Thầy Nguyễn Ngọc Ký

30/06/2013 03:31 GMT+7

Biết mơ những khoảng trời - Biết cười trong nước mắt - Biết cắt những cái thừa. Đó là một trong những phương châm sống của nhà giáo, nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân: Nguyễn Ngọc Ký.

Một cuộc đời, bảy sự nghiệp

Ở đâu, lúc nào, ông cũng tranh thủ thời gian để biến không thành có, biến thách thức thành cơ hội

Ở tuổi 66, một tuần phải chạy thận ba lần, song thầy Nguyễn Ngọc Ký vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Những câu chuyện của ông có sức hút lạ kỳ, cùng cách diễn đạt truyền cảm, mạch lạc. Thỉnh thoảng, tiếng cười sảng khoái của ông bật ra, làm ấm căn nhà và ấm cả lòng người, trong một buổi chiều tháng sáu mưa dầm.

“Cuộc đời tôi bao gồm 7 công việc, hay nói một cách to tát là 7 sự nghiệp”, thầy Nguyễn Ngọc Ký mở đầu câu chuyện. Bên cạnh những lĩnh vực nhiều người biết đến, như: học hành, giáo dục, sáng tác, ông còn xác định bốn sự nghiệp khác không kém phần quan trọng trong cuộc đời mình, đó là: xây dựng hạnh phúc gia đình, truyền lửa cho thế hệ trẻ, chiến đấu với bệnh tật và tư vấn tâm lý qua tổng đài 1088. 

Đề cập đến việc xây dựng hạnh phúc gia đình, thầy Ký cho biết mối lương duyên của ông với bà Vũ Thị Nhiễu lúc đầu gặp trở ngại, do cha của bà Nhiễu không chấp nhận. Sau khi có người tâm tình, giải tỏa, ông cụ từ chỗ ghét, tức giận đến quý thương anh Ký. Lễ ăn hỏi được tổ chức ngay tuần sau đó và một tháng sau thì cưới. Từ 1971 đến 1977, hai người có với nhau ba mặt con - hai gái, một trai. Dù cơ thể khiếm khuyết, ông Ký vẫn tìm cách phụ vợ chăm sóc các con ở mọi góc độ. Sau khi bà Nhiễu bị bệnh mất khoảng 1 năm, theo tâm nguyện của bà, ông Ký đã nối duyên cùng em ruột bà Nhiễu là bà Vũ Thị Đậu, từ năm 2002 cho đến nay. Thầy Ký nhìn nhận: “11 năm nay, bà ấy lúc nào cũng chăm sóc tôi như là cánh tay trợ lực. Mỗi tác phẩm viết xong, bao giờ tôi cũng đọc cho bà nghe, bà góp ý rất là hay”. Ông đúc kết sự nghiệp gia đình: “Là người không có đôi tay chèo lái gia đình để rồi tất cả các con đều thành đạt, đến bây giờ mình thấy rất hạnh phúc. Trong cuộc sống gia đình, tôi luôn luôn biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”.

Một trong những “sự nghiệp” ấn tượng khác của thầy Nguyễn Ngọc Ký là chiến đấu với bệnh tật suốt đời để tồn tại. Từ đôi tay đau nhức, gãy đi gãy lại như cơm bữa đến chuyện ghẻ lở, suy thận… Ở đâu, lúc nào, ông cũng tranh thủ thời gian để “biến không thành có, biến thách thức thành cơ hội”. Trong một tháng bị nhà trường “ép” ở nhà  để điều trị bệnh viêm cầu thận cấp, ông đã sáng tác đến 40 bài thơ (sau này được in trong tập thơ Chú nhện chơi đu, tái bản nhiều lần với hơn 150.000 cuốn). Hiện đang phải chạy thận nhân tạo ba buổi/tuần, ông vẫn cười vui: “Tôi không bao giờ để hoài phí một phút nào đâu. Trong ba tiếng đồng hồ chạy thận tưởng như vô tích sự và khổ đau ấy, tôi đã nằm thiền nhân điện, thu hút năng lượng vũ trụ vào cơ thể mình. Cho nên sau khi chạy thận, rất nhiều người thấy lạ hỏi tôi sao thầy khỏe thế!”.

Thầy Nguyễn Ngọc Ký
Nhà giáo - nhà văn Nguyễn Ngọc Ký - Ảnh: Như Lịch

Từ Tôi đi học đến Tôi dạy học

Có thể nói, việc học hành là một sự nghiệp rực rỡ, đáng ngưỡng mộ nhất và khởi nguồn cho nhiều sự nghiệp khác trong cuộc đời thầy Nguyễn Ngọc Ký. 4 tuổi bị liệt hai tay, tất cả cuộc đời tưởng chừng như đã khép lại. Thế nhưng, cậu bé Ký vẫn không nguôi khao khát đến trường. Cũng chính sự khát khao đó, cánh cửa trường đã rộng mở. Ký học vỡ lòng, sau 2 năm khổ luyện mới bắt đầu dần quen với việc viết bằng chân. Năm lên 9 tuổi, Ký mới vào lớp 1 (theo chương trình giáo dục hệ 10 năm ở miền Bắc trước đây). Đến năm lớp 7, Ký đoạt giải năm cuộc thi giỏi toán toàn miền Bắc lúc đó. Trong hai năm liên tiếp (1962 - 1963), cậu học trò Nguyễn Ngọc Ký vinh dự được Bác Hồ hai lần tặng thưởng huy hiệu. Bước vào cấp ba, Ký bị hút hồn bởi nhân vật Paven Coocsaghin trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy, hiện thân của tác giả Nikolai A.Ostrovsky, nên đã chuyển mộng từ toán qua văn chương.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, theo lời khuyên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Nguyễn Ngọc Ký về quê dạy học với mục đích vừa dạy vừa tìm hiểu vốn sống của tuổi thơ để trở thành nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Trải qua 35 năm gắn bó với bục giảng, thầy Ký tự tin nêu kinh nghiệm: “Mỗi lần được học với tôi, học trò vỗ tay vui sướng lắm. Bởi trong mỗi buổi dạy, cái quan trọng là người thầy phải tìm ra những nét mới lạ để đưa các em đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Giáo viên phải tạo tâm thế cho học sinh trong bất kỳ tiết dạy nào”.

Với việc viết lách, thầy Ký tự nhận đây cũng là “một sự nghiệp gian khổ”. Ông cho hay, bắt đầu từ năm học lớp 8 cho đến hết lớp 10, ông đã viết hàng trăm bài thơ, bài văn nhưng không có báo nào đăng. Mãi đến khi bước vào đại học năm thứ nhất, bài thơ đầu tiên của ông là Núi bắt phi công mới được đăng. Ông vô cùng sung sướng, bắt đầu đặt bút viết quyển tự truyện đầu tiên mang tên Những năm tháng không quên, sau này đổi tên thành Tôi đi học. Thầy hồi tưởng: “Những năm tháng học đại học vừa học vừa viết tự truyện cũng cực kỳ gian khổ. Giấy không có, mực không có, đêm hôm dùng đèn tiết kiệm, có đêm thức trên ghế đá đến 4 giờ sáng để viết. Có khi viết được 10 - 15 trang, hôm sau đọc lại không bằng lòng trang nào, phải xé hết đi viết lại. Viết bí mật thôi, buổi trưa bạn bè ngủ hết mới lặng lẽ ra một góc mà viết. 11 giờ đêm chúng nó đi ngủ hết, mình bỏ đèn vào trong ống nứa chui vô màn mà viết. 2 năm thì viết xong. 2 năm sau NXB Kim Đồng góp ý sửa đi sửa lại, đúng khi mình bảo vệ luận văn tốt nghiệp đại học thì tác phẩm ấy ra đời”.

Những ngày này, thầy Ký đang cặm cụi gõ máy vi tính bằng đôi chân để hoàn tất những trang bản thảo cuối cùng cuốn tự truyện thứ hai là Tôi học đại học. Ông hào hứng cho biết, sau cuốn Tôi học đại học, sẽ thực hiện cuốn tự truyện thứ ba là Tôi dạy học, với ngồn ngộn chất liệu và cảm xúc.

Quan trọng là có lòng tự trọng

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký thẳng thắn nhìn nhận: “Bản thân tôi có được như hôm nay không phải chỉ nhờ những lời động viên mà có khi chỉ vì những lời nói trêu chòng”. Ông kể: “Năm 1983, khi tôi chuẩn bị đi thi giáo viên dạy giỏi toàn tỉnh Hà Nam Ninh ngày trước, một hiệu phó trong trường dè bỉu: “Ông chỉ dạy học sinh quen thôi, còn học sinh lạ thì không ổn. Tốt nhất ông không nên đi nữa!”. Sau khi tôi mang giải nhất cuộc thi toàn tỉnh về, ông ấy tới chúc mừng và hỏi: “Cậu có bí quyết gì để thành công?”. Tôi đã nói vui rằng đó là nhờ câu nói của anh đấy!” (bật cười thoải mái). Ông nhắc lại câu chuyện về thời đi học hay bị trêu chọc, ông đã nỗ lực hết sức để học giỏi, để chứng tỏ năng lực bản thân. “Thế là tự khắc chúng bạn chuyển từ khinh bỉ đến kính trọng thôi. Cho nên lòng tự trọng quan trọng lắm, con người phải biết có lòng tự trọng cao khi bị tổn thương”, ông Ký nhấn mạnh.

Từng đi giao lưu, tiếp xúc với nhiều người với vai trò nhà giáo và nhà tư vấn tâm lý, thầy Ký trăn trở: “Điều thiếu cơ bản của nhiều người trẻ hiện nay là chưa nhận rõ mình là ai dẫn đến thiếu ý chí, thiếu nghị lực phấn đấu. Trong khi đó, họ lại để nhiều cái thừa chi phối mình như thừa thời gian, thừa trò chơi vô bổ”. Ông nói thêm: “Tôi rất cảm động khi thấy nhiều em khó khăn vươn lên, học giỏi, cái đó là quý. Nhưng càng quý hơn những đứa con nhà giàu, con đại phú mà biết học giỏi, biết vượt qua hoàn cảnh. Như vậy chứng tỏ tất cả đều có hoàn cảnh hết, nghèo có hoàn cảnh của nghèo, giàu có hoàn cảnh của giàu”.

Nhà giáo ưu tú - nhà văn Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28.6.1947 tại xã Hải Thanh, H.Hải Hậu, Nam Định. Năm 1994, ông cùng gia đình chuyển vào sống và dạy học tại TP.HCM. Suốt cuộc đời, ông luôn kiên cường vượt lên nghịch cảnh, bệnh tật, cống hiến những thành quả đáng ngưỡng mộ: Đã xuất bản hơn 30 đầu sách; Ấn hành và tái bản nhiều lần cuốn tự truyện đầu tiên Tôi đi học; Sáng tác 1.500 câu thơ đố, bài thơ đố in thành 16 tập; Xuất bản sách chuyên đề Giáo dục với những vấn đề tâm huyết; Giao lưu, nói chuyện tại 25 tỉnh thành, với khoảng 1,4 triệu lượt học sinh lẫn người lớn; Tham gia tư vấn tâm lý qua 5.000 cuộc điện đàm cho khoảng 5.000 lượt người.

Hai lần được Bác Hồ tặng huy hiệu, giải A cấp tỉnh Hà Nam Ninh và giải C cấp toàn quốc về sáng tạo đồ dùng dạy học, Bằng lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam...

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.