Xử phạt vi phạm không trừ một ai

07/07/2013 03:30 GMT+7

Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tại hội nghị trực tuyến triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải đường bộ.

Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, 6 tháng đầu năm 2013, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) và số người bị thương giảm nhưng số người chết lại tăng 244 người, tăng 5,23% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên do tài xế không đảm bảo theo quy định, vi phạm về tốc độ, đi sai phần đường, vượt xe không đúng quy định; đồng thời có sự buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước về vận tải cũng như những hạn chế về hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải. Đặc biệt, có nơi, có chỗ có dấu hiệu của những hành vi đỡ đầu, dung túng, bao che cho những vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải cũng như các quy định ATGT trong hoạt động vận tải…

 Tai nạn giao thông tại đèo Phú Cũ - Bình Định
Tai nạn giao thông tại đèo Phú Cũ - Bình Định tháng 5.2010 làm 2 người chết, tắc nghẽn giao thông nhiều giờ - Ảnh: Tr.Đăng

“Có thể đề xuất cách chức anh Lũy ngay”

Tại hội nghị, ông Đàm Xuân Lũy, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng, cho biết Hải Phòng là trung tâm của nhiều loại phương tiện, bảo kê trên tuyến QL5. Đáng nói, Hải Phòng có 13.000 doanh nghiệp (DN) vận tải, nhưng 80% DN chỉ có 1-3 xe, trong đó mới có 10% DN được cấp phép kinh doanh vận tải, chính điều này đã gây ra nhiều vụ TNGT.

Ngắt lời ông Lũy, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu giải thích rõ tại sao 90% DN không có phép vẫn hoạt động, vai trò quản lý của Sở GTVT ở đâu. Trước câu hỏi này, ông Lũy thừa nhận tình trạng không cấp phép mà xe vẫn hoạt động trên đường là do buông lỏng quản lý, Hải Phòng đang rà soát để chấn chỉnh trong thời gian tới.

Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), nhận khuyết điểm khi để một địa phương lớn như Hải Phòng mà 90% số DN vận tải chưa được cấp giấy phép. “Việc cấp giấy phép kinh doanh của DN do Sở KH-ĐT, nhưng việc kiểm tra, xử phạt phải do Sở GTVT. Trách nhiệm này có phần do Vụ Vận tải, chúng tôi xin nhận trách nhiệm và sẽ cùng các cơ quan, Hiệp hội Vận tải lấp đầy chỗ trống hiện nay về quản lý vận tải bằng ô tô”, ông Hùng nói.

 

“Đề nghị Hội LHPN sát hạch GPLX đường sắt”

Trước đề nghị của thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt - Bộ Công an, về việc chuyển đào tạo, sát hạch GPLX cho Bộ Công an quản lý, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng nếu luật sửa đổi thì sẵn sàng chuyển cả đào tạo sát hạch GPLX cho Bộ Công an quản lý. Về đề xuất một bộ đào tạo, một bộ sát hạch, theo ông Thăng: “Sắp tới đào tạo hàng hải có lẽ đề nghị hải quan sát hạch, đào tạo hàng không thì Bộ tư lệnh Phòng không không quân sát hạch, đào tạo đường sắt thì Liên hiệp phụ nữ VN sát hạch cho khách quan. Quan điểm của chúng tôi ai đào tạo ai sát hạch cũng phải khách quan, nếu không vẫn có sai phạm xảy ra. Các văn bản còn lỗ hổng phải hoàn chỉnh, trong khi chờ sửa thì phải làm tốt”.

“Với cách anh Lũy trình bày như vậy có thể đề xuất với Hải Phòng cách chức anh Lũy ngay, không thể để một vị mà buông lỏng quản lý như vậy. Anh là người cấp phù hiệu, không có thì làm sao xe ra đường được”, ông Thăng bức xúc, đồng thời giao Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra công tác quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh vận tải của Sở GTVT Hải Phòng, tiến tới là các địa phương có TNGT tăng, đặc biệt có sai phạm trong quản lý kinh doanh vận tải. Những đơn vị nào làm tốt thì khen thưởng giám đốc Sở GTVT, đơn vị nào làm kém thì đề nghị xử lý, kể cả cách chức giám đốc Sở. Các cơ quan của Bộ GTVT cũng phải thực hiện nghiêm trách nhiệm đào tạo sát hạch cấp GPLX, đăng kiểm, cũng phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu..

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, TNGT đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng và đạo đức lái xe, bắt nguồn từ việc buông lỏng quản lý của đơn vị vận tải, khoán trắng cho lái xe. Khi tai nạn xảy ra thì lái xe chịu trách nhiệm hình sự, nhưng DN vô can, không bị xử lý. “Để tình trạng như vậy có lỗi của cơ quan nhà nước, đứng đầu là Bộ GTVT. Thuế, phí nhiều đang gây khó khăn cho DN. Tổ chức bộ máy nhà nước về vận tải ô tô gần như không có. Nhà nhà, người người làm vận tải ô tô, các đơn vị tự tổ chức, quản lý mà không có sự hướng dẫn hay quản lý của nhà nước”, ông Thanh nói.

Bị can thiệp khi đi kiểm tra

Liên quan đến quy định gắn hộp đen cho phương tiện vận tải, ông Khuất Việt Hùng cho hay Đà Nẵng nói 40% thiết bị không hoạt động và hoạt động không đúng quy chuẩn. Thanh tra Bộ sẽ đi kiểm tra, xác định đâu là thiết bị đúng quy chuẩn; tiến tới đề nghị mở rộng hết các phương tiện vận tải hàng hóa trên 5 tấn, taxi cũng phải gắn hộp đen.

Đáng lưu ý, theo ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ GTVT, về cơ bản các tỉnh đã đủ điều kiện để xử lý hành chính qua hộp đen. Dẫn ra ví dụ một số đoàn thanh tra của Bộ đi kiểm tra hộp đen bị không những tỉnh mà cả Trung ương can thiệp, ông Huyện đề nghị lãnh đạo tỉnh không can thiệp vào xử lý hộp đen. Tuy nhiên, khi Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nêu rõ tên tỉnh nào, ông Huyện lại ngập ngừng cho biết “sẽ báo cáo sau”.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, sắp tới sẽ tập trung rà soát vai trò quản lý nhà nước, đặc biệt xem xét Sở GTVT, trung tâm đăng kiểm, đào tạo sát hạch cấp GPLX có người nhà của lãnh đạo Sở GTVT, lãnh đạo tỉnh, trung ương không; tập trung kiểm soát chặt chẽ người thực thi công vụ, rồi mới đến ý thức của người tham gia giao thông... Còn ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng: “Phải phân cấp rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, các bộ ngành. Nói là người đứng đầu phải có trách nhiệm, nhưng tới giờ chưa xử lý được ai. Nếu người đứng đầu vào cuộc thì TNGT mới giảm được”. Ủy ban ATGT sẽ đưa ra bộ tiêu chí đánh giá về trách nhiệm, thái độ, năng lực… của ban ATGT các cấp. Ông Hiệp cũng đề xuất tập trung bắn tốc độ để hạn chế tai nạn, về lâu dài phải dùng biện pháp kỹ thuật, nhất là việc lắp đặt camera giám sát. Lắp camera giám sát từ Lạng Sơn đến Cà Mau trên QL1 sẽ hết khoảng 400 tỉ đồng, nhưng có thể giảm khoảng 30% TNGT.

Lưu ý hai vấn đề quản lý và ý thức, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm rõ trách nhiệm của ngành GTVT, công an các địa phương trong việc để tồn tại xe dù, bến cóc, taxi dù tràn lan. Đặc biệt đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ, đơn cử như tình trạng lái xe nghiện hút thì GPLX ai cấp, ai khám sức khỏe, kiên quyết không để vùng trống trong quản lý kinh doanh vận tải. Bộ Công an phải tập trung vào tăng cường tuần tra nghiêm, xử lý bất cứ đối tượng vi phạm nào, xử lý nghiêm cán bộ dung túng, bao che, đỡ đầu trong hoạt động vận tải, lên án tiêu cực, mãi lộ trong bộ phận lực lượng CSGT, luân chuyển cán bộ để đôn đốc kiểm tra. Phải thường xuyên mặc thường phục đi kiểm tra thực tế, kết quả kiểm tra công khai, xử phạt vi phạm không trừ một ai. Ngoài ra, các địa phương phải rút giấy phép kinh doanh vận tải của những đơn vị sai phạm, cố tình không sửa chữa.

Mai Hà

>> Khởi tố phó giám đốc sở gây tai nạn giao thông
>> Tai nạn giao thông liên hoàn, 7 người bị thương
>> Tai nạn giao thông tăng vì rượu, bia
>> Tai nạn giao thông nghiêm trọng, 1 người chết, 18 người bị thương
>> Triển khai các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông
>> Một thí sinh bị tai nạn giao thông được đặc cách tốt nghiệp
>> 3 thí sinh bỏ thi tốt nghiệp vì tai nạn giao thông
>> Vụ tai nạn giao thông làm 12 người chết: Bùn mía không phải tác nhân gây tai nạn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.