NATO sẽ lập đội phản ứng nhanh về tấn công mạng

05/06/2013 15:25 GMT+7

(TNO) Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO vào hôm 4.6 đã nhất trí củng cố năng lực phòng thủ mạng của khối quân sự này, song vẫn còn chia rẽ về mức độ bảo vệ các đồng minh nhỏ trước các cuộc tấn công mạng.

Vào năm ngoái, NATO phải đối phó với hơn 2.500 trường hợp tấn công mạng đáng kể nhắm vào hệ thống của họ, theo phát biểu của Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tại hội nghị về phòng thủ mạng đầu tiên của khối.

“Chúng ta có liên kết chặt chẽ nên nếu không xử lý nhanh chóng và hiệu quả một cuộc tấn công nhắm vào một đồng minh, tất cả chúng đều bị ảnh hưởng”, ông Rasmussen phát biểu tại một cuộc họp báo.

NATO sẽ lập đội phản ứng nhanh về tấn công mạng
 Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen (trái) trò chuyện cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel - Ảnh: Reuters

Vào tháng trước, Lầu Năm Góc đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng gián điệp mạng để hiện đại hóa quân đội của họ.

Tờ Washington Post tường thuật vào tuần trước rằng các tin tặc Trung Quốc đã tiếp cận thiết kế của hơn hai chục hệ thống vũ khí tân tiến của Mỹ.

Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng 28 nước thành viên NATO đã nhất trí vận hành đầy đủ năng lực phòng thủ mạng trước tháng 10.

Các bộ trưởng cũng đồng ý thành lập các đội phản ứng nhanh để giúp bảo vệ hệ thống của NATO. Theo đó, ưu tiên của tổ chức là bảo vệ hệ thống của NATO bởi đây là những hệ thống sử dụng để điều phối hoạt động quân sự giữa các nước đồng minh.

Tuy nhiên, bất đồng vẫn tồn tại về cách thức phản ứng trước những yêu cầu trợ giúp từ các thành viên bị tấn công.

Các quốc gia nhỏ với nguồn lực giới hạn mong muốn tận dụng năng lực phòng thủ mạng của NATO và ông Rasmussen tin rằng NATO phải sở hữu năng lực để hỗ trợ.

Song những thành viên lớn hơn, như Mỹ, Anh, Pháp và Đức, không đồng ý. Do phải đầu tư nhiều vào phòng thủ mạng ở trong nước, các nước này miễn cưỡng chia sẻ ngân sách cho các hoạt động của NATO, mà phần nhiều mang lại lợi ích cho các nước nhỏ.

Ông Rasmussen nói có một lựa chọn là sử dụng các đội phản ứng nhanh để hỗ trợ các quốc gia bị tấn công mạng.

Một lựa chọn khác là một thành viên NATO sử dụng năng lực mạng của riêng họ để giúp một đồng minh khác, tương tự việc Mỹ, Đức và Hà Lan gửi tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay.

NATO vốn báo động về mối đe dọa tấn công mạng vào năm 2007 khi mạng lưới của Estonia bị tê liệt bởi một cuộc tấn công điện tử mà Estonia quy trách nhiệm cho Nga.

Sơn Duân

>> Tin tặc Trung Quốc bị tố đánh cắp thiết kế trụ sở tình báo Úc
>> Tin tặc Trung Quốc chiếm thông tin phản gián của Mỹ
>> Đài Loan tố bị tin tặc Philippines tấn công
>> Mỹ - Trung đối thoại về an ninh mạng
>> Mỹ “điểm mặt” Trung Quốc về an ninh mạng
>> Mỹ sẵn sàng đánh phủ đầu vì an ninh mạng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.