Chữ

07/07/2013 03:20 GMT+7

Xin việc cho con, đó là lối vận hành theo thói quen của nhiều bậc cha mẹ khi con bắt đầu đi làm. Mà chẳng phải chỉ mỗi việc làm, cái gì cũng xin, bố mẹ xin cho con, con thụ động chờ bố mẹ. Thành nếp đến nỗi đứa con trở nên nhỏ bé, tầm thường, kém cỏi và nguy hiểm nhất là dần dà thiếu tự tin khi vắng cái ô che bố mẹ. Kết cục cuộc đời nó không an toàn. Chỉ có điều nếu cha mẹ mà không chạy không xin sẽ bị người này người nọ đánh giá rằng vô trách nhiệm.

Hay hớm gì chuyện xin xỏ. Xin là việc làm của kẻ ăn mày. Tìm việc làm (có tính chủ động) thì nay người ta hay nghĩ đến xin việc làm (mang tính bị động). Tôi thường đi mấy tỉnh vùng núi phía bắc, nghe người Tày có câu ngạn ngữ thật hay: “Kin so bấu đo” (ăn xin không bao giờ đủ, đó là kẻ đói suốt đời).

Thế mà chữ “xin” kéo dài trong xã hội ta quá lâu. Đáng ra mỗi người phải hiểu kỹ chữ “xin” để tự điều chỉnh cuộc sống của mình, thì trái lại “xin” dường như đang thịnh hành, nhất là khi có việc phải đến cơ quan công quyền chẳng hạn! Xin đáng ra chỉ là xin những cái nằm trong giới hạn luật chi phối, ví dụ: xin chứng thực, xin con dấu, xin cấp kinh phí, xin cấp đăng ký kinh doanh, xin giảm án, xin đi nước ngoài… nhưng nếu chỉ thế thì không có gì cần bàn cần nói.

Xin việc làm, tối thiểu  để cho người ta có miếng ăn, vậy thì cũng được đi. Nhưng chuyện ai đó xếp chỗ cho con cái bằng thư tay hoặc cú điện thoại; yêu cầu phải cho con ông A bà B vào chỗ này chỗ nọ thì quyền lực đã hiện hình một cách thô bạo. Người chìa ô kia giảm mất nhân cách cán bộ, còn người được che ô chắc cũng bấy bớt suốt đời. Khi cái ô cụp xuống dễ hình dung ra những bi kịch, đổ vỡ. Không còn bóng rợp, tránh sao khỏi bị tàn tạ.

Bao giờ thoát chữ “xin”, thoát ra khỏi cái ô thì mới có thể nên người, nhưng tôi đồ rằng con cái nhiều vị đầy quyền lực ở ta chả mấy ai thoát khỏi bóng ô che. Chính người đi trước bằng thái độ xin xỏ, bao che, ra ơn của mình đã làm hỏng thế hệ tiếp sau.

Chữ “xin” tồn tại không đúng chỗ trong xã hội báo hiệu sự xuống cấp của tinh thần con người. Con người là kết quả của xin xỏ khó mà đứng thẳng lên được, nói chi tự lập tự chủ.

Chữ “xin” suốt bao năm lộng hành, thành thói xấu. Một chữ “xin” gây ra bao ẩn họa không phải chỉ cho gia đình, mà cho cả xã hội. Hãy để chữ “xin” trở về đúng chỗ của nó trong cuộc sống.

Tháng 7.2013

Đông Ngàn

>> Xin việc bằng đoạn phim
>> Thi viết sơ yếu lý lịch xin việc
>> Hàng chục lao động bị lừa xin việc
>> Khởi tố nữ quái lừa người xin việc
>> Đi xin việc làm lại trở thành kẻ cướp
>> Khỏa thân xin việc
>> Đoạn trường xin việc
>> Lừa người đi xin việc
>> 7 sai lầm chết người khi phỏng vấn xin việc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.