Vụ nữ sinh tự tử vì bị ghép ảnh trên facebook: Không ai có tội?

05/07/2013 12:15 GMT+7

(TNO) Nhiều ngày qua, cái chết tức tưởi của một nữ sinh vừa học hết lớp 12 ở xã Hương Ngải, H.Thạch Thất, Hà Nội sau khi uống thuốc sâu tự tử vì bị ghép ảnh trên facebook đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

(TNO) Nhiều ngày qua, cái chết tức tưởi của một nữ sinh vừa học hết lớp 12 ở xã Hương Ngải, H.Thạch Thất, Hà Nội sau khi uống thuốc sâu tự tử vì bị ghép ảnh trên facebook đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

>> Đau xót vụ nữ sinh tự tử vì bị ghép ảnh trên facebook

Hoàn toàn có căn cứ để khởi tố vụ án

Câu chuyện đau lòng của nữ sinh L. khiến nhiều bạn đọc bất bình và cho rằng cần phải xử lý nghiêm hành vi ghép ảnh, chế giễu ác ý của những người liên quan để răn đe, giáo dục.

Trao đổi với Thanh Niên Online, luật sư Nguyễn Hồng Bách (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), cho biết hành vi ghép ảnh chân dung của người khác vào hình ảnh linh tinh, phản cảm, rồi đưa lên mạng sẽ ảnh hưởng xấu đến danh dự và nhân phẩm của người bị ghép ảnh. Trong trường hợp này, “thủ phạm” ghép ảnh chân dung của nữ sinh L. có thể bị xem xét có dấu hiệu của “Tội làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự.

Theo luật sư Bách, gia đình nữ sinh L. đã gửi đơn trình báo lên Công an xã Hương Ngải, Công an H.Thạch Thất, thì cơ quan Cảnh sát điều tra hoàn toàn có căn cứ để khởi tố vụ án, để điều tra về “Tội làm nhục người khác”, nếu hành vi xâm hại có ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, vấn đề có truy tố và xử lý hình sự hay không, cũng như xác định chính xác tội danh của từng người có liên quan sẽ phụ thuộc vào kết quả xem xét và đánh giá của cơ quan điều tra.

Giới trẻ cần học kỹ năng sống

Liên quan đến vụ việc này, tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, chuyên gia tâm lý học, giảng viên khoa Báo chí, Học viện Báo chí - Tuyên truyền, đã gửi đến Thanh Niên Online những trao đổi đáng lưu ý.

Theo tiến sĩ Hằng, các em học sinh ở độ tuổi mới lớn thường có tâm lý đề cao tính "sĩ diện" bản thân, dễ bị những cơn sốc nếu bị bêu rếu, hay bị mang ra làm trò cười, dẫn đến các phản ứng bồng bột, thiếu khả năng kiềm chế.

Trong lúc này, nếu không có ai tư vấn kịp thời, có thể các em sẽ quyên sinh để chứng tỏ sự trong sáng, mà theo suy nghĩ của các em, đó là cách tốt nhất để thoát ra khỏi bế tắc và ức chế tâm lý.

Vì vậy, gia đình cần có giám sát và chỉ dẫn, tư vấn kịp thời khi các em gặp những tình huống trên. Thực tế thì nhiều bậc phụ huynh không quan tâm đến những chuyện này. Mặt nữa, các bậc phụ huynh không phải ai cũng theo sát và có khả năng sử dụng mạng xã hội để chia sẻ và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của giới trẻ để biết những gì diễn ra trên mạng xã hội với con em mình.

Các em thì có tâm lý không muốn bố mẹ biết mình làm gì trên mạng xã hội nên cũng giấu, không chia sẻ.

Trên mạng xã hội, kết bạn với ai, ứng xử như thế nào là vấn đề thuộc về kỹ năng sống. Giới trẻ cần học các ứng xử có văn hóa để tăng được tính tích cực khi tham gia truyền thông và học hỏi trong môi trường của mạng xã hội nói riêng và trên Internet nói chung.

Bản thân các em cũng cần thận trọng, không đùa ác ý, nếu ý thức được hậu quả nghiêm trọng có thể có bởi hành vi của mình.

Nguyễn Tuấn

>> Giúp thí sinh qua Facebook
>> Nếu một ngày không còn Facebook
>> Facebook xin lỗi vì sự cố hạ tầng web

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.