Thuế chưa giảm, giá điện đòi tăng

12/06/2013 03:56 GMT+7

Thêm một tin xấu cho các doanh nghiệp sản xuất vốn đang lao đao, đình đốn. Đó là giá bán điện cho khối sản xuất có thể bị tăng kép, nếu đồng thời giá bán lẻ được điều chỉnh tăng và dự thảo biểu giá bán điện mới được thông qua.

Thêm một tin xấu cho các doanh nghiệp sản xuất vốn đang lao đao, đình đốn. Đó là giá bán điện cho khối sản xuất có thể bị tăng kép, nếu đồng thời giá bán lẻ được điều chỉnh tăng và dự thảo biểu giá bán điện mới được thông qua.

Giá điện tăng 2 - 7%

 

Việc tăng giá điện sản xuất bồi thêm một khó khăn khiến việc sản xuất khó phục hồi hơn

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

Theo dự thảo quyết định về biểu giá điện vừa được Bộ Công thương hoàn thiện, với các ngành sản xuất, biểu giá bán lẻ điện mới cho cấp điện áp từ 22 kV đến dưới 110 kV sẽ tăng 2 - 7% so với biểu giá điện 2011. Cụ thể đơn vị sử dụng điện giờ bình thường và giờ cao điểm sẽ phải chịu mức tăng là 2%, nhưng giá điện giờ thấp điểm tăng tới 6%. Ở cấp điện áp từ 110 kV trở lên, giá điện giờ cao điểm và bình thường giữ nguyên, riêng giờ thấp điểm tăng 5% (giá giờ thấp điểm của khối sản xuất đang ở mức 51 - 58% giá điện bình quân năm). Tăng mạnh nhất là cấp điện áp từ 6 kV, giờ bình thường và giờ cao điểm tăng 4%, giờ thấp điểm tăng tới 7%.

Trong khi đó, nhóm đối tượng kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, tùy cấp điện áp và giờ sử dụng, giá bán điện sẽ giảm từ 3 - 8%. Theo lý giải, các hộ kinh doanh đang phải chịu tiền điện cao hơn nhiều so với các ngành sản xuất (78 - 257% giá bán điện bình quân năm), nên giá bán điện cho hộ kinh doanh được điều chỉnh giảm. TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, cho rằng đây là lựa chọn của ngành điện, bên này bớt đi thì phải tăng bên kia lên.

Đặc biệt, Bộ Công thương đã tách riêng ngành xi măng, sắt thép quy định biểu giá riêng, không được hưởng giá chung với các ngành sản xuất khác như trước đây, với mức giá từ 59 - 187% giá bán lẻ bình quân tùy cấp điện áp và thời gian sử dụng điện (riêng giờ cao điểm sẽ áp mức khá cao từ 160 - 187%). Một chuyên gia ngành điện lập luận, các nhà máy xi măng, sắt thép đa phần đều dùng công nghệ thấp, tiêu hao điện rất lớn, thậm chí là lãng phí điện cần phải chịu mức giá riêng. “Các nước trên thế giới đều quy định riêng biểu giá cho các ngành tiêu hao điện nhiều này, VN cho ăn vào lưới điện chung của cả nước là vô lý, lâu nay điện sinh hoạt phải bù chéo cho các ngành này”, ông này nói.

Trong khi đó, một chuyên gia chỉ ra sự bất hợp lý trong cơ cấu tính biểu giá điện, đặc biệt là việc giá điện cho khối hành chính sự nghiệp được điều chỉnh giảm 1% (mức cũ là 100 - 104% giá bán điện bình quân năm), chiếu sáng giảm 2% (mức cũ 98 - 104% giá bán điện bình quân năm). “Tiền điện khối hành chính sự nghiệp tính vào tiền của nhà nước, khối này lâu nay vẫn được xem là dùng “điện chùa” vô tội vạ, lẽ ra phải tăng tiền điện ở khối này để giảm tình trạng tiêu thụ điện lãng phí hiện nay”, chuyên gia này nói.

Thuế chưa giảm, giá điện đòi tăng
Xi măng và sắt thép không được hưởng giá chung với các ngành sản xuất khác - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tăng giá là “tự mình giết mình”

Nhiều chuyên gia và DN đều nhận định trong bối cảnh sản xuất đang đình trệ như hiện nay, các chính sách hỗ trợ cho DN như giảm thuế vẫn chưa thực hiện, trong khi chi phí các sản phẩm thiết yếu như điện lại tăng, đang là một nghịch lý.

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt khẳng định việc tăng giá điện chắc chắn sẽ tác động đến chi phí sản xuất của các DN trong ngành này. Trong khi đó, mức tiêu thụ chung của ngành thép từ đầu năm đến nay đang đi ngang ở mức thấp nhất (từ năm 2012 tiêu thụ ngành thép đã sụt giảm 20% so với trước đó). “Chính phủ cần xem xét và cân nhắc thời điểm tăng giá điện cho hợp lý hơn”, ông Thái đề xuất.

Tương tự, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty SaigonFood, cũng tỏ ra khá lo lắng trước thông tin tăng giá điện. Nếu những năm trước, khi chi phí đầu vào gia tăng thì các DN cũng sẽ xem xét tăng giá bán ra một phần để bù đắp. Thế nhưng tình hình tiêu thụ giảm sút này, tăng giá là “tự mình giết mình”. Không chỉ thế, các DN còn e ngại không chỉ giá điện tăng tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất mà còn kéo theo giá chi phí vật tư, nguyên phụ liệu như bao bì cũng tăng theo.

Ở khía cạnh khác, theo TS Lưu Bích Hồ, VN là một trong những nước tiêu hao điện năng cao nhất thế giới. Với giá điện sản xuất khá rẻ (nếu tính bình quân so với khối sinh hoạt, kinh doanh), nhiều DN cũng đang tận dụng lợi thế giá điện rẻ để sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao lãng phí điện lớn. “Việc tăng giá điện sản xuất bồi thêm một khó khăn khiến việc sản xuất khó phục hồi hơn. Nhưng đây cũng là áp lực, DN muốn không bị đột quỵ thì phải tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, nghiên cứu kỹ thị trường... Các DN sản xuất sẽ phải tìm cách để tiết kiệm điện hơn”, TS Hồ nhìn nhận.

Nguy cơ tăng kép

Đang trong giai đoạn lấy ý kiến nhưng dự thảo cũng nêu rõ thời điểm Quyết định 268 về biểu giá điện năm 2011 của Thủ tướng sẽ hết hiệu lực vào 1.7.2013.

Nếu dự thảo được thông qua, giá bán lẻ điện sẽ phải tính lại (căn cứ trên giá điện bình quân áp dụng từ tháng 12.2012 nhân với biểu giá mới của từng lĩnh vực).

Nếu Bộ Công thương và EVN điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân so với mức giá bình quân hiện tại, thì giá điện áp cho sản xuất sẽ tăng kép (vừa tăng giá bình quân vừa tăng theo tỷ lệ biểu giá mới). Đặc biệt, giá bán lẻ điện có nguy cơ sớm điều chỉnh trong thời gian tới, nhất là khi ngành than đã đề xuất xem xét tăng giá bán than cho sản xuất điện. Đây là lý do các chuyên gia và DN đều cho rằng cần tính toán, cân nhắc kỹ thời điểm tăng giá cũng như thời điểm chính thức áp dụng dự thảo biểu giá mới, có thể tách hai thời điểm này cách xa nhau, để tạo độ giãn cần thiết cho DN phục hồi sản xuất.

Mai Hà - Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.