Thay lúa bằng đậu nành, bắp

11/06/2013 03:15 GMT+7

Nâng giá trị tăng thêm của gạo, chuyển đổi cây lúa bằng những loại cây lương thực khác đang phải nhập khẩu... là những giải pháp cần thiết cho nông nghiệp trước tình hình lợi nhuận của nông dân từ lúa ngày càng thấp.

Thay lúa bằng đậu nành, bắp

Bắp là một trong các loại cây trồng thay thế hiệu quả cây lúa - Ảnh: Quang Duẩn

Nâng giá trị gia tăng của gạo

VN chủ yếu chỉ xuất khẩu gạo xá đóng bao, trong đó gạo phẩm cấp thấp chiếm tỷ lệ lớn. Do đó, dù sản lượng nhiều nhưng giá trị xuất khẩu không đáng bao nhiêu, trong khi định hướng nâng chất lượng hạt gạo nhiều năm qua chỉ dừng ở mức tuyên truyền, vận động. Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL, nguyên nhân của tình trạng này là “chúng ta xuất khẩu gạo nhiều nhưng đầu tư cho nghiên cứu khoa học rất thấp. Trong thời gian qua, hầu hết các nghiên cứu chỉ tập trung vào việc làm sao nâng cao sản lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng”.

 

2 lúa - 1 màu là một cơ cấu tốt và đã có nhiều nghiên cứu từ khá lâu rồi... Đây là hướng đi cần thiết chứ không thể cứ sản xuất gạo bán giá thấp mà nhập khẩu các mặt hàng khác giá cao

PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL

Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Cờ Đỏ (Cần Thơ), phân tích: “Chúng ta kẹt trong vòng luẩn quẩn vì đặt ra nhiều mục tiêu quá. Nào là tăng diện tích, rồi tăng năng suất, kháng sâu bệnh, chất lượng cao, bán được giá... Mong muốn đó vượt quá thực tế. Cần xác định lại. Nếu là nâng cao chất lượng thì phải chấp nhận làm các giống dài ngày, chỉ làm 2 thay vì 3 vụ, đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học... Phải mạnh dạn làm như vậy mới mong thay đổi được thực trạng của ngành lúa gạo”.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp nhất trí rằng để “cứu” nông dân và nâng cao giá trị hạt gạo thì không có cách nào khác là phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các loại hình dịch vụ hiệu quả ở nông thôn. Cụ thể là phải xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, tiến tới vùng nguyên liệu lúa hàng hóa, xuất khẩu, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP để đạt năng suất, giảm giá thành, tăng lợi nhuận...

Thực tế đã có nhiều mô hình tập trung vào sản phẩm sau gạo và gạo chất lượng cao, mang lại giá trị rất tốt. Vấn đề hiện nay là cần có những chính sách hiệu quả, đột phá trước tình hình mới của thị trường lúa gạo thế giới, từ đó để chuyển đổi sản xuất lúa gạo từ lượng sang chất để nâng cao vị thế hạt gạo.

“Nội địa” hóa nguyên liệu nhập khẩu

Theo Tổng cục Hải quan, quý 1/2013, VN nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trên 712 triệu USD, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm 2012. Những loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như đậu tương, khô dầu đậu tương phải nhập khẩu khoảng 70-80% nhu cầu. Các loại phụ gia, primex, a xít amin phải nhập khẩu 100%.

Mức độ phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu cao làm giá TĂCN của VN luôn cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực. Theo các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ thịt ngày một tăng sẽ thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Cùng với đó, nhu cầu nguyên liệu TĂCN sẽ tăng. Trong khi chúng ta chưa có chương trình phát triển cây nguyên liệu phục vụ cho ngành chăn nuôi.

 

Hiệu quả cao từ đậu nành

Kết quả một số mô hình chuyển đổi cơ cấu canh tác trên đất lúa tại một số vùng ở ĐBSCL cho thấy giống đậu nành chọn trồng là đậu A17 có thời gian sinh trưởng 85-90 ngày, năng suất ước đạt 1,84 tấn/ha. Với giá đậu thương lái mua hiện 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được khoảng 16 triệu đồng/ha, cao hơn khoảng 6 triệu/ha so với lợi nhuận thu được từ lúa. Việc thay thế cây lúa bằng chính các loại nông sản mà ta đang nhập khẩu chính là hướng đi cần thiết, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: “2 lúa - 1 màu là một cơ cấu tốt và đã có nhiều nghiên cứu từ khá lâu rồi. Cụ thể dọc sông Tiền, sông Hậu có 300.000 ha đất phù sa cao có thể trồng rau màu rất tốt. Về mùa vụ thì thời điểm trồng màu thích hợp nhất là vào vụ xuân hè hay hè thu sớm mà người dân thường gọi là vụ 2. Vụ này rơi vào mùa khô nên việc cày ải, gieo trồng và thu hoạch gặp nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, việc trồng màu không dễ như trồng lúa. Nông dân tự làm vài chục ha thì được, nhưng nếu diện tích lên đến 100.000 hay 300.000 ha thì phải có một kế hoạch tổng thể. Đây là hướng đi cần thiết chứ không thể cứ sản xuất gạo bán giá thấp mà nhập khẩu các mặt hàng khác giá cao”.

Theo thống kê, hằng năm VN phải bỏ ra trên dưới 2 tỉ USD để nhập khẩu lúa mì, đậu nành, khô dầu đậu nành, bắp... về chế biến TĂCN. Bộ NN-PTNT thừa nhận đây là nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong các mặt hàng liên quan tới nông nghiệp.

Để đáp ứng được chiến lược phát triển chăn nuôi, đến năm 2020, nhu cầu sử dụng TĂCN của VN ước tính là 27,4 triệu tấn (tăng 1,3 lần so với năm 2012). Trước mắt trong năm 2013, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) sẽ phối hợp với các địa phương rà soát và bố trí vùng trồng đậu nành; theo dõi lịch thu hoạch lúa để đôn đốc các địa phương gieo đậu nành kịp thời vụ và chỉ đạo không gieo sau thời vụ cho phép, thay vào đó khuyến cáo trồng các cây ngắn ngày khác. Cục Trồng trọt cũng sẽ kết nối các địa phương và doanh nghiệp từng bước phát triển tăng diện tích vùng trồng đậu nành qua việc lựa chọn xây dựng các cánh đồng đậu nành ở 3 - 4 tỉnh, tăng dần cánh đồng mẫu trên 5 - 8 tỉnh ở giai đoạn 2015 và tăng toàn bộ ở các tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2020.

Quang Thuần - Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.