Thế giới chia sẻ thịnh vượng với Myanmar

07/06/2013 03:25 GMT+7

Gần 900 đại biểu trên 50 quốc gia đang tụ hội tại Myanmar bàn về phát triển kinh tế khu vực Đông Á, đem lại cơ hội lớn cho nước chủ nhà.

Lần đầu tiên trong gần 60 năm, quốc gia Đông Nam Á vừa thoát khỏi nhiều cấm vận của phương Tây đón lượng khách kỷ lục đến với hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á, diễn ra từ 5-7.6. Các nội dung thảo luận chính của diễn đàn lần này là thúc đẩy sự chuyển đổi toàn diện Myanmar; nhận diện hội nhập khu vực; quy mô của các giải pháp khu vực và ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị cùng người sáng lập WEF Klaus Schwab (trái) và Tổng thống Myanmar Thein Sein
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị cùng người sáng lập WEF
Klaus Schwab (trái) và Tổng thống Myanmar Thein Sein - Ảnh: AFP
 

Lãnh đạo quốc gia, chính khách, đặc biệt là giới doanh nhân, có mặt tại Naypyidaw không chỉ để tham dự diễn đàn mà hơn hết là hy vọng chiếm lĩnh thị trường mới mẻ và đầy tiềm năng của Myanmar. “Rất nhiều nhân vật quan trọng đang cố gắng để gặp tổng thống của chúng tôi”, một quan chức chính phủ Myanmar nói với báo chí. Từ khi lên cầm quyền hồi tháng 3.2011, Tổng thống Thein Sein đã tiến hành một loạt cải cách chính trị, xã hội và kinh tế, đưa quốc gia vào quỹ đạo hội nhập và thu hút sự chú ý đặc biệt của thế giới.

Chủ đề của WEF khu vực mà nước chủ nhà Myanmar đưa ra là “Dũng cảm chuyển hóa để hội nhập và phát triển toàn diện” và “chia sẻ thịnh vượng”. Các lãnh đạo nước này coi đây là cơ hội lớn để thu hút đầu tư và phát triển đất nước. “Đây là màn trình diễn của chúng tôi với thế giới”, Bộ trưởng Du lịch Htay Aung phát biểu và cho biết thêm Myanmar trong những tháng qua đã nỗ lực tối đa trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho hội nghị. Năm 2014, Myanmar sẽ là nơi tổ chức hàng loạt hội nghị ASEAN trong vai trò chủ tịch luân phiên.

Phát biểu khai mạc chính thức hội nghị ngày 6.6, Tổng thống Thein Sein kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mạnh mẽ hơn vào Myanmar giữa lúc nước này tiếp tục cải cách. “Chúng tôi đang làm hết mình để chuyển từ chính thể quân sự sang dân chủ và đưa nền kinh tế từ mô hình tập trung sang tự do”, ông nói.

Chính trị gia đối lập Aung San Suu Kyi cũng có bài phát biểu tại diễn đàn và cho biết bà có ý định ứng cử ghế tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2015. Bà cho biết sẽ đấu tranh thay đổi hiến pháp vốn cấm những người có thân nhân là người nước ngoài không được phép ứng cử những vị trí cao cấp trong chính phủ.

Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến Myanmar tham dự Hội nghị WEF về Đông Á. Hiện tại, Việt Nam có 13 tập đoàn kinh tế lớn là thành viên của WEF đến với hội nghị tại Myanmar. Ngoài ra, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã có dự án ở đây trong khi Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đang tham gia chạy đua đấu thầu cung cấp các gói điện thoại di động cho Myanmar.

Thục Minh
(VP Singapore)

>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Myanmar
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự WEF Đông Á 2013
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại tại Shangri-La 12
>> Myanmar tận dụng WEF thu hút đầu tư
>> Kinh tế Myanmar có thể tăng trưởng gấp bốn
>> Myanmar đón luồng đầu tư từ Nhật Bản
>> Mỹ bỏ cấm vận thị thực Myanmar
>> Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tại Myanmar 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.