Chuẩn bị cho thị trường lao động Đông Nam Á

22/06/2013 03:05 GMT+7

Đến cuối năm 2015, các quốc gia thành viên ASEAN sẽ thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Theo đó, sẽ có một thị trường lao động đơn nhất mang đến nhiều cơ hội cho người học nghề có trình độ cấp quốc tế và khu vực.

Đào tạo theo chuẩn quốc tế

Theo kế hoạch đề ra trong đề án đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế giai đoạn 2013-2020, trong năm 2013, Việt Nam sẽ tuyển sinh, đào tạo thí điểm 8 nghề (4 nghề cấp độ quốc tế và 4 nghề cấp độ khu vực ASEAN). Đây là các nghề đã được Tổng cục Dạy nghề nhập, chuyển giao và biên dịch từ Malaysia năm 2011 và 2012. Theo đó, 4 nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN gồm chế biến và bảo quản thủy sản, gia công và thiết kế sản phẩm mộc, kỹ thuật xây dựng, quản trị lễ tân. Những nghề trọng điểm cấp độ quốc tế tuyển sinh trong năm nay là điều khiển tàu biển, kỹ thuật chế biến món ăn, khai thác máy tàu thủy và quản trị khách sạn.

 Chuẩn bị cho thị trường lao động Đông Nam Á
Quản trị lễ tân là một nghề trọng điểm cấp độ ASEAN sẽ được tuyển sinh trong năm nay - Ảnh: Mỹ Quyên

Các bộ chương trình này đều được chuyển sang Trung tâm kiểm định và công nhận chất lượng của Tổ chức quốc tế City & Guilds, Vương quốc Anh đánh giá và công nhận chất lượng quốc tế.

 

Đến năm 2015 khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập thì sẽ chỉ có một thị trường lao động duy nhất. Lúc đó, nếu ai có tay nghề đạt trình độ khu vực và quốc tế sẽ có thể làm việc ở bất cứ đâu với mức lương xứng đáng

PGS-TS Dương Đức Lân
Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB-XH

PGS-TS Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB-XH, cho biết: “Từ trước tới giờ, 10 nước trong khối ASEAN là 10 thị trường lao động riêng biệt, nhưng đến năm 2015 khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập thì sẽ chỉ có một thị trường lao động duy nhất. Lúc đó, nếu ai có tay nghề đạt trình độ khu vực và quốc tế sẽ có thể làm việc ở bất cứ đâu với mức lương xứng đáng”.

Chuyển giao từ chương trình tiên tiến

Theo ông Lân, trong 30 nghề cấp độ ASEAN và 26 nghề cấp độ quốc tế, mỗi nghề sẽ được lựa chọn từ một chương trình tiên tiến nhất của các nước trong khu vực và quốc tế để chuyển giao, đào tạo giáo viên. Các quốc gia được Tổng cục Dạy nghề đánh giá có kinh nghiệm để hợp tác là Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Úc và Đức. Riêng Malaysia và Hàn Quốc là 2 quốc gia đã ký văn bản thỏa thuận cung cấp bản quyền chương trình chuyển giao, đồng thời sau khi đánh giá nếu đạt đủ yêu cầu về chất lượng sẽ được công nhận bằng cấp.

Bắt đầu từ năm nay, các nghề đào tạo thí điểm sẽ tuyển sinh, mỗi khóa ít nhất một lớp, mỗi lớp không quá 25 sinh viên. Các trường sẽ ưu tiên lựa chọn những học sinh có kết quả học tập của năm lớp 12 THPT đạt loại khá trở lên hoặc những sinh viên - học sinh năm thứ nhất của các trường đã học các môn học chung, môn cơ sở có kết quả tốt.

Về học phí, PGS-TS Dương Đức Lân cho biết cũng giống với chương trình tiên tiến của Bộ GD-ĐT, học chương trình nghề trọng điểm quốc tế và khu vực, người học sẽ chỉ phải đóng 15% chi phí đào tạo (60% là nhà nước cấp và 25% nhà trường hỗ trợ).

Mỹ Quyên

 >> Thị trường lao động cuối năm
>> Thị trường lao động cần tay nghề cao
>> Thị trường lao động Mỹ cải thiện, Phố Wall phục hồi
>> Chuyển dịch lớn trên thị trường lao động, việc làm
>> Nghịch lý thị trường lao động 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.