Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: 'Đút lót, tiêu cực... có bắt, có xử được mấy đâu'

12/07/2013 10:50 GMT+7

Trước tình trạng thông đồng, đội giá, đút lót tiêu cực hoành hành trong đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong lần sửa luật sắp tới phải ngăn chặn, xử lý dứt điểm. Bản thân ông thấy đau xót khi nhìn giá xây dựng công trình của Việt Nam tăng vọt, đắt nhất thế giới, trong khi tiêu cực, đút lót thì không thấy xử được ai.

Biết có tiêu cực mà không xử được

 

Đút lót, tiêu cực nhưng không bắt, không xử được, có bắt có xử được mấy đâu. Mà đã nói đấu tranh phòng chống tham nhũng là đây, luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí phải là đây chứ đâu nữa

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng

Sáng 11.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) nghe báo cáo về một số vấn đề tồn tại trong dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi như: tình trạng thông thầu, đấu thầu giá rẻ, “quân xanh quân đỏ”... Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển bày tỏ bức xúc vì thời gian qua hàng loạt dự án (DA) bị chậm tiến độ, điều chỉnh giá do lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo về năng lực tài chính, kỹ thuật. Ngoài ra, tình trạng bỏ thầu thấp, sau đó kéo dài thời gian thi công khiến kết quả đấu thầu ban đầu hầu như không có ý nghĩa.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Phan Xuân Dũng băn khoăn vì “đọc đi đọc lại trong dự thảo luật không thấy quy định rõ về tiêu chuẩn kỹ thuật”, trong khi đây chính là nguyên nhân khiến nhà thầu sử dụng công nghệ lạc hậu, cũ để có giá rẻ thắng thầu. Ông Dũng đề nghị phải bổ sung rõ tiêu chí như xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng công nghệ khi đấu thầu.

Nghe thảo luận xong, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi tới lãnh đạo các bộ ngành ngồi tham dự: “Các đồng chí thử tìm xem có công trình xây dựng, giao thông nào mà không đội giá, đội lên cả hàng nghìn tỉ đồng nhưng rồi lại đâu vào đấy. Vấn đề này, cơ quan quản lý, lãnh đạo cũng đã thấy rõ cả, nhưng cuối cùng bộ, ngành nào cũng vẫn phải chạy theo chủ đầu tư để điều chỉnh giá khiến giá xây dựng công trình, dự án của Việt Nam đắt nhất khu vực và thế giới”. Nhưng điều đáng suy nghĩ, theo Chủ tịch QH là dù biết bị đội giá, biết có tiêu cực, nhũng nhiễu nhưng luật lại không xử được, ông bức xúc: “Đút lót, tiêu cực nhưng không bắt, không xử được, có bắt có xử được mấy đâu. Mà đã nói đấu tranh phòng chống tham nhũng là đây, luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí phải là đây chứ đâu nữa”.

“Không ai chịu trách nhiệm là hỏng”

Chủ tịch QH khẳng định một khi đã để thông thầu thì ắt có tham nhũng, tiêu cực. Ông nói: “Tôi nhiều năm làm lĩnh vực này trong ngành tài chính, Chính phủ tôi thấy đau lắm. Dự án nào, cuối cùng Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch theo tham mưu của các cơ quan cũng cứ điều chỉnh giá lên vùn vụt. Mà không điều chỉnh không được vì chủ đầu tư, nhà thầu làm đúng luật hết. Thế là luật dở hay luật đúng mà bắt không được. Các đồng chí phải thấy được thực tế ấy để thay đổi”.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: “Đút lót, tiêu cực ... có bắt, có xử được mấy đâu”
Chủ tịch QH yêu cầu phải sửa đổi các quy định, cách quản lý để chấm dứt tình trạng dự án nào cũng đội vốn, điều chỉnh tăng dự toán - Ảnh: Diệp Đức Minh

Riêng vấn đề đội giá, Chủ tịch QH khẳng định cần thay đổi tận gốc, triệt để không được cho điều chỉnh, tăng giá. Các rủi ro về lãi suất, tỷ giá, điều kiện vĩ mô… phải được tính toán hết vào dự toán để sau trúng thầu, không có bất cứ công trình, dự án nào được điều chỉnh. Nhìn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh, Chủ tịch QH hỏi: “Đồng chí Sinh ngồi đây có công trình nào không lên giá không, đồng chí chỉ tôi xem nào, có công trình nào đội giá mà đến mức không điều chỉnh không”, rồi tiếp tục quay sang Thứ trưởng Trần Văn Sơn (Bộ Xây dựng): “Đồng chí Sinh quá rành về giao thông rồi, còn đồng chí Sơn từ tổng công ty đi lên, các đồng chí biết hết cả mánh lới ấy thì đưa vào luật xử lý đi”.

Khẳng định dự luật trình chưa được quan tâm đúng mức, còn quá nhẹ nhàng, Chủ tịch QH yêu cầu tất cả các bộ, ngành, ủy ban phải “xúm” lại để sau khi trình ra QH, các đại biểu bấm nút còn cảm thấy sung sướng vì yên tâm lần này chống được tham nhũng, nhà thầu nào vi phạm có thể bắt ngay, dễ xử lý.

Được mời giải trình, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho rằng các vấn đề Chủ tịch QH và các chủ nhiệm ủy ban nêu như thông thầu, đội giá đều là việc đại sự. Về lý do DA nào cũng bị điều chỉnh, theo ông Sinh là do kinh tế vĩ mô không ổn định, lạm phát cao, tỷ giá, lãi suất thay đổi dẫn tới giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào thay đổi theo... Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cắt ngang: “Nếu thay đổi thì cứ tính hết các tỷ lệ này vào dự toán, lời ăn, lỗ chịu. Tỷ lệ này quy định vào luật đi, không điều chỉnh gì hết”. Thứ trưởng Sinh “xin tiếp thu” và tiếp tục định giải thích, nhưng Chủ tịch QH đã xin lỗi và kể lại câu chuyện nhà thầu của Nhật vừa rồi đòi Bộ GTVT đền bù mấy trăm tỉ đồng vì giải phóng mặt bằng chậm. Đây là lỗi của bộ, ngành nên cần phải nhìn vào đây để rút kinh nghiệm. Thứ trưởng Sinh giãi bày rằng nhiều khi cũng muốn làm sòng phẳng từng dự án, nhưng hiện tại do ngân sách khó khăn không có vốn đối ứng nên phải lấy chỗ này, đắp chỗ kia, nên tiến độ bị chậm. Chủ tịch QH nhắc: “Đồng chí nói sòng phẳng thì bây giờ phải minh bạch sòng phẳng đi để chống tiêu cực. Việc giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của ai, không làm được thì phải đền, không để nhập nhằng thiếu trách nhiệm, trên bảo dưới không nghe. Cứ đôn đốc, thúc giục rồi không ai chịu trách nhiệm, một chế độ nhà nước không ai chịu trách nhiệm là hỏng”.

Cần chế tài người đứng đầu

Cho ý kiến về dự thảo luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, thời gian qua lãng phí diễn ra khắp nơi: quy hoạch treo, đất bỏ hoang nhưng hầu như không thấy xử lý nghiêm. Trong đời sống xã hội, lễ hội, cưới xin, ma chay là đương nhiên nhưng lại có cả mê tín, đánh bạc, buôn thần bán thánh… Vì vậy, luật cần có quy định để hạn chế, bên cạnh việc tuyên truyền vận động người dân. “Thanh tra, kiểm toán xót ruột, ai cũng kêu lên nhưng lãng phí còn hơn cả tham nhũng, vậy khắc phục thế nào, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra… chỉ ra không giải quyết thì làm như thế nào”, Chủ tịch QH đặt vấn đề.

Được mời giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận hiện nay các lễ hội từ thôn đến huyện, tỉnh diễn ra tốn kém và đều có ý kiến của cấp ủy, chính quyền các cấp. Do đó, tới đây một phần kêu gọi, một phần phải gắn việc này với trách nhiệm chính quyền các cấp. Về xử lý các vi phạm, ông Dũng cũng khẳng định, lâu nay chưa xử lý được dù thanh tra, kiểm tra phát hiện vượt mức, vi phạm. “Lãng phí lâu nay chưa xử được ai, tới đây cần làm rõ hơn chế tài người đứng đầu, cấp trên của đơn vị tổ chức để xảy ra lãng phí”, ông Dũng cho biết.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.