Nhà văn “nhìn thấy trước”

07/07/2013 03:25 GMT+7

Vũ Trọng Phụng viết phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây năm 1934. Ngót 70 năm sau khi tác phẩm này ra đời, vấn đề mà ông nêu ra vẫn còn mang tính thời sự.

Vũ Trọng Phụng viết phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây năm 1934. Ngót 70 năm sau khi tác phẩm này ra đời, vấn đề mà ông nêu ra vẫn còn mang tính thời sự.

Nói như Suzane, một nữ nhân vật trong kỹ nghệ độc đáo này, thì "những người Tây ấy... nuôi đầy tớ sợ nó ăn cắp, thà lấy một người vợ, vừa được sai bảo vừa được... việc khác nữa. Đã không cùng nói một thứ tiếng, người vợ lại chỉ coi ông chồng là cái tủ bạc thì người chồng dễ mỗi lúc đã đem tấm ái tình ra tặng vợ hay sao". Vậy là đã rõ. Đây chỉ là một dạng hợp đồng của kinh tế thị trường. Mà bây giờ ta đang kinh tế thị trường, nên đọc cái phóng sự này vẫn thấy như mới. Thử hỏi, có cái phóng sự nào, có nhà văn viết phóng sự nào mà 70 năm sau đọc vẫn "vào", vẫn mang tính thời sự như phóng sự Vũ Trọng Phụng?

Nhà văn không chỉ phản ánh mà còn phải nhìn thấy trước. Tác phẩm và nhân vật của họ không chỉ là tấm gương cố định hay "tấm gương kéo trên đường" mà còn phải là tấm gương có khả năng tái sinh qua thời gian. Dự cảm về bản chất nhân vật, bản chất hiện tượng của nhà văn đã khiến tác phẩm như tự tái sinh trong mắt người đọc nhiều thế hệ, và những vấn nạn mà tác phẩm đặt ra, những tính cách mà nhân vật thể hiện vẫn còn là những vấn nạn của hiện tại, những tính cách có sức cuốn hút trong hiện tại.

 
Vũ Trọng Phụng chỉ sáng tác trong khoảng 10 năm, nhưng hàng loạt nhân vật trong nhiều tác phẩm của ông đã có sức sống tới bây giờ.

Sức sống bền lâu

Vũ Trọng Phụng chỉ sáng tác trong khoảng 10 năm, nhưng hàng loạt nhân vật trong nhiều tác phẩm của ông đã có sức sống tới bây giờ. Chúng như những gien mạnh, những gien trội, dù cơ thể xã hội có nhiều thay đổi nhưng chúng vẫn tìm đúng được môi trường để "nhân rộng điển hình". Đó là thành công rất lớn của Vũ Trọng Phụng.

Nhưng cơ sở nào để nhà văn xây dựng được nhân vật, lại là những nhân vật "sống lâu", mang tính tiên báo? Trước hết, có thể nói Vũ Trọng Phụng là nhà văn có được một hệ thống ngôn ngữ mới mẻ vào loại bậc nhất so với những nhà văn cùng thời ông. Nhân vật của ông, tùy từng kiểu người, đều có cách nói riêng rất tự do, rất "đời", rất "bụi". Và cũng không giống lắm với tác phẩm của một số nhà văn hiện thực bấy giờ, Vũ Trọng Phụng đứng riêng, bởi ông không phải nhà văn lãng mạn đã đành, ông cũng không phải nhà văn phản ánh hiện thực một cách "thật thà". Cái hiện thực trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng bao giờ cũng là cái hiện thực được làm quá lên, được cường điệu theo một ý đồ nghệ thuật riêng.

Do nghề làm báo, ông có dịp tiếp xúc với nhiều loại người, và có thể nói, loại người cơ hội, đạo đức giả khiến ông căm phẫn nhất. Ông quyết đưa chúng vào tác phẩm của mình dưới cái dạng đúng như thực của chúng, chứ không phải như cái dạng giả mà chúng trình bày trước cuộc đời. Ấy nhiều khi siêu thực lại thực hơn cả hiện thực, là vì vậy. Nó lột được bản chất của hiện thực, nó tái tạo con người (chủ yếu là phần bên trong) như con người nó thế, và sẽ như thế.

Phép ngoa dụ (hyperbole) trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng lại hàm chứa phép ẩn dụ (metaphor), và con đường thăng tiến cực kỳ vô lý của anh Xuân Tóc Đỏ trong Số đỏ chẳng hạn lại được bảo đảm bằng một phép biện chứng cứng rắn (a hard dialectique). Thật không dễ gì vô hiệu hóa được những Xuân Tóc Đỏ trong cuộc đời. Vũ Trọng Phụng đã sờ tới được cái dây sắt, cái xương sống bằng inox của phép biện chứng này. Ông không bi quan, không bị tư tưởng định mệnh chi phối khi sáng tác như có nhà phê bình từng nhận định. Đơn giản là ông đã thấy trước, đã báo trước, và đã chịu đựng trước cái tiếng kèn thuốc lậu "mới tinh và sạch bóng như cái kèn mặt trời" trong thơ Apollinaire, tiếng kèn ấy do những Xuân Tóc Đỏ thổi lên trên những "con phố mà anh đã quên mất tên". Phải sống hằng ngày với những nhân vật như thế, thì họa có robot mới không bi quan theo một nghĩa thông thường. Nhưng là nhà văn thì sự bi quan hay lạc quan trong tác phẩm của họ phải được hiểu một cách khác, cao hơn, rộng hơn, và cũng cụ thể hơn. 

Vũ Trọng Phụng (1912 -1939) nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Tuy thời gian cầm bút rất ngắn ngủi nhưng ông đã để lại một kho tác phẩm đồ sộ: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch cùng hàng trăm bài báo... Trong đó có những tác phẩm đáng chú ý như các phóng sự: Cạm bẫy người (1933); Kỹ nghệ lấy Tây (1934);  Cơm thầy cơm cô (1936); Lục xì (1937). Tiểu thuyết: Giông tố (1936), khi đăng trên Hà Nội báo có tên Thị Mịch; Vỡ đê (1936); Số đỏ (1936); Làm đĩ (1936); Lấy nhau vì tình (1937)...

Thanh Thảo

>> Công bố bản thảo viết tay của nhà văn Vũ Trọng Phụng
>> Hai nhà văn nữ cùng ra sách
>> Nhà văn gõ cửa thời Đổi mới
>> Nhà văn viết “sử làng”
>> Nhà văn tặng học bổng và sách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.