Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Văn miếu Trấn Biên

15/07/2013 10:15 GMT+7

Trung tâm Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai) vừa phối hợp các sở ngành liên quan cùng các nhà khoa học tổ chức buổi tọa đàm “Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của Văn miếu trấn biên”.

Trung tâm Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai) vừa phối hợp các sở ngành liên quan cùng các nhà khoa học tổ chức buổi tọa đàm “Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của Văn miếu Trấn Biên”.

>> Ai về Văn Miếu Trấn Biên

 Văn miếu Trấn Biên
Học sinh các trường tiểu học, THCS đi học ngoại khóa tại VMTB - Ảnh Lê Lâm

Mở đầu, ông Trần Đăng Ninh- Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên (VMTB) phát biểu: “Hiện nay VMTB chỉ mới là nơi vinh danh các tập thể, cá nhân; các gương điển hình có thành tích xuất sắc trong lao động; các nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú; những học sinh, sinh viên tiêu biểu trong học tập; nơi tổ chức các hoạt động văn hóa của tỉnh… Mà chưa thực sự là nơi lưu giữ và bảo tồn những tư liệu quý giá về văn hóa, lịch sử. Do vậy, việc sưu tầm bổ sung các tư liệu để qua đó nghiên cứu và hiểu về các giá trị lịch sử đó một cách thật sự, để từ đó tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị là điều cần thiết”.

 

VMTB được hình thành sớm nhất ở nam bộ từ những năm 1715 và được phỏng dựng nhân kỷ niệm Biên Hòa-Đồng Nai 300 năm (1698-1998). VMTB là một biểu tượng cho truyền thống học tập, hào khí văn hóa của những con người vùng đất phương Nam, là sự nối tiếp truyền thống của Văn miếu Quốc Tử Giám ở Thăng Long, là biểu tượng của tinh thần hiếu học, trọng người tài.

Thạc sĩ Phan Đình Dũng- Giảng viên Trường ĐH Văn Hóa TP.HCM nhận định, VMTB dụng lên là để thờ Khổng Tử, nhằm mục đích khuyến khích việc học tập, đề cao việc học, tìm kiếm nhân tài. Tư tưởng của Khổng Tử là trung quân, vì thế nên khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp phá bỏ VMTB. “Vì nếu để lại một biểu tượng trung quân thì sẽ khó mà cai trị dân chúng. Bây giờ, VMTB có nhiều cách tân, không chỉ thờ Khổng Tử mà thờ nhiều nhân vật khác. Về vật liệu xây dựng và quy mô cũng khác nên cần đặt ra vấn đề là bảo tồn và phát huy như thế nào cho đúng”, ông Dũng nói.

Chưa đủ điều kiện xếp hạng

Đại diện BQL Di tích Danh thắng Đồng Nai đề nghị VMTB cần phải xếp hạng di tích, ít nhất là cấp tỉnh. Khi có xếp hạng rồi lập ra đề án quy hoạch để bảo tồn, phát triển; đồng thời kết hợp với sản phẩm du lịch để quảng bá hình ảnh. Trả lời thắc mắc này, ông Trần Quang Toại- Phó giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết toàn bộ khu di tích này đã được quy hoạch, về việc xếp hạng di tích thì theo Luật Di sản Văn hóa, với một công trình kiến trúc thì phải có thời gian từ 50 năm trở lên mới đủ điều kiện xếp hạng. VMTB, về địa điểm xây dựng thì được rồi còn về kiến trúc thì chưa.

Cuối cùng ông Toại đề xuất: “Để phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, trước hết VMTB cần phải bảo tồn cho tốt các văn hóa vật thể và phi vật thể, bảo vệ kiến trúc, cảnh quan đang hiện hữu và nếu có xây dựng, phát triển thêm phải phù hợp với môi trường, cảnh quan kiến trúc hiện tồn. Tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh VMTB. Phải phối hợp với Trung tâm xúc tiến du lịch, xây dựng các tour du lịch đến VMTB”.  Ông Toại cũng lưu ý từ “phục dựng” VMTB là chưa chính xác. Vì phục dựng là khôi phục y như cũ mà phải gọi là phỏng dựng từ việc tham quan, nghiên cứu các văn miếu khác trên nền tảng kiến trúc thời các triều Nguyễn. Còn về vị trí có đúng với năm xưa hay không quả thật rất là khó. Dựa vào những tư liệu lịch sử thì đoán là chỉ có thể khu vực này, nên tạm thời chúng ta chấp nhận thế thôi.

Buổi tọa đàm còn tranh luận sôi nỗi về việc có nên cho chụp ảnh cưới hay không? Về vấn đề này ông Ninh giải thích: “VMTB được xây dựng gồm có bốn phân khu, gồm khu thờ tự, khu lễ hội, khu sinh hoạt, khu vui chơi. Hiện tại VMTB đang tạo điều kiện cho những đôi cưới nhau được phép chụp ảnh ở các khu vực lễ hội, sinh hoạt và vui chơi, còn nơi thờ tự thì tuyệt đối không.”

Lê Lâm

>> Thí sinh ồ ạt đến Văn Miếu cầu may
>> Giải cứu bia tiến sĩ ở Văn Miếu
>> Giáo dục di sản ở Văn Miếu
>> “Mái ngói xanh” ở Văn Miếu
>> Nghẹt thở ở Văn Miếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.