Muỗi tấn công người dân ven kênh

22/06/2013 03:10 GMT+7

Dù mùa mưa mới bắt đầu nhưng một số nơi ở TP.HCM đã bùng phát muỗi. Đây là nguy cơ dẫn đến tình trạng sốt xuất huyết mà ngành y tế đang cố gắng kiềm chế.

Dù mùa mưa mới bắt đầu nhưng một số nơi ở TP.HCM đã bùng phát muỗi. Đây là nguy cơ dẫn đến tình trạng sốt xuất huyết mà ngành y tế đang cố gắng kiềm chế.

Khoảng một tháng nay, người dân ở nhiều nơi trong nội thành TP.HCM lên tiếng vì tình trạng muỗi bùng phát ở các khu dân cư. Theo ghi nhận, người dân sống gần các tuyến kênh, rạch ở các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Q.8, Thủ Đức… đều bị muỗi tấn công. “Không biết muỗi ở đâu mà nhiều như thế này, chúng bay từng đàn vào nhà làm đảo lộn sinh hoạt hằng ngày trong gia đình” - ông Thanh Hoàng, nhà gần Khu công nghiệp Tân Bình, than thở. Đưa chúng tôi ra khỏi nhà, ông Hoàng chỉ con kênh phía trước đầy lục bình nói: “Muỗi sinh sôi ở đây, nước ô nhiễm cộng với đám lục bình là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bùng phát này”. Công nhân ở Khu công nghiệp Tân Bình cũng “chạy trời không khỏi nắng”. Chị Hoàng Ty - công nhân một công ty may mặc nói: “Muỗi đã bùng phát ở khu vực này từ khoảng giữa tháng 4, sợ nhất là những hôm làm đêm, chân tay bị cắn chi chít, nốt cắn ngứa ngáy rất khó chịu”.

Qua tìm hiểu, thời gian gần đây trên địa bàn TP.HCM có hàng chục tuyến kênh rạch bị lục bình, cỏ dại gây tắc nghẽn dòng chảy khiến môi trường bị ô nhiễm. Theo ông Nguyễn Văn Hai, nhà gần cầu Băng Ky (P.13, Q.Bình Thạnh), lục bình nhiều là cơ hội cho muỗi sinh sôi. Mỗi lần có công nhân đến vớt rác, lục bình thì muỗi ở đây giảm đáng kể. Tuy nhiên chỉ cần một khoảng thời gian ngắn là lục bình phát triển trở lại, nạn muỗi tiếp tục bùng phát. “Lục bình sinh sôi nhanh lắm, chỉ cần một vài bụi nhỏ từ sông trôi vào là một, hai tháng sau đã phát triển dày đặc khắp tuyến kênh. Do đó phải tìm cách ngăn chặn không cho lục bình trôi vào kênh thì mới giải quyết được dịch muỗi” - ông Hai nói.

 
Nhằm nâng cao ý thức, kiến thức cho người dân về bệnh sốt xuất huyết, giảm thiểu các ổ dịch sốt xuất huyết, nhãn hàng diệt côn trùng Raid thuộc Công ty SC Johnson & Son với sự đồng hành của Hội Chữ thập đỏ cơ quan đại diện phía Nam sẽ tổ chức chiến dịch “Diệt trừ sốt xuất huyết bảo vệ gia đình bạn”. Chương trình sẽ bắt đầu từ TP.HCM sau đó đi đến các tỉnh, thành phía Nam. Trong chiến dịch này, người dân sẽ được cung cấp các thông tin hướng dẫn cách phòng và chống căn bệnh, tham vấn trực tiếp với bác sĩ, triển khai các hoạt động dọn vệ sinh, diệt muỗi tại khu dân cư, hiến máu nhân đạo cùng nhiều hoạt động thiết thực khác.  Chiến dịch có sự bảo trợ thông tin từ Báo Thanh Niên.

Theo Ths-BS Nguyễn Minh Tuấn - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, sốt xuất huyết là bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, việc phòng chống bệnh dịch phụ thuộc nhiều vào ý thức cộng đồng.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, sốt xuất huyết hiện lưu hành ở 3/4 số các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trước năm 2000, sốt xuất huyết luôn là một trong những bệnh truyền nhiễm có số ca mắc cao hàng đầu, có năm lên đến 300.000 trường hợp và có trên 300 người tử vong.

Mặc dù có nhiều cố gắng trong công tác phòng, chống, song đến nay sốt xuất huyết vẫn là nguyên nhân khiến khoảng 100.000 trường hợp phải nhập viện và gần 100 trường hợp tử vong mỗi năm, đặc biệt là trẻ em.

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết ngoài những nguyên nhân khách quan còn do ý thức của người dân trong phòng chống sốt xuất huyết chưa cao, thói quen trữ nước sinh hoạt trong gia đình còn phổ biến, sự biến đổi môi trường, biến đổi khí hậu ấm lên của toàn cầu, ô nhiễm môi trường, mật độ dân số cao, tập trung nhiều khu nhà trọ với điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo, nhiều công trình xây dựng dở dang, nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống sốt xuất huyết chưa đầy đủ… Đó chính là những nguyên nhân tạo điều kiện cho các loại muỗi sốt xuất huyết phát triển.

Từ Minh

>> Muỗi loại trừ sốt xuất huyết
>> Vĩnh Long: Bệnh sốt xuất huyết tăng cao
>> Trái mùa, người mắc bệnh sốt xuất huyết vẫn nhiều
>> Sốt xuất huyết có thể trở thành đại dịch
>> Sốt xuất huyết
>> Sốt xuất huyết tăng mạnh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.