Nâng cao chất lượng cá ngừ

02/07/2013 03:15 GMT+7

Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Phú Yên vừa tổ chức hội nghị bàn giải pháp tổ chức lại sản xuất trong khai thác cá ngừ tại 9 tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tăng sơ chế, bảo quản

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Khai thác Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-BVNLTS), cho biết sản lượng cá ngừ trong năm 2012 là hơn 65.550 tấn. Nhưng những năm gần đây, nghề khai thác cá ngừ có nhiều biến động, đang gây ảnh hưởng đến sản xuất của ngư dân. Nhiều ngư dân 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định chuyển từ nghề câu vàng sang câu tay kết hợp với ánh sáng (sử dụng đèn cao áp - PV). Cách câu này giúp ngư dân bắt được nhiều cá hơn, chi phí thấp hơn nhưng chất lượng sản phẩm cá ngừ không cao nên nhiều người làm ăn thua lỗ.

 
Chế biến cá ngừ đại dương ở Phú Yên - Ảnh: Đức Huy

Trước thực tế này, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản điều tra chất lượng sản phẩm cá ngừ đại dương câu tay kết hợp với ánh sáng. Sau thời gian điều tra, bước đầu Cục KT-BVNLTS xác định được nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng cá ngừ câu tay là do phương pháp câu. “Cá ngừ ăn câu đang ở độ sâu lớn, thời gian thu câu nhanh tạo sự thay đổi đột ngột về áp suất và nhiệt độ, cùng với sự biến đổi sinh hóa do cá vùng vẫy mạnh, tạo ra các chất axitlactic, a xít phophorit… làm chất lượng của cá giảm, thịt bị tách rời, bở, nhão, màu sắc thay đổi. Hầu hết cá ngừ câu tay không đạt chất lượng sản phẩm để ăn tươi (shashimi và sushi). Thậm chí, cá có hiện tượng bị cháy, chuyển màu sẫm. Ngoài ra, ngư dân không tuân thủ quy trình xử lý, sơ chế, bảo quản… cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng”, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục KT-BVNLTS, đưa ra nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, vì đây chỉ mới là điều tra cơ bản, số mẫu thực hiện ít, nghiên cứu trên một tàu, chưa nghiên cứu đối chứng giữa tàu câu vàng và câu tay nên cần phải nghiên cứu bằng đề tài khoa học để xác định chính xác hơn.

 

Tổ chức lại sản xuất trên biển, trước hết là với cá ngừ đại dương, theo chuỗi giá trị, theo mô hình ngư dân liên kết, hợp tác thành các tổ đội, kết nối các tổ đội này với các doanh nghiệp thu mua, chế biến

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT

Trong khi đó, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, chưa có cơ sở để cấm câu tay kết hợp ánh sáng. Vì vậy, thay vì ngăn cấm thì hướng dẫn kỹ thuật cho bà con ngư dân tăng cường sơ chế, bảo quản sau thu hoạch và liên kết giữa các chủ tàu câu đèn với doanh nghiệp thu mua chế biến để tổ chức lại hiệu quả hơn”.

Liên kết để phát triển

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết giá cá ngừ đại dương thấp là do cung vượt cầu lớn ở phân khúc thị trường cá có chất lượng thấp, nhất là thời điểm tàu về nhiều; nhưng thiếu trầm trọng nguyên liệu ở phân khúc thị trường có chất lượng cao. Ông Tuấn đưa ra khuyến cáo: “Trước mắt, người dân không chuyển sang nghề câu tay cá ngừ đại dương kết hợp với ánh sáng. Những tàu câu tay nếu có điều kiện nên chuyển sang nghề câu vàng truyền thống hoặc nghề khác để giảm áp lực về tình trạng cung vượt cầu quá lớn như hiện nay”.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, để phát triển ngành khai thác thủy sản nói chung, nghề câu cá ngừ đại dương nói riêng theo hướng hiệu quả, bền vững, Chính phủ đã có đề án về tổ chức lại khai thác hải sản trên biển và đang triển khai. “Đây là bước đột phá để tổ chức lại sản xuất trên biển, trước hết là với cá ngừ đại dương, theo chuỗi giá trị, theo mô hình ngư dân liên kết, hợp tác thành các tổ đội, kết nối các tổ đội này với các doanh nghiệp thu mua, chế biến. Chúng ta làm sao vừa khai thác vừa nâng cao giá trị, chia sẻ lợi ích lẫn nhau giữa ngư dân và doanh nghiệp; phải từng bước nâng cao giá trị hải sản, hiệu quả sản xuất”, ông Tám nói.

Đức Huy

>> Nghiên cứu chất lượng cá ngừ câu tay kết hợp ánh sáng
>> Giá cá ngừ tuột dốc không phanh
>> Con cá ngừ đắt giá
>> Một con cá ngừ ở Nhật có giá 1,8 triệu USD
>> Món ngon từ phụ phẩm cá ngừ đại dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.