Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 8: Lão Vân Kiều “say" rượu cần

02/07/2013 00:15 GMT+7

Một lão Vân Kiều vừa bước sang tuổi 55 vẫn cố “sống chết” với cái nghề làm rượu cần truyền thống của dân tộc mình.

“Bây giờ, các chú đi khắp bản làng của đại ngàn này, vào nhà ai người ta cũng chỉ đem chai rượu trắng ra mời khách, nào mấy ai còn nhớ đến thứ rượu cần của người Vân Kiều có lịch sử đến mấy trăm năm, chắt lọc từ những gì tinh túy nhất của thiên nhiên này nữa đâu...”, ông Hồ Văn Hùng thở dài thườn thượt khi bắt đầu cuộc chuyện trò với chúng tôi trong gian nhà nhỏ thuộc thôn Phú An (xã Hướng Hiệp, H.Đakrông, tỉnh Quảng Trị). Dường như trong toàn huyện vùng cao Đakrông tựa lưng vào dãy Trường Sơn này chỉ còn mỗi mình ông là còn yêu rượu cần đến thế.

Ngày ngày, ông lại cặm cụi, lục đục với bao nhiêu lá rừng, men, vò rượu, cần nứa... để tìm lại chất men say ngây ngất.

Nhà “rượu cần học”

Không khó để tìm ra nhà ông Hùng, vì ngay trên tuyến quốc lộ 9 đoạn trước nhà ông có để sẵn dăm ba bình rượu cần để “làm dấu” cho khách bộ hành ghé thăm. Hôm chúng tôi đến, cả gia đình ông đang cấy lúa cho thửa ruộng nước nằm sát bên nhà.

“Rượu cần người Vân Kiều mình có từ lâu lắm rồi, đến đời bố đời ông mình cũng chẳng biết rễ cội. Chỉ biết rằng, ngày đó, trong những dịp lễ hội như Cha Xa Reẻ (mừng lúa mới), Re Pứp (ma chay), những việc trọng đại của gia đình, hay có khách quý đến chơi thì không thể thiếu bình rượu cần được...”, ông Hùng cau mày nhớ lại. Gia đình ông đã ba đời làm rượu cần, ông là đời thứ 4. Cha ông của ông đã làm rạng danh cho bản, cho họ tộc nhờ vào tài chế rượu cần ngon và mọi bí quyết ấy đều được truyền cho ông - cậu bé Vân Kiều “say” rượu cần từ nhỏ.


Từ khi còn là một đứa trẻ cho đến giờ, ông Hùng đã trót say men rượu cần - Ảnh: Nguyễn Phúc
 

Về hình thức bên ngoài, rượu cần của người Vân Kiều sống ven dãy Trường Sơn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị không khác mấy so với rượu cần của đồng bào vùng núi phía bắc hay Tây nguyên. Thế nhưng, điều dị biệt sẽ được tìm thấy khi đầu lưỡi của bạn chạm được vào thứ nước “thơm thơm, ngòn ngọt” chạy lên theo ống nứa ấy. Tất cả điều đó tạo nên nhờ... men. Ông Hùng gật gù nói rằng: “Trước kia, người Vân Kiều chúng tôi thường dùng pa đau (men lá) từ các loại thực vật tự nhiên mọc trên rừng như vỏ cây a păng, rể cây dã ploắc, rễ sa nhân, lá ớt để lên men cho rượu... Nhưng nay, thật khó khăn để tìm đầy đủ chúng”. Giờ tuy chân đã yếu nhưng nhiều khi nổi hứng lên ông vẫn hẹn cậu con trai thứ lần mò lên rừng kiếm pa đau để về làm rượu cần cho đủ vị, cho đúng với cái men ngày xưa cha ông mình đã làm.

Đến cách uống rượu cần như thế nào đối với ông lão Vân Kiều này cũng là một nghệ thuật. “Khách đến chơi nhà hoặc các lễ theo phong tục tập quán thì rượu cần chỉ uống 2 người với 2 cần. Chủ rượu mời 2 người uống và quy ước trước với nhau là mỗi ngụm sẽ uống hết một sừng trâu (hoặc một ly nước), không ai được ăn gian. Uống xong phải trả cần lại cho chủ rượu vì chỉ có người này mới có quyền mời trong cuộc rượu cần...”, ông Hùng giảng giải. Ông còn nhắc thêm rằng uống rượu cần không nên di chuyển cần lên xuống mà phải uống từ đáy lên, như thế nước từ trên mặt thấm xuống dần và rượu sẽ không bị nhạt, khi uống xong phải bịt kín đầu hút của cần để nước trong ống không tụt xuống... “Rượu cần là uống để giao duyên, hát đối đáp, kể chuyện, kể trường ca nên phải thấm từ từ chứ không phải uống để cho say”, ông khẳng định.

Còn sống được mấy nữa mà giữ !

Có vẻ như ông Hùng rất hợp gu với vị khách lạ, ông hào phóng khui một hũ rượu cần để kéo dài cuộc chuyện trò thú vị. Sau mấy vòng vít cần, mặt đã ửng đỏ, ông bắt đầu giãi bày cùng tôi những trăn trở của một người “say” rượu cần Vân Kiều... chân chính.

“Uống rượu cần ít nhất cũng phải có 2 người mà chuyện trò, qua lại. Mình không thích uống một mình, cũng giống như không thích chỉ mỗi mình tôi “yêu” rượu cần, làm rượu cần. Kẻo lỡ tôi chết đi còn ai biết đến thú vít cần...”, mắt ông Hùng đỏ nhòe khi nói.

Mà cũng phải, đã 15 năm rồi, ông Hùng ủ rượu cần không những chỉ để uống mà còn để bán. Mỗi hũ giá chỉ 100.000 đến 200.000 đồng tùy to nhỏ. Chẳng biết lời lãi được bao nhiêu (nếu có cũng chẳng nhiều vì nào tiền bình, tiền gạo, tiền men, tiền cần... chưa tính công sức bỏ ra) nhưng cái cốt là ông muốn làm gì đó để nhiều người Vân Kiều quay về lại với rượu dân tộc mình, cho nhiều đứa Doan (người Kinh) phải tấm tắc khen rượu ngon.

Ông Hùng không hề nói suông, bởi ông đã từng “đứng lớp” dạy cách chưng cất rượu cần cho hơn 80 hộ dân tại bản Ka Lu (xã Đakrông, H.Đakrông). Ông còn tự soạn thảo và in một tập kỷ yếu nhỏ ghi lại theo kinh nghiệm quy trình để có một hũ rượu cần ngon. Tôi hỏi sao không im lặng để giữ làm bí quyết cho riêng mình, ông Hùng hồn nhiên trả lời: “Mình chừ còn sống được mấy nữa mà giữ... Chỉ tiếc là vùng này không có khu du lịch như nơi khác để nhiều người uống rượu cần nên ít người làm”. Điều trăn trở của ông Hùng không phải là không có lý.

Nói đoạn, ông dẫn tôi ra sau kho rượu cần của mình. Đợt này, ông đã chưng chỉ hơn 100 bình và đặt ngay ngắn trên các kệ. Khi bán số rượu này, có thể cuộc sống của gia đình ông cũng chẳng khá thêm, nhưng ông vẫn làm, vẫn chưng rượu ra trước cổng để “làm dấu”, vẫn mải mê vót những ống nứa... Ông như một chú ong thợ cần mẫn đi tìm chút hương hoa rừng để gieo vào lòng người chất men mê đắm.

Nguyễn Phúc

>> Đậm đà hương rượu cần người S’Tiêng
>> Ăn Tết "sung" nhờ rượu cần!
>> Rượu cần đổ về xuôi
>> Ngây ngất với Rượu cần Bon Đơng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.