Những tập tục kỳ lạ: Gieo quẻ đặt tên

15/07/2013 03:30 GMT+7

Nhiều bản làng vùng cao Quảng Nam tồn tại những tập tục kỳ lạ, thậm chí kinh hoàng, phản ánh niềm tin của đồng bào Cadong, Xê đăng, Cor… nhưng có trường hợp đôi khi vượt lên trên luật pháp.

Phun nước bọt vào miệng để… đổi tên

Xã đội trưởng xã Trà Tập (H.Nam Trà My) thoạt đầu không mang tên Hồ Văn Niếp. 28 năm trước, lúc vợ mới sinh đứa con ở nóc Tu Gia thuộc thôn 2, cha anh Niếp là ông Hồ Văn Nem dự tính đặt tên anh là Huyền, nhưng rốt cuộc phải chờ thầy bói quyết định. Cha của Niếp cũng là thầy bói, nhưng gia đình vẫn mời vị có uy tín hơn để xin tên con. “Ở làng tôi, từ xưa ai cũng phải nhờ thầy bói đặt tên để tránh bệnh tật và làm ăn khá giả. Đến bây giờ cũng y như thế”, anh Niếp nói.

 Những tập tục kỳ lạ: Gieo quẻ đặt tên
Hai thế hệ đặt tên bằng cách gieo quẻ (từ phải qua): Niếp, Hiểu, Tiên và con trai An, Thắng - Ảnh: H.X.H

Cơn mưa chiều ập đến sớm khiến trụ sở UBND xã Trà Tập vắng ngắt. Trong một góc phòng làm việc, mấy cán bộ trẻ ngồi trò chuyện. Tiện dịp, họ kể về những cái tên được đặt một cách khó nhọc…

Đồng bào Cadong ở Trà Tập tin vào cái tên do thầy bói gieo quẻ. Trong vòng 3 ngày sau khi sinh, gia đình chuẩn bị một số tên rồi mời thầy đến cúng. Thầy bói là người có uy tín trong làng. Nguyên tắc chọn tên cũng rất chặt: không được trùng với người trong gia đình và dòng họ, tránh tên những người đã chết. Thầy dùng củ diêng (giống củ nghệ) hoặc đoạn nứa, chẻ làm đôi để gieo quẻ. Mâm cúng thế nào cũng phải có con gà. Cứ đến từng cái tên chuẩn bị sẵn, thầy lẩm bẩm khấn: “Nếu cho đặt tên này thì một sấp một ngửa”, rồi tung quẻ. Lần lượt lướt qua từng cái tên, hễ quẻ “ứng” vào tên nào thì dừng lại. Lỡ tung khắp lượt vẫn chưa chọn được thì thầy bói sẽ tiếp tục nghĩ giúp một tên mới, thường gợi ý theo vần của tên người cha. Nhưng chừng đó vẫn chưa xong. Nếu đứa trẻ sơ sinh khóc nhiều, không chịu bú, đại tiện khó, đau ốm lặt vặt… thì gia đình lại vời thầy đến tung quẻ vì nghi đứa bé không “thích” cái tên cũ. Cứ thế, cho đến khi đứa bé hết khóc (!).

Hồ Văn Tiên (anh em chú bác với Niếp) bối rối khi kể với chúng tôi chi tiết hồi nhỏ bị thầy bói nhổ nước bọt vào miệng. Tiên nghe người lớn kể lại rằng, 22 năm trước, thầy gieo quẻ chọn được tên Canh. Ấy vậy mà thằng bé Canh cứ khóc quấy, người cha bèn vời thầy đến. “Ông thầy đó đã phun nước bọt vào miệng tôi, rồi đặt tên mới là Tiên. Cha bảo, từ đó tôi không còn khóc nữa, chẳng hiểu vì sao”, Tiên ngượng nghịu. 

Cả làng đặt tên

Sau này, đến lượt mình làm bố, Hồ Văn Tiên cũng bày mâm cúng cho thầy bói đặt tên con. Ban đầu, gia đình Tiên có 3 lựa chọn (An, Mẫn, Anh), thầy bói gieo trúng tên An, nhưng khi ra xã làm giấy khai sinh Tiên “lén” đổi thành Anh vì thích tên này hơn. Thành ra, cháu bé hiện có đến 2 tên gọi khác nhau. Hồ Văn Thắng, cán bộ địa chính xã Trà Tập (25 tuổi), từng được đặt tên kiểu như vậy. Hai đứa con của xã đội trưởng Hồ Văn Niếp sinh năm 2008, 2011 lần lượt được thầy bói chọn tên Hưng, Hữu. Riêng cháu Hưng, ban đầu Niếp muốn đặt là Nam, cuối cùng vẫn phải nghe theo thầy bói. Tên của em ruột Niếp, công an viên Hồ Văn Hiểu (23 tuổi), cũng tương tự. “Mà tất cả 4 thôn của xã Trà Tập, ai cũng làm theo cách đó”, Niếp quả quyết.

Ở phía tây nam, xã Trà Cang (cùng huyện) có cách đặt tên con khác hơn một chút. Sau 2 ngày sinh, người mẹ bồng đứa con ra khỏi bậc cửa khoảng 5 m, ở đó người cha chuẩn bị sẵn mâm cúng để “xin” tên. Nếu 2-3 ngày sau đứa trẻ vẫn khóc tức là nó không thích tên ấy, lại cúng và đổi. Có đứa trẻ phải đổi 3 lần mới hết khóc (!). Nhưng ở Trà Tập, nhiều người lưu giữ tập tục thú vị này: không chỉ cha mẹ mà dân làng còn tham gia đặt tên cho thành viên mới. Hôm làm lễ cúng xin tên, họ kéo đến, mỗi người gợi ý một tên đẹp. Thầy bói chọn trúng tên của ai đặt thì người đó sẽ mời tất cả về nhà mình, giết gà rót rượu đãi khách. Đứa trẻ cũng được bồng theo, đến sáng mai mới quay lại. Chuyện rượu chè không quá câu nệ, không cần no say nếu chủ nhà chưa chuẩn bị kịp, song vẫn rất thân tình. Riêng ở thôn 2 Trà Tập, có tục ai đến thăm đứa trẻ đầu tiên sẽ “đăng cai” bữa tiệc, xem như món quà dành cho đứa trẻ…

Những đứa trẻ Cadong, Xê đăng lớn lên cùng với cái tên được cha mẹ, người thân và nhiều dân làng gửi gắm niềm tin thông qua những lần tung quẻ đầy may rủi của thầy bói.

Đặt tên con theo internet

Con trai của chị Nguyễn Thị Huệ (32 tuổi, người Cadong, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Nam Trà My) có cách đặt tên “khác” hơn. Nhiều năm từng làm Bí thư Đảng ủy xã Trà Tập, cũng là người Cadong ở thôn 2, chị bảo có những trường hợp trẻ sơ sinh kỳ cục lắm, khóc nhiều, không chịu bú, tiêu hóa kém… và dân làng phải liên tục thay đổi tên đến khi nào mọi chuyện trở lại bình thường.

Hồi tháng 2 năm ngoái, khi chị Huệ sinh con, các cô dì chú bác cũng xúm vào gợi ý các tên Bảo, Gia, Hải... Dù thừa nhận sẽ rất thú vị nếu chọn các tên đó vì gần với tên người thân, nhưng rốt cuộc chị Huệ âm thầm đặt một tên mới, Hồ Nguyễn Quốc Vương. Nhiều người thắc mắc, bởi tên mới chẳng trùng với vần nào của cha (Lân) hoặc mẹ (Huệ). Chị Huệ thuyết phục mọi người khi đưa ra lý do “đã tham khảo internet”. Sau khi lên mạng đặt câu hỏi “Tên nào phù hợp với bé trai sinh năm Nhâm Thìn?”, chị được gợi ý chọn Vương, Quốc, Đại...

Hứa Xuyên Huỳnh

>> Tập tục ngày tết trên thế giới
>> Tập tục tàn bạo từ thời Aztec
>> Tập tục lạ ở vùng cao - Kỳ 9: Đâm tay để tìm ra... quan hệ bất chính
>> Tập tục lạ ở vùng cao - Kỳ 8: “Thổi” bệnh huyền bí
>> Tập tục lạ ở vùng cao - Kỳ 7: Ám ảnh ma rừng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.