Khó khăn trong xử lý nợ xấu

09/06/2013 03:16 GMT+7

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Văn Bình vừa gửi báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 tới các ĐBQH.

Báo cáo đề cập đến 5 nhóm nội dung ngành ngân hàng (NH) đã thực hiện, trong đó có vấn đề xử lý nợ xấu, giám sát xử lý tiêu cực của các tổ chức tín dụng, cũng như tái cơ cấu hệ thống NH.

Về xử lý nợ xấu, Thống đốc cho biết NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có quyết định cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được cơ cấu lại nợ, ban hành chế tài xử lý nghiêm đối với TCTD không trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định và yêu cầu tích cực sử dụng nguồn dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Tính đến cuối tháng 4.2013, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm theo Quyết định số 780 của NHNN là 284.400 tỉ đồng.

Việc trích lập dự phòng rủi ro cũng đã được các NH thực hiện ráo riết và đến cuối tháng 4 vừa qua, số dư dự phòng rủi ro đã trích lập chưa sử dụng đạt 73.600 tỉ đồng, tăng 14,6% so với cuối năm 2012. Theo Thống đốc, đây là nguồn vốn quan trọng mà TCTD có thể sử dụng ngay để xử lý nợ xấu. Nhờ đó, trong năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013, tổng số nợ xấu đã được các TCTD xử lý bằng dự phòng rủi ro là 76.700 tỉ đồng (năm 2012 là 69.200 tỉ đồng và 4 tháng đầu năm 2013 là 7.500 tỉ đồng).

Thống đốc cũng dẫn báo cáo của các TCTD cho hay đến cuối tháng 4.2013, tổng số dư nợ xấu toàn hệ thống là 137.100 tỉ đồng, tăng 18.700 tỉ đồng (15,8%) so với cuối năm 2012 (4 tháng đầu năm 2012 nợ xấu tăng 36,2%), tốc độ tăng bình quân 3,94%/tháng (giảm so với 9%/tháng của cùng kỳ năm 2012). “Mặc dù tốc độ tăng của nợ xấu đã được kiềm chế, song tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng liên tục tăng lên do dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm. Theo đó, đến cuối tháng 4.2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,67%, tăng so với mức 4,08% của cuối năm 2012 và 3,07% cuối năm 2011”, báo cáo nêu rõ.

Cũng theo báo cáo, mặc dù các giải pháp xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, nhưng việc xử lý nợ xấu cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, như nợ xấu lớn, chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh là nguyên nhân quan trọng làm giảm kết quả kinh doanh, ảnh hưởng đến sự an toàn tài chính của các TCTD...

Xử phạt 104 trường hợp vi phạm

Báo cáo kết quả xử lý tiêu cực trong hoạt động NH, Thống đốc cho biết trong năm 2012 thanh tra, giám sát NH đã thực hiện tổng số 731 cuộc thanh tra, kiểm tra. Thanh tra giám sát toàn hệ thống đã có 6.763 kiến nghị, ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 104 TCTD, doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt hơn 5 tỉ đồng.

Cũng theo Thống đốc, năm 2013, NHNN tiếp tục thực hiện kế hoạch thanh tra toàn diện các TCTD, đặc biệt là các TCTD có biểu hiện kém an toàn, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và các TCTD chưa được thanh tra trong 3 năm gần đây; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trần lãi suất huy động, quản lý ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh vàng...

Liên quan đến nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống NH, bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, ông Bình thừa nhận quá trình cơ cấu lại các NH thương mại cổ phần yếu kém diễn ra chậm hơn so với dự kiến. Có 4 nhóm nguyên nhân được cho là dẫn tới tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu hợp tác của một số cổ đông lớn của NH thương mại cổ phần yếu kém. “Vì quyền lợi cá nhân, một số cổ đông lớn của các NH thương mại cổ phần yếu kém thiếu sự hợp tác hoặc chống đối với chính sách, biện pháp cơ cấu lại của NHNN, gây thêm khó khăn cho quá trình cơ cấu lại các NH này”, ông Bình thông tin.

Chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra còn 1,93%

Báo cáo về kết quả điều hành lãi suất của NHNN, Thống đốc cho hay hiện nay chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra bao gồm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 3,03%. Nếu trừ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thì chênh lệch chỉ còn 1,93%, giảm so với mức 2,33%/năm tại thời điểm cuối năm 2012.

B.C

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.