Con nít "chê" nhạc Việt - Kỳ 2: "Các bé chê nhạc Việt sến"

08/07/2013 09:15 GMT+7

(TNO) Là huấn luyện viên của Giọng hát Việt nhí đồng thời là người mở Học viện âm nhạc Soul Academy tại VN, Thanh Bùi cho biết anh rất buồn khi nghe các học trò tâm sự rằng các em không thích hát nhạc Việt...

(TNO) Là huấn luyện viên của Giọng hát Việt nhí đồng thời là người mở Học viện âm nhạc Soul Academy tại VN, Thanh Bùi cho biết anh rất buồn khi nghe các học trò tâm sự rằng các em không thích hát nhạc Việt...

>> Thí sinh "Đồ Rê Mí" rơi rớt dần sự hồn nhiên
>> Những thí sinh gây sốt "Giọng hát Việt nhí
>> Đo độ "hot" dàn cố vấn "Giọng hát Việt nhí

Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện mà Top 8 Australian Idol chia sẻ với PV Thanh Niên Online:

* Mở học viện âm nhạc tại VN lại là huấn luyện viên của Giọng hát Việt nhí, anh cảm thấy các "tài năng nhí" của nước ta hiện nay như thế nào?

- Ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi: So với nước ngoài thì những "tài năng nhí" của VN không hề thua kém, có thể nói là bằng. Chỉ là cần thêm thời gian thôi. Ở nước ngoài, cha mẹ đã cho con học âm nhạc từ năm 5 tuổi trong khi ở VN rất ít bé đi học hát mà chỉ hát theo bản năng, không có kỹ thuật.

Người VN mình hơi mâu thuẫn là nhà nào cũng có dàn karaoke, ai cũng thích hát nhưng lại không muốn con mình đi theo con đường ca hát. Có thể thấy nhiều ca sĩ hiện nay như Hồ Ngọc Hà, Thảo Trang, Hà Okio… ai cũng đi lên bằng cách tự học chứ không qua trường lớp.

 
Có bé 8-9 tuổi tâm sự với tôi mà tôi rất buồn. Hỏi bé là có thích hát nhạc Việt không, bé trả lời: "Dạ không, con ghét nhạc tiếng Việt lắm". Các bé nói nhạc Việt sến, không đủ gần gũi và không đủ hay
Ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi

Trong khi ở Úc, ở Mỹ, trẻ con được học hành bài bản từ nhỏ. Tôi cũng là một trong những người may mắn được đào tạo về âm nhạc từ năm 10 tuổi; vì vậy, tôi muốn mở trường để truyền lại những gì tôi có được cho thế hệ trẻ. Thật sự, tôi cảm thấy đam mê lớn nhất của mình là việc giáo dục chứ không phải đi hát.

* Theo anh, cách dạy và học nhạc ở nước ngoài như thế nào so với ở VN?

- Hoàn toàn khác. Theo tôi, âm nhạc chỉ là cảm xúc, không có cái gì đúng và cũng không có cái gì sai. Cách giảng dạy về âm nhạc cũng như vậy. Bài bản quá thì sẽ mất đi sự tự nhiên, thiếu bài bản thì sẽ không thể có nền tảng vững chắc để tiến xa hơn.

Tôi thấy cái hay của giảng dạy âm nhạc ở nước ngoài là tìm được sự cân bằng giữa kỹ thuật và cảm xúc. Quan hệ của thầy cô và học trò cũng khác nữa. Người VN mình vẫn còn nặng về truyền thống trong khi ở phương Tây, thầy cô cũng chính là bạn của học trò.

Khi tiếp xúc với các bé, điều đầu tiên là tôi sẽ tìm hiểu tâm tư, tình cảm của bé để có thể đưa ra lời khuyên thích hợp. Tôi nghĩ học cái gì cũng vậy, bé phải vui, phải hạnh phúc thì đó mới chính là điều mà phụ huynh muốn nhìn thấy. Học âm nhạc mà phải la rầy để bé học là đi sai với ý nghĩa của âm nhạc.

* Tiếp xúc nhiều với các bé, anh nghĩ như thế nào về việc trẻ em hiện nay thích nhạc ngoại hơn nhạc Việt?

- Có bé 8-9 tuổi tâm sự với tôi mà tôi rất buồn. Hỏi bé là có thích hát nhạc Việt không, bé trả lời: "Dạ không, con ghét nhạc tiếng Việt lắm". Các bé nói nhạc Việt sến, không đủ gần gũi và không đủ hay.

Tôi cũng thấy buồn vì thực tế chúng ta không có đủ nhạc cho thiếu nhi. Giọng hát Việt nhí không chỉ là một chương trình giải trí mà còn đưa ra nhiều vấn đề chưa ai nghĩ đến. Chúng ta cần biết chuyện gì đang xảy ra. Chúng ta đang mất cả một thế hệ.

Chúng ta không thể so sánh nhạc VN với nước ngoài vì thực tế nước ngoài họ đầu tư quá nhiều tiền cho một sản phẩm âm nhạc. Đó là điều ai cũng thấy thì đương nhiên các bé cũng sẽ nhận ra như vậy.

Tôi chỉ nói với các bé là con cần thông cảm vì đất nước chúng ta chấm dứt chiến tranh hơn 40 năm nay thôi nên mình không thể so sánh với nền âm nhạc mấy trăm năm của Mỹ. Nếu con thấy nhạc Việt "sến" thì bây giờ con có điều kiện, con viết nhạc hay hơn đi. Con học giỏi rồi sau này con sẽ thay đổi điều đó.


Thanh Bùi trên ghế nóng Giọng hát Việt nhí - Ảnh: BTC cung cấp

* Có phải vì bé học trường quốc tế, tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm?

- Không cần phải học trường quốc tế thì hiện nay các bé cũng đều có thể lên mạng nghe nhạc. Những ca sĩ như Adele chẳng hạn, nếu cả thế giới đều công nhận thì việc bé tìm gặp và thích nghe cũng là chuyện bình thường.

Muốn có nhạc hay thì phải đầu tư. Trong khi các MV của ca sĩ nước ngoài có thể tiêu tốn 500.000-1.000.000 USD như MV Payphone của Maroon 5 thì MV ở Việt Nam chỉ khoảng 2.000-5.000 USD đối với một sao hạng A.

Tuy nhiên, không thể so sánh thị trường âm nhạc VN và nước ngoài vì "luật chơi" hoàn toàn khác nhau. Ở nước ngoài, tác giả có thể thu về rất nhiều tiền từ tác phẩm của mình còn ở VN thì không.

Thêm nữa, việc làm ca sĩ ở VN hiện nay khá dễ dàng, trong khi ở nước ngoài khó vô cùng. Tôi xem trên mạng thấy giai đoạn những năm 1990 có rất ít ca sĩ nhưng những buổi diễn của họ rất đông khán giả. Sự điên cuồng, hào hứng đó bây giờ không còn nhìn thấy nữa.


Thanh Bùi cho rằng tiếp xúc với internet giúp trẻ có nhiều lựa chọn hơn trong âm nhạc - Ảnh: BTC cung cấp

* Tuy nhiên, không phải ca khúc nước ngoài nào cũng phù hợp với trẻ con?

- Các bài hát nước ngoài nghiêng về cảm xúc nhiều hơn. Chẳng hạn như bài Heal the world không hẳn là bài hát của người lớn hay trẻ em vì thông điệp rất đại chúng, ai cũng có thể hát được. Trừ các bài hát về tình yêu hay là đề cập đến... tình dục - như Unfaithful chẳng hạn - thì có thể là hoàn toàn không phù hợp với các bé.

Theo tôi, người nhạc sĩ khi sáng tác phải hướng đến nhiều đối tượng khác nhau. Ai cũng có thể hát được. Các bài hát phải mang thông điệp gần gũi. Ví dụ như Just the way you are tuy có chút sắc thái người lớn trong đó nhưng đó là một cảm xúc tự nhiên cùng với một giai điệu hay nên dù bé 10 tuổi hát thì nó vẫn rất bình thường vì bài hát này không nghiêng hẳn về tình yêu.

* Vậy theo anh bài hát như thế nào là phù hợp với thiếu nhi?

- Tôi nghĩ vấn đề nằm ở thông điệp của bài hát. Chúng ta không có lý do gì mà cấm các bé hát What makes you beautiful khi lời của ca khúc này vô cùng ý nghĩa.

Tuy nhiên, cũng có những bài được nhiều bé chọn như I will always love you thì theo tôi nó hơi nặng nề vì các bé chưa hiểu hết được nội dung. Nếu các bé nằm trong đội của tôi thì tôi sẽ không để các bé chọn bài này.


 Nhạc sĩ Huy Tuấn, ca sĩ Thanh Bùi tiếp xúc với các thí sinh Giọng hát Việt nhí - Ảnh: Triều Phượng

* Giọng hát Việt từng bị chỉ trích vì các thí sinh hát nhiều ca khúc tiếng Anh. Anh có định hướng các bé trong đội của mình?

- Trong đội của tôi, bé nào cũng phải hát tiếng Việt vì tôi luôn nhắc nhở các bé rằng mình là người Việt Nam. Điều quan trọng là mình phải thông cảm chứ đừng suy nghĩ quá tiêu cực.

Đọc những bài báo "nói nặng" các bé trình bày các ca khúc tiếng Anh khi dự thi, tôi cảm thấy không thỏa đáng. Các bé hát những gì mình thích và mình cảm nhận được chứ đã biết suy nghĩ tiếng Anh hay tiếng Việt gì đâu?

 
Tôi luôn dặn các bé là thầy sinh ra và lớn lên ở nước ngoài 29 năm nhưng bây giờ thầy vẫn hát tiếng Việt. Dù thầy biết tiếng Việt của mình còn cứng nhưng thầy vẫn chấp nhận và hát tiếng Việt vì thầy là người Việt Nam. Vậy tại sao các con sống ở đây bao nhiêu năm lại không hát tiếng Việt?
Ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi

Quan trọng là các bé đã dám làm những điều mình thích và chúng ta nên khuyến khích điều đó. Đồng thời, chúng ta cũng phải suy nghĩ nguyên nhân vì sao chứ không thể đổ hết lỗi cho bé. Rõ ràng, nhạc nước ngoài hay hơn và được cả thế giới công nhận nên các bé thích cũng là chuyện hiển nhiên.

Tuy nhiên, tôi cũng luôn dặn các bé là thầy sinh ra và lớn lên ở nước ngoài 29 năm nhưng bây giờ thầy vẫn hát tiếng Việt. Dù thầy biết tiếng Việt của mình còn cứng nhưng thầy vẫn chấp nhận và hát tiếng Việt vì thầy là người VN. Vậy tại sao các con sống ở đây bao nhiêu năm lại không hát tiếng Việt? Và các bé đã đồng ý với tôi sẽ hát tiếng Việt nhiều hơn.

Trong thời gian này, tôi bắt các bé trong đội của mình học 5 bài. Bé nào giỏi tiếng Anh rồi thì học 3 bài hát tiếng Việt, 2 bài tiếng Anh. Bé nào giỏi hát tiếng Việt thì học 3 bài tiếng Anh, 2 bài tiếng Việt. Tôi muốn các bé tôn vinh văn hóa của dân tộc, để bé biết mình là người VN nhưng đồng thời cũng phải tiếp nhận những thứ hiện đại, mới mẻ của thế giới.

* Theo anh, có giải pháp nào cho tình trạng thiếu các ca khúc thiếu nhi hiện nay?

- Bây giờ, chúng ta chỉ có thể chờ thôi. Tôi nghĩ không chỉ có mỗi việc sáng tác nhạc thiếu nhi mà quan trọng hơn là sáng tác các bài hát mà tất cả mọi người, từ người lớn đến trẻ em, đều nghe được.

Ngay cả nước ngoài cũng vậy, họ không chỉ chăm chăm chú trọng sáng tác nhạc thiếu nhi. Họ chỉ nghĩ là làm cách nào để bài hát diễn tả cảm xúc một cách chân thật nhất để mọi người cảm nhận được.

Chúng ta cần đợi thêm 5-10 năm nữa khi thế hệ sau này trưởng thành. Tư duy các bé hiện nay rất khác. Chúng được sống và thụ hưởng hai môi trường, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Vì thế, hiện tại, tôi đang làm công việc mà tôi rất tâm huyết, đó là đào tạo thế hệ trẻ để một ngày nào đó những sản phẩm âm nhạc của giới trẻ VN được cả thế giới công nhận.

Thiên Hương
(thực hiện)

>> Thanh Lam ngồi "ghế nóng" Đồ Rê Mí Đôi 2013
>> Văn Mai Hương làm giám khảo Đồ Rê Mí
>> Xuân Bắc - Văn Mai Hương làm giảm khảo "Đồ Rê Mí 2013
>> Đồ Rê Mí" thành "Đồ Rê Mí Đôi
>> Quán quân "Đồ Rê Mí 2012" chuẩn bị sang Úc
>> “Dàn sao nhí” Đồ Rê Mí mang m nhạc đến bệnh viện
>> Thí sinh "Đồ Rê Mí" rơi rớt dần sự hồn nhiên
>> Những thí sinh gây sốt "Giọng hát Việt nhí
>> Đo độ "hot" dàn cố vấn "Giọng hát Việt nhí
>> Giọng hát Việt nhí: Ấn tượng với cậu bé Huế khiến HLV bỏ cả "ghế nóng
>> Con gái diễn viên Chiều Xuân gây sốt "Giọng hát Việt nhí
>> Lắng lòng với chia sẻ của thí sinh "Giọng hát Việt nhí
>> Clip: Những giọng ca lạ gây sốt trong "Giọng hát Việt nhí
>> Giọng hát Việt nhí: Thiên thần 9 tuổi khiến các huấn luyện viên "nổi da gà
>> HLV "Giọng hát Việt nhí" đi học cách "hiểu" thí sinh
>> Hơn 1.200 thí sinh TP.HCM tham gia "Giọng hát Việt nhí
>> 500 triệu đồng cho quán quân Giọng hát Việt nhí
>> Vợ chồng ca sĩ Lưu Hương Giang làm HLV "Giọng hát Việt nhí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.