Ấn Độ trước mối nguy gián điệp

19/06/2013 03:00 GMT+7

Theo nhiều nguồn tin, giới chức Ấn Độ đang để ý tới người Tây Tạng ở nước này vì lo ngại trong số đó có gián điệp Trung Quốc.

Hồi tháng rồi, cảnh sát Ấn Độ bắt tạm giam một người gốc Tây Tạng tên Pema Tsering với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc, theo Hãng tin IANS. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy Tsering, 32 tuổi, từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Người này đến Ấn Độ vào năm 2009 qua ngả Nepal và sống ở New Delhi trong một thời gian dài trước khi chuyển đến thành phố Dharamsala, nơi có nhiều người Tây Tạng lưu vong sinh sống. Tsering bị bắt sau khi nhóm người Tây Tạng ở Dharamsala báo cảnh sát rằng ông ta có nhiều hành động khả nghi. Báo Hindustan Times dẫn lời nhà chức trách Ấn Độ cho biết đang điều tra kỹ lưỡng cáo buộc trên. 

 Ấn Độ trước mối nguy gián điệp
Giới chức Ấn Độ lo ngại thông tin về tên lửa được phóng từ đảo Wheeler có thể bị “tàu cá” thu thập - Ảnh: Reuters

Trà trộn vào người đào tẩu

Người Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ thường xuyên cáo buộc điệp viên Trung Quốc trà trộn vào những người đào tẩu mới, theo trang tin quân sự StrategyPage, để theo dõi các hoạt động của người Tây Tạng. Gần đây, nghiệp vụ của các điệp viên còn là tìm hiểu về năng lực quân sự của Ấn Độ trong bối cảnh tình hình an ninh Đông và Nam Á đang có nhiều biến chuyển. StrategyPage dẫn các nguồn tin an ninh cấp cao New Delhi cho hay người Tây Tạng được tuyển mộ làm điệp viên và tìm đường sang Ấn với vỏ bọc “lưu vong do chống chính quyền Bắc Kinh”. Sau khi có cuộc sống ổn định, họ kết nối với các đồng đội để tạo nên một mạng lưới gián điệp với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Trung Quốc. Theo nguồn tin, lực lượng an ninh Ấn Độ đang theo dõi sát sao một số người khả nghi nhưng các điệp viên xâm nhập ngày càng nhiều và một số quan chức lo ngại rằng vẫn còn hàng chục gián điệp loại này chưa bị phát hiện.

Theo giới quan sát, tình hình trên xuất phát từ việc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ liên quan đến các khu vực Arunachal Pradesh/Nam Tây Tạng và Aksai Chin đang có chiều hướng nóng lên, cũng như việc 2 nước mâu thuẫn về các vấn đề tại biển Đông và Ấn Độ Dương. Mới đây nhất, New Delhi hồi tháng 4 tố binh sĩ Trung Quốc xâm nhập sâu vào khu vực Ladakh tới 19 km. Tuy nhiên, 2 bên sau đó nhất trí cùng lui quân tại khu vực này. 

Do thám trên biển

Ngoài việc cài gián điệp trên đất liền, Trung Quốc còn bị cáo buộc dùng tàu ngụy trang thành tàu cá để thu thập thông tin về Ấn Độ trên biển. Đài truyền hình NDTV đưa tin giới chức Ấn Độ đã phát hiện một “tàu cá” có đầy đủ thiết bị do thám, phân tích và thí nghiệm tại một khu vực được xem là “nhạy cảm và quan trọng” cho cuộc tranh giành ảnh hưởng trên Ấn Độ Dương. Theo một báo cáo của cơ quan an ninh trình lên chính phủ Ấn Độ, chiếc tàu nói trên được thiết kế để thu thập dữ liệu về dòng chảy, nhiệt độ, độ sâu của Ấn Độ Dương cũng như hoạt động của Ấn Độ trong khu vực. NDTV dẫn lời các chuyên gia nhận định Trung Quốc thu thập các dữ liệu trên có thể nhằm phục vụ những chiến dịch của nhóm tác chiến tàu sân bay ở khu vực trong tương lai. Vì thế, đây được xem là một mối đe dọa quân sự nghiêm trọng cho Ấn Độ.

Bên cạnh đó, New Delhi cũng rất quan ngại về sự hiện diện của nhiều tàu cá Trung Quốc trong vùng biển gần đảo Wheeler, vì tất cả tên lửa của Ấn Độ được thử tại đảo này, theo NDTV. Giới chức an ninh Ấn Độ cho rằng những tàu này có thể theo dõi các vụ phóng thử và thu thập thông tin về tên lửa. Ngoài ra, báo The Times of India hồi năm 2009 thông tin từ Cơ quan tình báo Ấn Độ (RAW) xác định nước láng giềng sử dụng 24 trung tâm nghiên cứu ở Nepal, phần lớn nằm dọc biên giới Ấn Độ - Nepal, để do thám. Một số nguồn tin khi đó tiết lộ rằng RAW đang theo dõi chặt chẽ khoảng 30 công ty Trung Quốc được thành lập ở Nepal vì nghi chúng có liên quan đến hoạt động gián điệp. Phần lớn những công ty này, theo giới chức Ấn Độ, do các cựu sĩ quan Trung Quốc thành lập. Đến nay, Trung Quốc vẫn im lặng về tất cả những cáo buộc trên, kể cả sau vụ bắt giữ nghi can Pema Tsering.

Văn Khoa

>> Ấn Độ rò rỉ kế hoạch tuyệt mật để ứng phó với Trung Quốc
>> Ấn Độ đối phó “Chuỗi ngọc trai” Trung Quốc
>> Máy bay Ấn Độ xâm nhập không phận Pakistan
>> Sập một phần tòa nhà 5 tầng ở Ấn Độ, 5 người chết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.