Mùa hè của con trẻ - Kỳ 3: Nếu không học, trẻ biết chơi đâu ?

09/07/2013 03:20 GMT+7

Chuyên đề Mùa hè của con trẻ đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc. Đa số mong muốn trẻ có một mùa hè thật sự thay vì một “học kỳ thứ 3”. Bên cạnh đó nhiều người cho con học hè cũng vì chuyện bất đắc dĩ: nếu không cho trẻ học thì biết cho trẻ chơi ở đâu trong suốt mùa hè?

>> Mùa hè của con trẻ - Kỳ 2: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Đừng để các em đánh mất tuổi thơ !”
>> Mùa hè của con trẻ: Lắng nghe các em bày tỏ
>> Trả lại mùa hè cho bé - Trẻ em có còn háo hức

Nguyễn Minh Thành (khu tập thể Giảng Võ, Hà Nội): “Nói thực là “văn hóa học hè” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều cha mẹ, thầy cô rồi, rất nhiều trường mở cửa đón học sinh từ tháng 7, có trường ngay trong tháng 6. Tôi nghĩ nên áp dụng cách “học mà chơi, chơi mà học” cho trẻ trong dịp hè - nghĩa là bên cạnh việc học nên cho các cháu vui chơi trong mùa hè thoải mái hơn. Khổ nỗi là sân chơi cho trẻ vừa thiếu lại vừa không an toàn. Gần nhà tôi có một khoảnh sân công cộng nhưng bị lấn chiếm quá nửa. Trẻ em đá cầu, đá banh bên cạnh bếp than tổ ong của mấy hàng rong, bàn ghế chiếm dụng hết quá nửa, cầu trượt không dùng được vì vướng bãi xe của quán cà phê…”.

 Thiếu chỗ vui chơi an toàn, mùa hè trẻ lại miệt mài với sách bút - d
Thiếu chỗ vui chơi an toàn, mùa hè trẻ lại miệt mài với sách bút - Ảnh: Nguyễn Tường Huy

Trần Thị Minh Phương (đường D2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM): “Khi cho con đi học hè, tôi cũng rất tâm tư. Không phải tôi lo cho lực học của cháu mà đơn giản là để cháu ở nhà chúng tôi không thể quản lý được vì hai vợ chồng đi làm suốt ngày. Nếu không học, trẻ biết chơi ở đâu? Các sân chơi ở thành phố quá thiếu thốn và thiếu an toàn. Theo tôi trường học dẫu sao vẫn là môi trường an toàn để trẻ học và chơi trong hè”.

Nguyễn Hải (Quang Trung, Q.Gò Vấp, TP.HCM): “Thật đáng buồn là giờ đây trẻ không có mùa hè thật sự vì phải học hành nhiều mà ít được vui chơi vận động. Cháu tôi lớp 5 mà học suốt hè vì cha mẹ cháu đi làm cả ngày. Không ít lần tôi bắt gặp cảnh cháu làm bài tập ngủ gục trên đống sách vở. Các bậc phụ huynh đừng quên rằng con trẻ vốn là đối tượng thích tự do khám phá, vui chơi và bay nhảy. Qua vui chơi, trẻ học được nhiều kỹ năng mới, trở nên sáng tạo hơn, thông minh hơn”.

Đoàn Xuân Hương (Công ty CSC - Senior Sourcing Analyst, TP.HCM): “Tôi rất muốn hai con mình được hưởng thụ một mùa hè hạnh phúc như tôi thời thơ bé, nhưng thật khó biết bao. Tôi gặp phụ huynh nào cũng hỏi con chị có học hè không? Con tôi muốn tới nhà bạn chơi thì bạn bận đi học thêm… Tôi muốn tìm một sân chơi cho các con tham gia trong mùa hè để không phải đi học thêm hoặc mải mê ti vi, máy tính, nhưng tìm hoài không ra một sân chơi phù hợp, an toàn ở gần nhà cho các cháu vui chơi phát triển thể chất và các kỹ năng xã hội. Mong rằng xã hội quan tâm hơn nữa trong việc phát triển các sân chơi phù hợp cho trẻ em, nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới các bé”.

Hè là khoảng thời gian để trẻ “sạc pin” cho trí não và tâm hồn. Vả lại, không phải bất cứ điều gì các em cũng học được trong nhà trường. Chẳng hạn, những kỹ năng khi lỡ gặp yêu râu xanh, khi bạn xấu trấn lột, kỹ năng nấu ăn, cắm hoa, hay đi học võ, học bơi... cũng rất hữu ích khi sau này các em ra đời. Rồi bọn trẻ chơi đá banh không chỉ là giải trí mà vừa được rèn thể lực, học quan sát, vừa hình thành tinh thần đồng đội...

Trẻ cần được chơi trong mùa hè. Song đây quả là có một bài bài toán khó: cho trẻ chơi ở đâu? Những sân chơi an toàn và hiện đại thì không miễn phí, sân chơi miễn phí thì ít ỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có thể nói, trẻ em đang thiếu các sân chơi trầm trọng, cả ở thành thị lẫn nông thôn.

Do đó, những cơ quan quản lý và các tổ chức kinh tế - xã hội cũng như người dân cần đầu tư hơn vào các sân chơi, bởi trẻ chơi mà học, sân chơi cũng là một dạng nhà trường, con đường giúp trẻ thoát khỏi việc mê game, ghiền Facebook, ti vi. Việc xây sân chơi là vô cùng thử thách song nếu quyết tâm, chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Chẳng hạn, tận dụng các khoảng trống nơi công viên để xây dựng góc vui chơi cho trẻ em, đầu tư thêm để có góc thiếu nhi trong các nhà văn hóa... 

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
(Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Kim Oanh - Quang Viên

>> Chọn cách nghỉ hè thông minh
>> Nghỉ hè
>> Hành trang cho kỳ nghỉ hè năng động
>> Học sinh mầm non nghỉ hè hơn 2 tuần
>> Cho con học hè thế nào ?
>> Học hè ở quê
>> Trẻ bị stress vì học hè
>> Sao phải khuyên con học hè?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.