Du lịch 'xổi'

17/07/2013 03:00 GMT+7

Túi nilon từng bồng bềnh trên biển Cù Lao Chàm trước khi người dân ở đây nói không với nó. Khi biển sạch trở lại, ngoài dự tính, rặng san hô tưởng như mòn mỏi đến chết đã sinh sôi trở lại. Một chuyên gia tấm tắc rằng đó là món quà của biển khi người dân hành động vì bền vững của môi trường, của du lịch.

Túi nilon từng bồng bềnh trên biển Cù Lao Chàm trước khi người dân ở đây nói không với nó. Khi biển sạch trở lại, ngoài dự tính, rặng san hô tưởng như mòn mỏi đến chết đã sinh sôi trở lại. Một chuyên gia tấm tắc rằng đó là món quà của biển khi người dân hành động vì bền vững của môi trường, của du lịch.

Những lý thuyết du lịch bền vững có thể xa lạ với người dân Cù Lao Chàm và nhiều địa phương khác đang phát triển ngành kinh tế này. Tuy nhiên, hậu quả đa dạng khi phát triển du lịch “xổi” lại vô cùng dễ thấy. Vịnh biển Nha Trang tan nát vì hàng loạt dự án xây dựng và chờ xây dựng. Cũng tại vịnh biển danh thắng quốc gia này, những dự án ngầm bỗng dưng trồi lên khó hiểu. Phong Nha Kẻ Bàng bong tróc nền hang hóa thạch, bãi cát ngầm mất đi vẻ tơi xốp tự nhiên. Nhà vệ sinh xuất hiện sau đình làng Đường Lâm, nơi người dân hàng trăm năm nay luôn tìm đến để thành tâm cúng lễ.

Những hậu quả trên, nói cho cùng, cũng đều bắt nguồn từ mong muốn khai thác du lịch mỗi lúc một nhiều hơn, phục vụ du khách mỗi lúc một đông hơn. Muốn thế, các khách sạn nhà nghỉ phải mọc lên, những tour tham quan phải dày hơn, số lượng công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, quán xá cũng phải bổ sung liên tục. Có điều, sự phát triển phải có ngưỡng, bởi việc xây dựng, tổ chức tham quan cần tính đến khả năng tài nguyên bị kiệt quệ, không thể sử dụng cho mai sau. Ở góc độ đó, du lịch bền vững cũng là du lịch có trách nhiệm. Từ góc nhìn này, những khối san hô sống bị móc lên chất đống ở Nha Trang, thạch nhũ héo mòn vì thường xuyên bị đèn chiếu ở Phong Nha, hay nhà vệ sinh sát đình làng Đường Lâm đều cho thấy sự thiếu trách nhiệm.

Chỉ khung pháp lý chặt chẽ mới có thể ngăn doanh nghiệp kiếm lợi bằng mọi giá và để phát triển du lịch bền vững cũng vậy. Doanh nghiệp phải tuân thủ quy hoạch du lịch có khoa học và tầm nhìn. Họ phải bảo vệ và tôn tạo môi trường nhân văn. Càng không được lạm dụng và tăng lượng khách quá sức chứa. Quan trọng hơn cả, du lịch chỉ bền vững khi vai trò quản lý giám sát của các cấp chính quyền đối với các khu du lịch được đề cao. Thế nhưng tại Nha Trang, Phong Nha và Đường Lâm và nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác, các nguyên tắc này đều đã bị vi phạm.

Rõ ràng, đằng sau ảo tưởng phát triển du lịch qua những tòa nhà cao ngất, số lượng khách tăng vọt không chỉ là chuyện du lịch “xổi”, mà còn cho thấy sự thiếu bền vững bắt nguồn từ tư duy về du lịch rất thiếu trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.