Dân lập chốt canh nhà máy gây ô nhiễm

14/07/2013 11:15 GMT+7

Những người dân thôn Châu Xá, xã Duy Tân, H.Kinh Môn, Hải Dương đã lập thêm chốt mới bảo vệ hiện trường, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo nhà máy sản xuất proniken trái phép ở địa phương này.

Dân lập chốt canh nhà máy gây ô nhiễm
Chốt chặn mới được lập vào sáng 12.7 - Ảnh: P.H.S

Có mặt tại hiện trường trưa 12.7, PV Thanh Niên ghi nhận có 2 đường vào nhà máy proniken, người dân đã lập lán kiểm soát một đường từ tháng 6.2013, nay lập thêm một chốt mới để giám sát nốt con đường còn lại. Tại chốt chặn mới được làm bởi các cột sắt, trên mái phủ bạt, có tới gần 40 người gồm phụ nữ và người già trong thôn Châu Xá. Bà Trần Thị M. (60 tuổi) bức xúc: "Dân chúng tôi đợi mãi vẫn không thấy có kết luận của cơ quan chức năng về việc nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, đời sống của người dân. Trong khi nhà máy này lại vội vàng cho người nhanh chóng tháo dỡ mang hết tất cả thiết bị đi". Theo người dân, vào khoảng tháng 3.2013, khi nhà máy sản xuất proniken đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm nghiêm trọng. Do nhà máy chuyên sản xuất về đêm nên cứ tầm 21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, từ phía nhà máy xuất hiện những làn khói mờ, có mùi thối, gây buồn nôn, tức ngực khó thở.

Người dân đã có đơn kiến nghị gửi UBND xã Duy Tân, Huyện ủy, UBND H.Kinh Môn, các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Hải Dương nhưng không nhận được hồi âm. Người dân cũng nhiều lần kéo ra xã yêu cầu chính quyền xã giải quyết nhưng vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ. Ngày 13.6, người dân đã lập chốt, chặn đường vào nhà máy. Nhưng đêm 25 rạng sáng 26.6, bất ngờ có hàng chục thanh niên tới ném bom xăng đốt lều. Tiếp đó, đêm 26 rạng sáng 27.6, vài chục tên côn đồ đi trên một xe xúc, 7 xe tải xông vào gây hấn làm một người dân là ông Phạm Văn Quý bị thương.

Nhà máy proniken là dự án của Công ty TNHH một thành viên thương mại Trường Khánh, do ông Trần Văn Khoa làm giám đốc. Công ty này đấu thầu 11.700 m2 đất công điền tại khu vực Núi Công, gần thôn Châu Xá để trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản, nhưng sau đó ngang nhiên xây dựng nhà máy. Tiếp xúc với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Bên, Bí thư Huyện ủy Kinh Môn thừa nhận chính quyền xã đã cho thuê đất trái thẩm quyền, để doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong người dân. “Huyện cũng đã cử đoàn công tác kiểm tra, xem xét trách nhiệm của tập thể và cá nhân để xảy ra sai phạm”, bà Bên khẳng định.

Phạm Hải Sâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.