Điện gió ở hải đảo

25/06/2013 03:05 GMT+7

Nhiều đảo của Việt Nam có tiềm năng khai thác điện gió như Phú Quý và Côn Đảo, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp.

Ở hai hòn đảo trên, một nơi có nhà máy điện gió thì người dân vẫn chưa được cấp điện 24/24, một nơi vẫn mòn mỏi chờ điện gió. Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC-HCMC), dự án điện gió nếu đầu tư ở những vùng hải đảo, những nơi không thể kéo điện lưới quốc gia, những nơi người dân đang trả tiền điện với giá cao, thì đầu tư điện gió sẽ hiệu quả hơn so với phát điện bằng dầu diesel. Còn theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng phòng Dự án lưới điện - Công ty CP tư vấn xây dựng điện 3 (EVN PECC3) đơn vị được Bộ Công thương chỉ định thực hiện việc lập quy hoạch điện gió trên toàn quốc, đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận là nơi tốt nhất để phát triển điện gió trong các đảo của Việt Nam và cũng là nơi có tốc độ gió trung bình cao nhất Việt Nam (trên 10 m/giây). Trên đảo Phú Quý trước đây chỉ có nguồn điện duy nhất là từ máy chạy dầu diesel có công suất 3 MW của Công ty điện lực Bình Thuận. Tháng 9.2012, Tổng công ty điện lực dầu khí đã đưa vào khai thác nhà máy điện gió với 3 trụ tua bin có tổng công suất 6 MW.

Điện gió ở hải đảo
Điện gió trên đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: Thọ Châu

Trên lý thuyết, khi có thêm nhà máy điện gió, cộng với điện phát từ máy diesel thì trên đảo sẽ không thiếu điện. Nhưng thực tế, người dân trên đảo hiện nay chỉ được sử dụng điện 16 tiếng/ngày. Theo một chuyên gia về điện, 3 tua bin điện gió ở đảo Phú Quý có tổng công suất 6 MW là quá lớn, lẽ ra chỉ nên đầu tư nhiều tua bin có công suất nhỏ, mỗi tua bin có công suất chừng vài trăm KW, chia làm nhiều giai đoạn đầu tư theo nhu cầu sử dụng điện trên đảo thì tốt hơn. Chứ như hiện nay, lúc gió mạnh, 3 tua bin này chạy hết công suất thì phụ tải trên đảo sẽ không tiêu thụ hết, lượng điện dư không biết làm sao vì nơi đây đâu có lưới điện quốc gia để tải vào.

Côn Đảo mòn mỏi chờ điện gió

Từ nhiều năm qua, không ít nhà đầu tư đến H.Côn Đảo để xin đầu tư nhà máy phong điện và đã được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chấp thuận, nhưng đến nay chưa có nhà máy nào hình thành. Năm 2011, Công ty CP năng lượng Mặt Trời Đỏ (TP.HCM) báo cáo UBND tỉnh đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời tại H.Côn Đảo.

Trước đó, năm 2007, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chấp thuận đề nghị của Tập đoàn Aerogie.Plus (Thụy Sĩ) về việc triển khai nghiên cứu và chuẩn bị các thủ tục để thực hiện lập dự án điện gió cho H.Côn Đảo. Thế nhưng, do việc triển khai dự án chậm chạp, năm 2012, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thu hồi dự án, thu hồi giấy phép đầu tư của công ty. Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh cho biết mặc dù đã thu hồi dự án nhưng nếu công ty này vẫn muốn tiếp tục xin chủ trương đầu tư lại thì tỉnh vẫn cấp phép.

Mai Vọng - Quế Hà -Nguyễn Long

>> Nhiều dự án điện gió “giậm chân” tại chỗ
>> Điện gió Bạc Liêu mua gói bảo hiểm tài sản gần 1.000 tỉ đồng
>> Gỡ “nút thắt” cho điện gió
>> Điện gió Bạc Liêu hòa lưới điện quốc gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.