đẩy nhẹ T ra, khoác lại áo. “Mình về đây. Mệt rồi. Hôm khác gặp nhé! Cảm ơn”. Trên suốt đoạn đường dài lạnh buốt, cô đã khóc. Cô hoàn toàn không có ai. Chỉ mỗi mình T. Thế mà lại chẳng biết làm cách nào để yêu thương người đó cho trọn vẹn. Không phải vấn đề nào cũng có chung đáp án là “sự cố gắng”. Có những mối quan hệ vốn dĩ ngay từ lúc bắt đầu đã biết kết cục. Nhưng cả đôi bên đều không nỡ vì ai cũng nuôi dưỡng những hy vọng tốt đẹp. Chỉ có điều chúng không giống nhau vì hoàn cảnh và trái tim vẫn là của hai cá thể hoàn toàn riêng biệt. Mà càng nhiều mong đợi thì lại càng đẩy nhau ra xa khi nỗi thất vọng dần dần len lỏi vào. Cô thường nghĩ một ngày nào đó T sẽ mang tình cảm đang dành cho cô mà trao cho một người nào đó thích hợp hơn. Họ có thể không còn những buổi chiều mùa hè ngồi dọc triền sông yên lặng đọc sách, thỉnh thoảng đến một đoạn hay thì cùng thích thú kể cho nhau nghe. Cũng có thể T không làm bánh cho cô nữa hay lặng lẽ đến căn phòng áp mái nhỏ của cô đặt một khóm cúc trắng bé xíu trên bàn học, gấp lại chăn rồi bình thản ra về. Nhưng mà T sẽ được vui vẻ trọn vẹn, hạnh phúc trọn vẹn. Lúc đối diện với cô, có thể nhẹ nhàng mỉm cười thật tự nhiên như nhìn vào một phần ký ức đã trôi qua dịu dàng. Sự thân thuộc giữa những người có duyên với nhau bằng tình cảm sẽ mãi mãi giản dị cho dù thay đổi là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc đời này. Tuy nhiên, đến lúc T chết, cô mới bàng hoàng nhận ra. Họ đã ở bên cạnh nhau trong một quãng thời gian đủ sâu sắc, chia sẻ với nhau nhiều xúc cảm mà không cần phải dùng đến quá nhiều ngôn ngữ. Nhưng mong ước của T chỉ duy nhất có một chữ. Là “Cô”. Cái gánh nặng đó, cô vốn không hề biết rõ, cô vốn chưa từng hình dung, chưa từng huyễn hoặc. Để rồi khi mọi thứ sáng tỏ, cô lần đầu tiên cảm thấy tình yêu giữa người này và người kia có thể trở nên quá nặng nề và ngạt thở.

Là như vậy. Cô tưởng mình hiểu. Mà vẫn không hiểu. Vì lúc yêu M đã vô tình mặc định M là tất cả những gì mình có. Cô không chấp nhận sự thật là mình yếu đuối. Ở tuổi hai mươi bảy, công việc, trải nghiệm, quan hệ, tài sản… cô đã chăm chỉ xây dựng tất cả như lời hứa với bản thân từ năm mười tám tuổi. Cô bắt đầu cho phép mình được khóc, được mưu cầu những điều hết sức phụ nữ và thật lòng với người đàn ông nào đó. Rồi M xuất hiện. M ngọt ngào. M có giọng nói ấm. Ánh mắt M nhìn cô khiến trái tim cô bối rối. Bàn tay M nắm lấy tay cô khiến cô thấy mình được an toàn. Cơ mà nếu M buông ra, hoặc không ở bên cạnh nữa, cô sẽ sợ hãi và hoang mang vô cùng. Anh đang làm gì, với ai, có nghĩ đến cô không. Hôm nay anh mặc áo màu gì, có cười không, hút bao nhiêu điếu thuốc, nghe nhạc gì, ăn gì lúc trưa, tại sao không nhắn tin cho cô buổi sáng. Mỗi một ngày trôi qua, sự hiện diện của M càng trở thành một phần bất di bất dịch trong cuộc sống của cô. Cô hạnh phúc nhưng bất an. Cô có những ngày rộn rã nhưng càng lúc càng tự vấn quá nhiều. Và khi không nhận được câu trả lời cho mọi lo lắng (có thật hoặc không) của mình, cô vỡ òa.

“Nếu không có mình nữa, bạn có buồn không chouquette?”
“Bạn đừng hỏi những câu vớ vẩn như thế!”
“Mình đang sợ hãi lắm!”
“Tại sao?”
“Mình có linh cảm rằng bạn sắp thuộc về người khác rồi!”
“Mình chẳng thuộc về ai cả. Cậu hãy thôi đi!”

Hôm ấy, cô thấy T khóc. Rất lâu, một mình bên cửa sổ. Hoa anh đào bắt đầu he hé phía bên ngoài bầu trời đang tỏa nắng dìu dịu. Cô thấy phiền quá, cái bầu không khí u ám này. Tại sao không thể yên ổn bình thường ở cạnh nhau đi qua những ngày khó nhọc? Tuổi trẻ đã không suôn sẻ rồi, đã đau đầu lắm rồi, sao lại còn tìm cách bi lụy nó thêm nữa? Cô xốc ba lô lên vai, mở cửa ra khỏi nhà, bỏ lại phía sau một khoảng u uất nghẹn ngào.

Một tuần sau T đã ở phía bên kia thế giới. Cô oán giận T vô cùng. Cắn chặt môi mình đến khi ứa máu, nước mắt nhòe hết cả quãng đường trước mặt. Cảnh sát hỏi gì cô cũng không thể nào nghe rõ, đều trả lời “không biết”. Tang lễ của T thưa thớt người. Cô lầm lũi đứng từ xa nhìn lại. Trời mưa một chút. Giữa mùa xuân. Lòng hun hút những mất mát vô hình. T đã chọn một kết cục cho mình. Cái ngày T nói với cô rằng T sợ hãi, hôm trước mẹ T nhảy từ tầng hai mươi bảy xuống. Cô không biết gì. Hoặc giả đã quá thờ ơ để biết. Cô bận rộn vun đắp cho tuổi trẻ của mình, cho thanh xuân của mình. Cô cần gì phải quan tâm xem hôm nay ai đã khóc vì ai, ai đã nhảy từ nơi nào xuống đất, ai không còn niềm tin hay hy vọng nữa. Cô đã luôn nghĩ cuộc đời đâu chỉ toàn những chuyện tồi tệ, có u ám hay không cũng đều do con người nhìn nhận hết cả. Cô ghét T. Ghét lựa chọn của T. Ghét cách hành xử của T. Ích kỷ và nông cạn. Bồng bột và độc ác.

Nhưng nhiều năm đã qua, cô vẫn luôn nhớ đến T. Nước mắt vẫn hoang hoải rơi vào mỗi ngày 23 tháng tư, giữa mùa xuân ở bất kỳ thành phố nào trên thế giới. Thỉnh thoảng cô vẫn mong, có ai đó nắm lấy tay mình mà bảo “Đi từ từ thôi, Yên à!”. Lớp vỏ bọc phía xung quanh mình, cô trang hoàng cho nó thật lộng lẫy, nhưng khi M bước lại gần, không cần vũ khí nào, anh cũng đã chạm được đến tận bên trong và cô bất an đến run rẩy. M nhìn cô thở dài. “Em làm anh sợ quá!”. Lời nói ấy nghe thật buồn. Như thể giữa cô và M là những khoảng trống không bao giờ có thể lấp đầy nổi. Cô dần dần đã hiểu được cho T những giây phút của mùa xuân năm ấy khi đối diện với người mình yêu thương hơn hết thảy lại hoàn toàn bất lực. Rất mong mỏi đối phương hiểu, rất hy vọng đối phương cảm nhận được nhưng suy nghĩ ấy thực ra quá vô lý. Vì rốt cuộc, một người khác vẫn chỉ là một người khác mà thôi!

Và M dứt khoát bỏ đi, dứt khoát buông tay cô vào lúc cô chưa kịp nói rằng “anh ơi, em không còn ở cạnh anh được lâu nữa!”. Rõ ràng nó không phải là một kết cục tươi sáng có hậu chút nào. Cô mặc chiếc váy xinh nhất, chải tóc thành từng lọn nhỏ buông dài sau lưng. Cô đi gặp M. Cô thản nhiên cười, thản nhiên nói chuyện như giữa họ chưa từng có khoảng cách nào. M vẫn điềm nhiên im lặng. Vết nứt trong lòng cô toác ra từng chút từng chút một. Bất giác cô hét lên.

“Em chết rồi anh có còn nhẫn tâm được thế này không?”

Cô thật dại dột. Vì quên mất rằng với đàn ông, chỉ có thể mong chờ người ta chìa tay ra với mình, lau khô nước mắt cho mình lúc người ta còn chút tình cảm. Chứ một khi đã hanh hao rồi, nước mắt có lấp đầy địa cầu cũng không tài nào lung lay được lòng dạ sắt đá ấy. Trong chiếc hộp nhỏ mà T để lại có một tấm bưu thiếp bằng giấy cũ. T viết.

“Bạn luôn là cái bánh su ngọt ngào nhất với mình ngay cả khi bạn thích làm một cái bánh cháy đắng ngắt. Nhiều lúc bạn thật xấu tính nhưng mình chưa bao giờ giận bạn cả. Bạn chắc chắn không thể nào hiểu hết được mình và cũng không thể đoán mò mà an ủi mình được. Thế nên sau này, cho dù quyết định của mình là gì, mình chỉ mong bạn có thể hứa với mình một điều duy nhất mà thôi. Bạn đừng giận mình nhé, chouquette!” .

Chẳng hiểu tại sao con người ta cứ phải lớn lên rồi những câu hỏi của bản thân cũng từ đó mà trở nên pha tạp đủ mùi hỉ nộ sân si. Nếu mà hỏi “chúng ta lâu rồi chưa nắm tay nhau nhỉ” sao không đủ tự tin nhìn vào mắt đối phương để bảo “hãy nắm tay em đi”? Giống như cô, cứ muốn M phải tự động ôm lấy mình mà chưa một lần vứt bỏ sự kiêu ngạo để thẳng thắn “em đau, em sợ, em không có ai và em cần anh lắm!”. Vì mãi cứ e ngại những điều mình nói ra sẽ bị từ chối mà quên mất rằng đôi khi bộc bạch là để bản thân được thanh thản chứ không phải duy nhất chuyện mưu cầu được đáp trả. Người ta mệt rồi. Là tại mình cũng được. Là tại người ta cũng được. Hay tại ông trời cũng thế. Mọi thứ đều chỉ mang trong mình một điểm dừng nhất định bất kể ai muốn gì đi nữa. Khi câu chuyện của bạn được kể xong, luôn có người đứng lên bỏ đi, có người ngồi lại đôi chút nhìn bạn, hoặc người khác nữa sẽ ôm bạn. Nhưng chẳng phải vì như vậy mà thay đổi được mọi việc đã xảy ra. Chỉ duy nhất thứ mà bạn có thể lựa chọn. Chính là vào ngày mai, mình sẽ đứng lên hay vẫn ở mãi tại chỗ buồn bã này? Rốt cuộc, đời sống này gói gọn đơn giản vậy thôi!

Bạn đừng thắc mắc về kết thúc. Rằng cô ấy có chết đi hay không. Rằng M có quay lại hay không. Hay đến cuối cùng tình yêu ở đâu khi nỗi buồn thì dài vương đến vậy. Giữa mùa xuân, mọi điều đều đẹp. Kể cả giọt nước mắt trong veo của ai đó vào ngày cuối cùng nhìn thấy ánh nắng vàng len qua tấm rèm thêu hoa nhỏ li ti. Cô lôi chiếc phong bao nhỏ ở dưới gối ra, nhẹ nhàng miết nhẹ dọc những cạnh hơi quăn góc. Vào lúc này, đột nhiên cô không còn cảm thấy bản thân mình đơn độc nữa. Ngày mai, khi mở mắt ra, nhất định sẽ là những ngày đầu tiên tươi đẹp của một tuổi thanh xuân hoàn toàn mới…

“Vì tình yêu vốn chẳng phải là do một người quá ưu tú mà bi lụy hay dốc lòng. Là lỡ nhắm mắt rồi nên mãi e ngại không dám mở mắt ra mà thôi…”.  

Truyện ngắn của Phan Ý Yên

>> Radio 99.9 - Truyện ngắn của Phan Ý Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.