“Giải pháp của Bộ trưởng hiền quá!”

13/06/2013 03:30 GMT+7

Đây là nhận xét của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) về câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát về những giải pháp “đột phá nhất” giúp nông nghiệp phát triển bền vững, nông dân thoát nghèo tại buổi chất vấn của Quốc hội diễn ra chiều qua 12.6.

Khó nhất là thị trường

Đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, nông nghiệp VN đang đứng trước nhiều khó khăn, nông dân đang chịu lỗ kép. Doanh  thu của nông dân giảm nghiêm trọng trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, chi phí tiêu dùng lại tăng cao. “Bộ trưởng có giải pháp mới nhất, đột phá nhất giúp nông nghiệp phát triển bền vững, nông dân thoát nghèo, yên tâm sản xuất trên chính mảnh đất của mình? Liệu chúng ta có nên hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân?”, ĐB Ngân hỏi.

 

14 ngân hàng cho vay mua tạm trữ thóc, gạo

Ngày 12.6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản chấp thuận cho 14 ngân hàng thương mại (NHTM) gồm: Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV, MHB, Techcombank, SHB, OceanBank, OCB, Eximbank, MB, LienVietPostBank, NamABank, HDBank thực hiện cho vay mua tạm trữ thóc, gạo hè thu năm 2013. Các NHTM thực hiện cân đối nguồn vốn để cho vay mua tạm trữ thóc, gạo đối với các thương nhân được Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân giao chỉ tiêu mua số thóc gạo tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ hè thu năm 2013 ở đồng bằng sông Cửu Long theo tỷ lệ quy đổi thóc: gạo là 2:1; loại thóc, gạo mua tạm trữ gồm thóc, gạo thường và thóc, gạo thơm. Các NHTM cho các thương nhân vay mua tạm trữ thóc, gạo với mức lãi suất cho vay tối đa là 10%/năm. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong thời gian mua thóc, gạo tạm trữ. Thời hạn mua tạm trữ từ ngày 15.6 đến hết ngày 31.7. Thời gian tạm trữ được hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 tháng, kể từ ngày 15.6 đến ngày 15.9.2013.

T.Xuân

Bộ trưởng Cao Đức Phát nói rằng, đã thấy rõ những vấn đề nêu trên bắt nguồn từ đâu và giải pháp có tính đột phá để khắc phục là phải tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Theo ông, khó khăn lớn nhất của nông dân hiện nay chính là thị trường. Lúa chín đầy đồng khắp từ nam ra bắc, trái cây thu hoạch nhiều, heo gà và cá tra đầy ắp trong chuồng và dưới ao nhưng lại bí đầu ra, giá cả sụt giảm, thu nhập của nông dân vì thế đã giảm nghiêm trọng. Chính phủ có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp (DN) mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa để hỗ trợ giữ giá cho người trồng lúa, các ngân hàng tăng cường hỗ trợ tín dụng cho nông dân để họ không phải gấp rút bán lúa, duy trì đàn gia súc, đồng thời có chính sách hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu để tiêu thụ nông sản cho bà con. “Đây là giải pháp trước mắt. Giải pháp lâu dài nằm trong đề án tái cơ cấu ngành. Chúng ta hỗ trợ trực tiếp cho nông dân nhưng cũng cần có những đầu tư vào các nhiệm vụ có tính chất lâu dài và căn cơ của ngành như nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cấp và cải tiến giống, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng  suất và giảm giá thành của sản phẩm, nâng cấp cơ sở hạ tầng...”, ông Phát nói.

ĐB Trần Hoàng Ngân nhận xét: “Tôi băn khoăn vì trong giải pháp của mình Bộ trưởng còn hiền quá. Tôi thấy nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như bất động sản, khi gặp khó khăn, các bộ trưởng, thứ trưởng chủ trì nhiều hội thảo, đưa ra nhiều yêu cầu đề nghị Chính phủ, đề nghị QH phải có giải pháp hỗ trợ. Nông dân và nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nhưng tôi thấy tiếng nói của ngành mình còn nhẹ quá. Tôi mong Bộ trưởng thể hiện sự mạnh mẽ hơn trong các kiến nghị về các giải pháp của mình, phải gấp rút hỗ trợ nông dân bằng những gói hỗ trợ hết sức cụ thể”.

Dừng xây thủy điện 6 và 6A nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, thời gian qua, cử tri đã nhiều lần đề nghị Bộ trưởng phối hợp với các bộ ngành liên quan xem xét kiến nghị dừng các dự án thủy điện 6 và 6A nhưng đến nay vẫn cứ phải chờ đợi. “Bộ trưởng có đồng tình với cử tri là loại khỏi quy hoạch 2 dự án thủy điện này hay không?”, ông Vở đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết ông đã vào tận công trình để kiểm tra tình trạng rừng và nhiều lãnh đạo bộ, ngành khác cũng đã làm như vậy. “Quan điểm của tôi là nên hạn chế lấy rừng ở những khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở nơi xung yếu để bảo vệ lợi ích chung của cả xã hội. Trường hợp thật cần thiết thì thực hiện theo đúng quy trình và quy định của pháp luật”, ông Phát nói.

Theo ông Phát, Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm kiểm tra hiện trạng rừng để báo cáo Chính phủ và Chính phủ báo cáo QH về việc nếu lấy đất rừng đó để làm thủy điện thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến rừng Cát Tiên. “Chúng tôi báo cáo trung thực việc tác động của lấy đất, lấy rừng xây dựng các dự án thủy điện 6 và 6A đối với Vườn quốc gia Cát Tiên”, Bộ trưởng Phát nói.

Được yêu cầu trả lời bổ sung, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, hiện nay các dự án thủy điện 6 và 6A đang trong giai đoạn đánh giá tác động môi trường (ĐTM), được thực hiện bởi Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT). “Kết quả đánh giá ĐTM nếu cho thấy tác động xấu đến môi trường, có ảnh hưởng xấu đến rừng Cát Tiên thì chúng tôi sẽ kiến nghị không xây dựng các dự án này”, ông Hoàng nói.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt câu hỏi: Vì sao trong khoảng thời gian từ 2006 - 2012 có tới gần 20.000 ha rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng 162 thủy điện nhưng diện tích rừng trồng bù lại quá ít, mới chỉ có 375 ha, cần phải làm gì để khắc phục triệt để? Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, các DN đã thực hiện chưa tốt và chưa nghiêm túc quy định về trồng bù diện tích rừng đã chuyển đổi nhưng cũng có thực tế là nhiều nơi đang gặp khó khăn trong việc bố trí đất trồng rừng thay thế. Bộ NN-PTNT đã đề nghị Chính phủ xem xét ban hành chính sách cho phép DN gặp khó khăn về đất đai trồng rừng thay thế được nộp tiền vào ngân sách để phân bổ cho các địa phương khác trồng rừng.

Nỗi lo phụ thuộc

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cảnh báo nền nông nghiệp có nguy cơ lệ thuộc nước ngoài khi 70% thức ăn chăn nuôi đang phụ thuộc vào các DN đầu tư nước ngoài (FDI), mỗi năm VN phải chi ra hàng tỉ USD nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi và cho hạt giống và đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết hiện mỗi năm cả nước phải nhập khẩu 33% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó có 2 triệu tấn khô dầu, 1 triệu tấn đỗ tương. VN đang đẩy mạnh sản xuất ngô và đỗ tương nhưng năng suất đỗ tương còn quá thấp so với thế giới, khả năng cạnh tranh kém. “Chúng ra cần phải nâng cao tính tự chủ trong việc sản xuất các loại giống có chất lượng, vắc xin, phân bón... để cung cấp cho nông dân. Chính sách quan trọng nhất là thuế, QH trong việc xây dựng các đạo luật liên quan đến thuế cần có sự quan tâm có chính sách khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực này”, Bộ trưởng Phát kiến nghị.

Biện pháp đưa ra còn thiếu quyết liệt

 
Tôi tương đối đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát nhưng có một số điểm Bộ trưởng chưa làm rõ, như những tồn tại, bất cập trong vấn đề thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giá cả những mặt hàng nông nghiệp... đều là những vấn đề không mới, đã được bàn tới trong rất nhiều năm, nhiều kỳ nhưng chuyển biến rất chậm. Những vấn đề này tưởng rất dễ nhưng lại tồn tại kéo dài, đề nghị phải có biện pháp hữu hiệu. Những biện pháp được Bộ trưởng đưa ra chưa khắc phục được tình trạng này một cách quyết liệt. Nếu Bộ vẫn thực hiện những biện pháp như hiện giờ thì đến kỳ họp sau, chắc sẽ lại có chất vấn. (Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh)

 
Bộ trưởng phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn. Thứ nhất là phải phát huy vai trò của các viện nghiên cứu đầu ngành của nông nghiệp, nghiên cứu để lai tạo con giống, nghiên cứu về vắc xin...; Thứ hai là phải có những chính sách thông qua mạng lưới tổ chức để đưa cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về với nông dân, nông thôn để tổ chức những mô hình nhận chuyển giao công nghệ, bởi hiện tại, cái khó của mình là từng nông dân riêng lẻ thì năng lực nhận chuyển giao công nghệ của họ rất là thấp. Vì vậy, nên tổ chức các mô hình nhận chuyển giao, ví dụ như hình thành các HTX ở nông thôn, tập hợp đủ quy mô và đưa cán bộ khoa học kỹ thuật về. (ĐB Nguyễn Ngọc Hòa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH)

Bảo Cầm

Quốc hội thông qua luật Phòng, chống khủng bố 

Hôm qua 12.6, với  447/450 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, luật Phòng, chống khủng bố đã chính thức được Quốc hội thông qua. Việc thông qua luật này sẽ góp phần tích cực hợp tác cùng cộng đồng quốc tế trong việc phòng, chống khủng bố và góp phần hoàn thiện chính sách của đất nước. Luật Phòng, chống khủng bố gồm 8 chương, 51 điều sẽ có hiệu lực từ ngày 1.10.2013. Theo sắc luật này, Chính phủ sẽ thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia. Bộ Công an là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia và có cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách. UBND cấp tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh.

 Cũng hôm qua, đã thảo luận về dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Phòng cháy, chữa cháy. Từ thực tiễn vụ cháy tại cây xăng 2B đường Trần Hưng Đạo, TP.Hà Nội, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bày tỏ: “Các cây xăng ở gần khu dân cư, các cơ sở kinh doanh có nguồn lửa thì sẽ là một thảm họa nếu cháy nổ xảy ra. Vì vậy, cần bổ sung tiêu chí khoảng cách an toàn và bổ sung hành vi nghiêm cấm cho phép đăng ký kinh doanh đối với những trường hợp không bảo đảm tiêu chí khoảng cách này”.  Cùng chung quan điểm này,  ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc những đối tượng đang tồn tại mà chưa thể thực hiện được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy; đặc biệt các điểm bán xăng dầu ở các tỉnh, thành phố và khu dân cư, khu công nghiệp đã xây dựng trước khi có luật Phòng cháy chữa cháy.

 TháI Sơn

Quang Duẩn

>> Thảo luận tại Quốc hội: Cần hiến định tất cả quyền lực thuộc về dân
>> Thảo luận tại Quốc hội: Nới bội chi, tháo gỡ tồn kho
>> Quốc hội thảo luận luật Thuế TNDN sửa đổi: Cần giảm thuế suất xuống 20%
>> Sẽ báo cáo Quốc hội tình hình biển Đông
>> Đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo tình hình biển Đông
>> Nhiều đại biểu quốc hội đề nghị giữ nguyên tên nước
>> Đại biểu Quốc hội góp ý Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>> Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Người trồng lúa không lãi được 30%
>> Bộ trưởng NN - PTNT Cao Đức Phát: “Tôi cảm thấy mình làm chưa tốt”
>> Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận trách nhiệm về tình trạng hạt giống và phân bón giả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.