Công khai tỷ lệ phiếu tín nhiệm của từng chức danh

09/06/2013 03:12 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hạnh Phúc , Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khi trao đổi với báo giới bên hành lang kỳ họp QH sáng qua.

“Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành tốt nhất theo quy định, ví dụ thiết kế mẫu phiếu, chuẩn bị danh sách ban kiểm phiếu, các báo cáo. Đây là lần đầu tiên sau 69 năm, QH mới tiến hành việc này, chắc chắn quá trình làm sẽ phải rút kinh nghiệm vì mới chỉ là lần đầu. Tôi tin càng về sau sẽ càng tốt hơn”, ông Phúc nói.

 

Phiếu tín nhiệm sẽ đánh giá theo từng chức danh một và sẽ được công bố tỷ lệ phiếu của từng người được đánh giá theo 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, công bố theo trị số tuyệt đối bao nhiêu phiếu mỗi loại... Còn việc xét hệ quả tín nhiệm thì chỉ khi nào tín nhiệm dưới 50%

Theo tìm hiểu thì báo cáo của các chức danh được lấy phiếu gửi tới các ĐBQH có cái dài nhưng cũng có những cái rất sơ sài, nặng liệt kê thành tích, nên có ý kiến cho rằng đến giờ phút này vẫn chưa đủ thông tin để đánh giá tín nhiệm các chức danh?

Đương nhiên, báo cáo có dài có ngắn cũng bình thường vì khi chất vấn, có thể có ngành ít nội dung phải trả lời hoặc nội dung nào rõ rồi thì thôi, nội dung nào cần sâu hơn thì mới phải đi vào. Căn cứ vào độ dài ngắn để đánh giá các báo cáo thì khó có thể nói gì, vấn đề là đi vào nội dung xem đã trả lời đúng các vấn đề được yêu cầu chưa. Còn nội dung báo cáo công tác như thế nào thì đương nhiên có hướng dẫn rồi, về việc thực hiện nhiệm vụ thế nào, đạo đức, lối sống ra sao.

Cũng có ĐBQH băn khoăn vì có quá ít thời gian để thảo luận trước khi lấy phiếu tín nhiệm, trong khi còn nhiều vấn đề cử tri gửi gắm cần được làm rõ trước khi quyết định lá phiếu, ngay cả phiên chất vấn cũng bố trí sau khi lấy phiếu liệu có đủ căn cứ để đánh giá tín nhiệm?

Việc này đã được bàn nhiều rồi và cuối cùng, để công bằng, thống nhất lấy phiếu trước, ví dụ có thể 4 đồng chí chất vấn xong lấy phiếu thì các đồng chí chưa chất vấn thì sao. Tốt nhất làm trước để công bằng cho tất cả những người được đưa ra lấy phiếu.

Chưa nhận được ý kiến nào về “chạy phiếu”

Đến thời điểm này, đã có phản ánh gì của cử tri, ĐBQH về trường hợp nào vận động, “chạy” phiếu hay chưa?

Tôi chưa hề nhận được ý kiến nào.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) có hướng dẫn cụ thể về các biện pháp ngăn chặn việc “chạy phiếu” hay chế tài xử lý nếu phát hiện vi phạm?

Đương nhiên đại biểu nào làm thế mất uy tín, và đại biểu nào phát hiện ra, có ý kiến thì lập tức người chạy phiếu sẽ mất uy tín. Đến giờ chưa có góp ý hay phản ánh với TVQH về việc đó. Nếu có hiện tượng gì đó bất thường thì phải báo cáo Ủy ban TVQH và QH.

Công khai tỷ lệ phiếu tín nhiệm của từng chức danh
Ảnh: Hưng Nguyên

Ông từng khẳng định việc công khai mức độ tín nhiệm của từng chức danh lấy phiếu. Vậy việc công khai sẽ như thế nào?

Phiếu tín nhiệm sẽ đánh giá theo từng chức danh một và sẽ được công bố tỷ lệ phiếu của từng người được đánh giá theo 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, công bố theo trị số tuyệt đối bao nhiêu phiếu mỗi loại. Cụ thể là từng phiếu từng loại, có thế nào thì ghi như thế, ví dụ ông A được bao nhiêu phiếu cao, bao nhiêu phiếu thấp... Còn việc xét hệ quả tín nhiệm thì chỉ khi nào tín nhiệm dưới 50%, ví dụ có 400 đại biểu mà có tới 201 phiếu tín nhiệm thấp thì coi là không đạt.

Phẩm chất nào ở các chức danh được lấy phiếu được ông coi trọng, đánh giá tín nhiệm cao?

Tiêu chí đầu tiên là hoàn thành nhiệm vụ hay không, rồi mới đến phẩm chất đạo đức là đi song song. Cái quan trọng nhất người ta nhìn vào anh là với tư cách tư lệnh một ngành. Đấy là nhiệm vụ đầu tiên phải làm rõ đã. Anh không làm tốt thì tôi đánh giá anh không hoàn thành nhiệm vụ.

Bảo Cầm (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.