Bất lực trước “bom xăng”

06/07/2013 01:50 GMT+7

Nguy cơ cháy nổ tại các cây xăng, nhà chung cư; tình trạng xây dựng, quy hoạch trung tâm thương mại ồ ạt nhưng khai thác không hiệu quả là những vấn đề nóng nhất trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP.Hà Nội diễn ra hôm qua 5.7.

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc hàng loạt cây xăng không đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy (PCCC), ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC, nhìn nhận: Đối chiếu với các quy chuẩn hiện hành về xây dựng cửa hàng xăng dầu, đa số các cửa hàng nằm trong khu vực nội thành đều không đảm bảo các quy chuẩn về diện tích, khoảng cách an toàn PCCC, an toàn giao thông...

Bất lực trước “bom xăng”
Vụ cháy cây xăng Trần Hưng Đạo khiến cử tri Hà Nội lo ngại - Ảnh: Hoàng Trang

Đại biểu Vũ Cao Minh (Q.Thanh Xuân) truy: “Qua kiểm tra cơ quan chức năng đã đình chỉ được bao nhiêu cơ sở không đủ điều kiện? Đối với cây xăng thuộc diện phải di dời thì có đặt ra thời hạn hay không? Cơ chế để giám sát việc này?”. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND cũng nói: Kiểm tra cho thấy có tới 60% cây xăng không đảm bảo quy định về PCCC, theo luật thì phải đình chỉ nhưng đã đình chỉ chưa, tại sao?

Ông Sơn cho rằng nhiều cây xăng xây dựng trước đây áp dụng theo tiêu chuẩn khác, đến nay, các quy định cũng như tiêu chuẩn đã thay đổi. Việc di dời hay đình chỉ hoạt động cần phải có sự tham gia xem xét của nhiều cơ quan chức năng, chỉ riêng lực lượng cảnh sát PCCC thì không thể làm được.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là tại Hà Nội hiện có rất nhiều trung tâm thương mại “vắng như chùa Bà Đanh”, trong khi  chợ cóc chợ tạm nhan nhản khắp nơi ảnh hưởng đến giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho rằng việc đầu tư xây dựng trung tâm thương mại kết hợp với chợ trong thời gian qua thực hiện theo chủ trương lớn của Chính phủ từ năm 2003. Hiện có 4/5 công trình chợ kết hợp trung tâm thương mại hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, ông Sửu cũng thừa nhận loại hình này chưa đảm bảo kinh doanh ổn định cho các tiểu thương. Nguyên nhân là do chưa có hướng dẫn về tiêu chuẩn của các cơ quan chuyên môn nên việc thiết kế chưa phù hợp với tâm lý, thói quen mua sắm của người dân. Trước câu hỏi về giải pháp khi còn có hàng chục dự án trung tâm thương mại khác và chợ đầu mối đã được quy hoạch, cấp phép nhưng chậm tiến độ kéo dài, ông Sửu cho biết thành phố sẽ xem xét lại về chủ trương. Đối với các dự án chưa thực hiện thì chủ đầu tư phải đối thoại để bảo đảm quyền lợi cho tiểu thương trong việc giảm giá thuê ki ốt.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương cũng cho biết thêm, thành phố đã có chủ trương hủy 2 dự án chợ kết hợp trung tâm thương mại và giãn đối với 9 dự án khác, đồng thời yêu cầu các ban quản lý chợ cũ phải có phương án cải tạo đảm bảo điều kiện mua bán cho người dân.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.