Thách thức với tân tổng thống Iran Hassan Rohani

16/06/2013 12:25 GMT+7

(TNO) Việc giáo sĩ ôn hòa Hassan Rohani đắc cử tổng thống Iran hôm 15.6 sẽ giúp duy trì ổn định nội bộ giữa lúc nước Cộng hòa Hồi giáo tiếp tục gánh chịu áp lực kinh tế và chính trị.

(TNO) Việc giáo sĩ ôn hòa Hassan Rohani đắc cử tổng thống Iran hôm 15.6 sẽ giúp duy trì ổn định nội bộ giữa lúc nước Cộng hòa Hồi giáo tiếp tục gánh chịu áp lực kinh tế và chính trị.

>> Giáo sĩ Hassan Rohani đắc cử tổng thống Iran
>> Bầu cử Iran: Giáo sĩ ôn hòa Hassan Rohani thắng thế

Sau bốn năm đấu đá phe nhóm giữa Lãnh tụ Tối cao - Đại giáo chủ Ali Khamenei và Tổng thống mãn nhiệm Mahmoud Ahmadinejad, việc ông Rohani đắc cử sẽ giúp ngăn ngừa cuộc nổi dậy trong dân chúng và đặt ra trước mặt phương Tây một gương mặt tổng thống được xem là có tinh thần hòa giải hơn, theo hãng phân tích tình báo Stratfor.

Tuy nhiên, ông Rohani sẽ phải đối phó với những thực tế khó khăn mà người tiền nhiệm đối mặt: đó là duy trì sự ủng hộ với chế độ của Tổng thống Syria Bashar Assad, tiếp tục chương trình hạt nhân và làm lắng dịu những thách thức của một nền kinh tế bấp bênh và sự chống đối ngày càng gia tăng với tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Cơ hội ổn định trong nước

Từng giữ chức thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao trong 16 năm và là trưởng đoàn đàm phán hạt nhân từ năm 2003 đến 2005, ông Rohani thu hút nhiều cử tri ôn hòa và ủng hộ cải cách từng bỏ phiếu cho ông Hossein Mousavi vào năm 2009, cũng như các thành phần trong hệ thống chính trị hiện tại.

Thách thức với tân tổng thống Iran Hassan Rohani
 Những người ủng hộ của ông Hassan Rohani ăn mừng chiến thắng hôm 15.6 - Ảnh: Reuters

Ông Rohani có quan điểm tán thành phong trào cải cách dù là một thành viên có nhiều mối quan hệ trong tầng lớp giáo sĩ quyền uy ở Iran.

Với mong muốn xây dựng mối quan hệ ít đối nghịch hơn với phương Tây, những người ôn hòa và cải cách ở Iran cũng chủ trương giải phóng kinh tế và tăng trưởng, cũng như hạn chế sự can dự trực tiếp của tầng lớp giáo sĩ và quân đội vào công việc quản lý điều hành đất nước.

Sự thực dụng này phản ánh sự thay đổi nhân khẩu học của dân số Iran. Một phần ba số cử tri được sinh ra sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 và có ít liên hệ trực tiếp với những lập trường ý thức hệ của nhiều lãnh đạo cách mạng bảo thủ ở Iran.

Lập trường bảo thủ của giới này bao gồm việc phản đối mọi nhượng bộ của Iran trước các đòi hỏi của phương Tây, dẫn đến hậu quả là nhiều thập niên bị cấm vận và trì trệ kinh tế, bất chấp sự dồi dào dầu hỏa và khoáng sản.

Điều quan trọng nhất với Tehran là việc ông Rohani đắc cử chắc chắn sẽ không châm ngòi cho cuộc nổi dậy từng thấy sau khi ông Ahmadinejad tái đắc cử năm 2009.

Theo Stratfor, việc ông Rohani đắc cử cũng cho phép giới tăng lữ trên đỉnh cao của hệ thống chính trị Iran đoàn kết trở lại sau bốn năm liên tục tranh giành quyền lực giữa Lãnh tụ Tối cao và tổng thống.

Trong lúc ông Ahmadinejad tìm cách mở rộng quyền hạn tổng thống với sự ủng hộ mạnh mẽ từ những người theo chủ nghĩa dân túy, tầm ảnh hưởng về chính trị và kinh tế của những thành phần quân đội, chẳng hạn như Lực lượng Vệ binh Cách mạng, cũng gia tăng đến mức độ có thể làm tổn hại đến vị thế của tầng lớp giáo sĩ. Lo ngại về sự suy giảm quyền uy, những giáo sĩ cấp cao ở Iran đã ủng hộ chiến dịch tranh cử có tổ chức và dư dã tiền bạc của ông Rohani.

Ông Rohani không được trông đợi sẽ khuất phục hoàn toàn theo ý chí của ông Khamenei nhưng với mong muốn của hai phía về việc duy trì hệ thống chính trị thân giáo sĩ hiện tại, sẽ không có những hành động và lời lẽ thách thức công khai từ phía ông Rohani như từng thấy ở nhiệm kỳ hai của ông Ahmadinejad.

Quả thực, nhiều khả năng sẽ có những nỗ lực nhằm dần điều chỉnh lại sự cân bằng của hệ thống chính trị hiện tại theo hướng có lợi cho giới giáo sĩ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của cả Lực lượng Vệ binh Cách mạng và nền chính trị dân túy.

Thách thức khu vực

Bất chấp việc vô hiệu hóa mối đe dọa nổi dậy của phe cải cách và tạo ra cơ hội xoa dịu căng thẳng giữa những giáo sĩ Iran, chính phủ của ông Rohani sẽ đối mặt với một số thách thức lớn ở bên ngoài. Cuộc xung đột ở Syria và sự tham gia của các chiến binh Shiite từ cả nhóm Hezbollah ở Li Băng và từ Iraq đã đặt ra nguy cơ lớn với phạm vi ảnh hưởng của Iran vốn được phát triển sau khi Mỹ tấn công Iraq.

Vòng cung phòng thủ thiết lập từ các đồng minh phe cánh ở phía đông Địa Trung Hải của Iran đã bắt đầu đổ vỡ. Chế độ của ông Assad hiện chỉ kiểm soát một phần đất nước Syria trong khi các phong trào nổi dậy của người Sunni và thánh chiến đang gia tăng các cuộc tấn công trên khắp Syria.

Phản ứng bạo lực của người Sunni với sự gia tăng hiện diện tại khu vực của Iran xảy ra cùng lúc với những đợt trừng phạt mới của phương Tây nhắm vào ngành xuất khẩu dầu của Iran. Dù các lệnh trừng phạt không đủ để ngăn chặn Iran xuất khẩu dầu thô, đặc biệt tại những nơi tiêu thụ lớn ở châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc, thì việc ông Rohani lên nắm quyền vào thời điểm kinh tế thiếu ổn định và lạm phát gia tăng cũng đặt ra nhiều thách thức cho ông.

Với những lời cam kết thay đổi và cải cách kinh tế, ông Rohani sẽ đối mặt với những phí tổn gia tăng liên quan đến các chương trình chi tiêu xã hội dưới thời ông Ahmadinejad cũng như đẩy mạnh ủng hộ với chế độ Syria và chính quyền Iraq do người Shiite lãnh đạo.

Những áp lực trong nước và ngoài nước sẽ thử thách cách nhìn nhận của phương Tây về ông Rohani như là một tổng thống ôn hòa và thực dụng hơn.

Ông Rohani có thể bước vào bàn đàm phán hạt nhân và đối thoại chiến lược với phương Tây nhằm nới lỏng các lệnh trừng phạt hoặc giúp kiềm chế sự lan truyền của phong trào nổi dậy người Sunni và Salafi trong khu vực, song ông không được trông mong sẽ ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran theo đòi hỏi của các nước phương Tây.

Ông cũng sẽ không chấm dứt sự ủng hộ của Iran với Damascus hoặc Baghdad, các thủ đô trong khu vực vốn ủng hộ quan điểm của Tehran về sự cần thiết thiết lập thế trận phòng thủ chống lại sự trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Ả Rập theo phái Sunni.

Sơn Duân

>> Giáo sĩ Hassan Rohani đắc cử tổng thống Iran
>> Bầu cử Iran: Giáo sĩ ôn hòa Hassan Rohani thắng thế
>> Iran bác tin đàm phán với Mỹ
>> Tình báo Israel: Iran muốn chế tạo 30 quả bom/năm
>> Nghi án Iran lập mạng lưới khủng bố ở Nam Mỹ
>> Tổng thống Iran thoát chết trong vụ tai nạn trực thăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.