Xem xét tình trạng luật lệ không đi vào cuộc sống

11/07/2013 03:05 GMT+7

Ngày 10.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên họp thường kỳ thứ 19 để tiến thành thảo luận về chương trình, nội dung kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến về một số dự luật quan trọng.

Xem xét tình trạng luật lệ không đi vào cuộc sống

Phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: TTXVN

Trong thời gian 3 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ thảo luận thêm về luật Đấu thầu sửa đổi, luật Phòng cháy chữa cháy, luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Nghị quyết về việc ĐBQH tiếp công dân, theo dõi việc giải quyết khiếu nại...

Về nội dung phiên họp 6, QH khóa XIII, theo báo cáo của Văn phòng Quốc hội (QH), dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 21.10 và kéo dài 30 ngày đến hết 26.11. Tại kỳ họp này, nội dung quan trọng nhất là QH sẽ thông qua Hiến pháp sửa đổi 1992 và luật Đất đai sửa đổi. Ngoài ra, QH xem xét thông qua 9 dự án luật: luật Việc làm, luật Đất đai, luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí... Bên cạnh đó, cho ý kiến về luật Phá sản, luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, luật Đầu tư công. Quốc hội cũng nghe báo cáo về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013, tình hình thực hiện 2014; tình hình thực hiện kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015 và Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, một vấn đề cũng phải xem xét, thảo luận tại kỳ họp tới là việc luật lệ không đi vào cuộc sống, như trường hợp pháp lệnh Người có công đã ban hành quy định xây nhà cho đồng bào dân tộc, người có công hơn 1.000 tỉ đồng, nhưng giờ vẫn chưa thực hiện.  Chủ tịch đề nghị, phải rà soát xem có bao nhiêu luật, pháp lệnh chưa đi vào cuộc sống để chấn chỉnh lại.

Liên quan đến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, báo cáo dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội thứ 6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ dành 3 ngày. Trong đó, thời gian thảo luận là nửa ngày ở tổ, hai ngày ở hội trường và thời gian thông qua là nửa ngày. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị nâng thời gian thảo luận ở tổ lên một ngày để có thể có nhiều ý kiến góp ý hơn.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.