Nhà thầu nội không thể thua trên sân nhà

06/06/2013 03:43 GMT+7

Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng khi trao đổi với Thanh Niên nhân việc Dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi được Chính phủ trình ra Quốc hội.

Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng khi trao đổi với Thanh Niên nhân việc Dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi được Chính phủ trình ra Quốc hội.

 

Chúng ta không thể để các nhà thầu nội thua mãi trên sân nhà, vì vậy, kể cả các gói thầu quốc tế, dự thảo luật cũng đưa ra nhiều ưu đãi cho nhà thầu nội

Ông Lê Văn Tăng

Lâu nay có một thực trạng, các nhà thầu “ngoại” đang lấn át nhà thầu “nội”, thậm chí ngay trên sân nhà tại các dự án lớn, ông bình luận gì về việc này?

Việc nhà thầu ngoại lấn át nhà thầu nội, thực tế chỉ nằm ở các gói thầu quốc tế. Dù luật Đấu thầu 2005 đã quy định trường hợp cụ thể mới được mời thầu quốc tế, và ưu đãi cho nhà thầu trong nước, nhưng tỷ lệ nhà thầu nước ngoài trúng thầu vẫn cao. Nguyên nhân do nguồn vốn của chúng ta hạn hẹp, buộc phải vay vốn của nước ngoài để đầu tư. Khi sử dụng vốn nước ngoài, buộc phải lựa chọn nhà thầu của nước cho vay như một điều kiện ràng buộc.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương vào tháng 11.2010, cả nước có 118 gói thầu EPC (là gói thầu bao gồm toàn bộ công việc thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp - NV). Trong đó có 58 gói thầu EPC áp dụng hình thức chỉ định thầu, 33 gói thầu đấu thầu rộng rãi quốc tế và 27 gói thầu đấu thầu rộng rãi trong nước. Trong số 58 gói thầu EPC áp dụng hình thức chỉ định thầu, nhà thầu VN chiếm 82% (48 gói), nhà thầu Trung Quốc chiếm 13% (8 gói), còn lại là nhà thầu thuộc G7 và nhà thầu liên danh. Nhưng trong 33 gói thầu đấu thầu rộng rãi quốc tế, nhà thầu Trung Quốc trúng 20 gói (chiếm 60%); nhà thầu Việt Nam chỉ trúng 4 gói, còn lại 9 gói thuộc về nhà thầu G7 và nhà thầu liên danh.

Nhà thầu nội không thể thua trên sân nhà
Ông Lê Văn Tăng

Vì sao chúng ta luôn phải “đứng nhìn” các nhà thầu ngoại tung hoành ngay tại sân nhà ở các gói thầu quốc tế?

Lợi thế lớn nhất của nhà thầu Trung Quốc là họ được ưu đãi vay vốn từ chính phủ Trung Quốc hoặc các ngân hàng thương mại trong nước để thực hiện dự án ở các nước khác. Khi sử dụng vốn vay, ta buộc phải lựa chọn nhà thầu Trung Quốc. Ví dụ, riêng trong lĩnh vực nhiệt điện đốt than, 58% số hợp đồng EPC được chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc. Đối với dự án khác, do dự toán được phê duyệt thấp nên ngay từ ban đầu chủ đầu tư coi như đã chỉ định thầu cho Trung Quốc, việc đấu thầu sau này chỉ là hình thức bởi các nhà thầu Trung Quốc. Ngoài ra, còn do nhà thầu Trung Quốc chào giá rất thấp; chủ đầu tư chưa đưa ra được hồ sơ mời thầu then chốt, chưa cài cắm được hàng rào kỹ thuật để loại nhà thầu kém, trong khi một số nhà thầu rất ma mãnh làm hồ sơ đẹp để trúng thầu.

Luật đấu thầu sửa đổi, sẽ khắc phục tình trạng này như thế nào, thưa ông?

Dự thảo luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này đã bổ sung nhiều điểm mới và cụ thể hóa hơn nữa các quy định về ưu đãi không chỉ đối với nhà thầu trong nước, mà cả đối với hàng hóa trong nước: Cụ thể, yêu cầu nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại VN phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ VN. Nhà thầu nước ngoài chỉ được phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đủ khả năng thực hiện và không đáp ứng yêu cầu của gói thầu theo quy định của pháp luật.

Nhà thầu nội không thể thua trên sân nhà
Dự án nhiệt điện Mạo Khê do nhà thầu Trung Quốc thi công - Ảnh: Káp Thành Long

Chúng ta không thể để các nhà thầu nội thua mãi trên sân nhà, vì vậy, kể cả các gói thầu quốc tế, dự thảo luật cũng đưa ra nhiều ưu đãi cho nhà thầu nội. Ngoài ra, với các nhà thầu là DN nhỏ có trên 50% số lượng lao động là thương binh hoặc người khuyết tật thì được ưu tiên trong quá trình lựa chọn...

Nhà thầu xây dựng về “sân chơi” chung

Cũng trong phiên thảo luận hôm qua, một điểm khá mới và vô cùng quan trọng trong lần sửa đổi lần này, theo ông Tăng sẽ khắc phục được tình trạng “một nhà thầu có 2 luật điều chỉnh”. Bởi hiện tại, hoạt động liên quan đến lựa chọn nhà thầu xây dựng đang phải tuân thủ đồng thời các quy định trong luật Xây dựng và luật Đấu thầu. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý, chủ đầu tư, bên mời thầu và DN. Do đó, Chính phủ phải có một phương án khá đặc biệt, đó là ban hành Nghị định 85/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo luật Xây dựng.

Với đề nghị của Chính phủ và sự ủng hộ của Ủy ban Kinh tế (Quốc hội) khi thẩm tra dự thảo luật, lần đầu tiên các quy định liên quan đến đấu thầu sẽ thống nhất về một mối. Cụ thể, toàn bộ nội dung chương VI về lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng trong luật Xây dựng sẽ chuyển vào Dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi, hủy bỏ chương VI trong luật Xây dựng để xử lý dứt điểm mối quan hệ đang khá phức tạp giữa luật Đấu thầu và luật Xây dựng trong nội dung này.

Anh Vũ
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.