Đi tìm lời phê

25/06/2013 03:20 GMT+7

Một tờ giấy kiểm tra có kẻ hai ô, một dành cho giáo viên chấm điểm, một để ghi lời phê đã trở nên quá quen thuộc với tuổi học trò.

Nhưng rồi càng lâu, lời phê cứ thế xa dần, hoặc chí ít, trở nên sơ sài, qua quýt, nó không còn chứa đựng trong đó sự gửi gắm tình yêu và trách nhiệm của giáo viên.

Lên đại học, thực sự lời phê đã trở nên hiếm hoi, thậm chí đã không còn có trong ý thức của các giảng viên.

Thế rồi điểm của bài kiểm tra được đưa lên mạng, mỗi người có một mật khẩu riêng, ai tự biết lấy, bạn học cũng không biết trong lớp mình ai giỏi nhất môn gì.

Vì thế, đầu tháng 6 rồi, Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) đã tổ chức diễn đàn "Đi tìm lời phê".

Bài thuyết trình của 8 thầy cô đại diện cho 8 khoa của trường hôm khai mạc diễn đàn đã đốt cháy niềm đam mê từ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi một giảng viên khiến cả hội trường nín lặng, chăm chú lắng nghe và đồng cảm sâu sắc.

90,4% sinh viên biểu thị mong muốn được nhận điểm từ chính giảng viên trực tiếp trả bài, nhận lời phê của giảng viên chi tiết trong từng phần bài làm của mình để có cơ hội thắc mắc với giảng viên về bài làm cũng như kết quả (chỉ có 9,6% sinh viên muốn nhận kết quả điểm thi/kiểm tra qua email, cho rằng đó là chuyện của cá nhân).

Thạc sĩ Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT trường này, chia sẻ với giảng viên: "Chúng ta đều cần lời phê chứ không riêng gì sinh viên của mình. Nếu học trò mỏi mắt "đi tìm lời phê" thì chúng ta, giảng viên phải là người gieo cấy nó".

Ngay sau đó, diễn đàn "Đi tìm lời phê" đã được các thầy cô trong trường thể hiện ngay trên từng buổi giảng, trên từng bài kiểm tra.

Và lời phê cũng nhận được sự phản hồi ngay lập tức. Lời phê đã gieo vào lòng các em sự tự tin, lòng tự trọng, sự trung thực và trách nhiệm trong mỗi sinh viên; và ngược lại, lời phê đó thể hiện sự kỹ lưỡng, trách nhiệm của thầy cô giáo đối với học trò mình.

Diễn đàn "Đi tìm lời phê" của trường này tiếp tục nhận được những bài viết, những ý tưởng, gửi thông điệp đến mọi người, kêu gọi sự đồng hành vì học sinh và vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi con người. "Đây là sự dẫn lối thanh cao của thầy cô giáo với học trò của mình, chúng tôi ghi nhận sâu sắc và phụng sự cho thông điệp đầy ý nghĩa này", thạc sĩ Nguyễn Thị Anh Đào tâm sự.

Nguyễn Thế Thịnh

>> Học văn, trò sợ lời phê vô cảm hơn điểm kém
>> Lời phê tắc trách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.