Thảo luận tại Quốc hội: Cần hiến định tất cả quyền lực thuộc về dân

04/06/2013 03:25 GMT+7

Khá nhiều vấn đề chưa tìm được tiếng nói đồng thuận trong nội dung sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục được các ĐBQH tranh luận tại nghị trường trong cả ngày hôm qua, 3.6.

>> Lo đổi tên nước sẽ gây xáo trộn và lãng phí
>> Nhiều đại biểu quốc hội đề nghị giữ nguyên tên nước
>> Đề xuất giữ nguyên tên nước trong Hiến pháp sửa đổi

Bàn về tên nước quy định tại điều 1, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhất trí với đề xuất của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (Ủy ban Dự thảo) giữ nguyên tên nước như hiện nay với lý do tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7.1976 đến nay, hơn nữa, theo ông Tuyết, “việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi và làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính gây tốn kém, phức tạp như việc phải thay đổi quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ”. Đồng tình với ý kiến này, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, Trần Văn Tư dẫn bằng chứng ở Đồng Nai có hơn 700 nghìn ý kiến góp ý về Hiến pháp thì chỉ có 1 ý kiến đề nghị đổi tên nước, và nói khi đổi tên nước hiện nay xét thấy rằng cái không được nhiều hơn cái được.

 Đại biểu Chu Sơn Hà
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) phát biểu tại hội trường hôm qua 3.6 - Ảnh: Ngọc Thắng

 

4 nguyên tắc cần hiến định về chính quyền địa phương

Nội dung về chính quyền địa phương cần bổ sung ít nhất là 5-6 điều mang tính nguyên tắc. Cụ thể, chính quyền địa phương nên tổ chức thành hai cấp, tỉnh và cấp cơ sở; chính quyền địa phương có hai chức năng hành pháp của Chính phủ trên địa bàn và đại diện cho lợi ích cộng đồng địa phương không trái với lợi ích quốc gia; nguyên tắc tự quản, tự chủ tự chịu trách nhiệm; và nguyên tắc thống nhất về hành chính nhưng không đồng nhất về tổ chức.

Cả hai phương án đưa ra trong dự thảo đều chưa đạt được yêu cầu. QH khóa 13 có trách nhiệm lịch sử, đóng vai trò là QH lập hiến cho nên tất cả những vấn đề còn khác nhau cần phải thảo luận đến cùng và chịu trách nhiệm trước nhân dân, không thể bất cứ vấn đề gì khó thì chúng ta để lại.

(ĐB Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM)

ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) cũng nhấn mạnh có nhiều lý do để giữ nguyên tên nước hiện tại và một trong số đó là để “giữ vững niềm tin của cán bộ, công chức và nhân dân vào chế độ, vào Đảng, và Nhà nước tránh những tác động bất lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường đi lên CNXH và có thể gây phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự”. Nhiều ĐB phát biểu sau đó như Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, ĐB Y Khút Niê (Đắk Lắk)... cũng đều đề nghị giữ tên nước hiện tại.

Là người duy nhất đưa ra quan điểm trái ngược với các ý kiến đồng nhất trên, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) phản ánh: Nhiều cử tri đề nghị lấy tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa vì cho rằng, tên gọi này gắn với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên của nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập được ghi nhận trong bản Tuyên ngôn độc lập và sau này tiếp tục được hiến định trong Hiến pháp 1946, 1959...

Không chỉ quyền lực nhà nước mới thuộc về nhân dân

Liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị tiếp tục khẳng định ở nước ta tất cả quyền lực thuộc về nhân dân như đã được quy định trong các bản Hiến pháp 46, 59, 80, thay vì chỉ có tất cả “quyền lực nhà nước” thuộc về nhân dân bởi theo ông Châu, quy định như vậy không bao quát hết và không khẳng định hết trong một đất nước với thể chế dân chủ đương nhiên mọi quyền lực hay quyền bính thuộc về nhân dân. “Ban dự thảo cần giải thích thêm tại sao ở nước ta chỉ có quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà không phải là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”, ông Châu đề nghị.

Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Trương Thị Huệ thì dẫn ý kiến cử tri để so sánh: Nói tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân song người dân, người chủ của quyền lực nhà nước lại đang rất khó khăn, phiền hà trong việc khám chữa bệnh, trong việc học hành, xin việc, trong giải quyết các thủ tục hành chính, trong việc được giải quyết khiếu nại tố cáo công minh, đúng thời hạn. “Rất nhiều người dân đến cơ quan công quyền để được giải quyết phải đi xin, đi nhờ, thậm chí phải đi phong bì mới được giải quyết, như vậy thì quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đang bị hạn chế, bị một số tổ chức, cá nhân làm ngược lại”, bà Huệ dẫn chứng. Bà đề nghị trong Hiến pháp sửa đổi phải quy định rõ cơ chế và trách nhiệm của người đứng đầu, chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Vì vậy, cần bổ sung ý tiếp theo của khoản 3, điều 2 là “Tất cả các hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân đều phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật”.

Ngoài các nội dung trên, các ý kiến thảo luận đều thống nhất cao với quy định tại điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng, trong khi đó, vấn đề có hiến định kinh tế nhà nước là chủ đạo hay không vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Kết thúc phiên thảo luận chiều, vẫn còn tới hơn 80 vị ĐBQH đăng ký chờ tới lượt. Theo nghị trình, hôm nay QH sẽ tiếp tục thảo luận cả ngày về nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Giám sát chặt nợ của các “ông lớn”

Chính phủ vừa gửi báo cáo về tình hình nợ công tới các ĐBQH, trong đó khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ nợ vay nước ngoài tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được bảo lãnh, khi con số này tính đến cuối 2012 đã cam kết lên tới 12,7 tỉ USD.

3 năm vay gần 700.000 tỉ đồng

Theo báo cáo, trong 3 năm (kể từ khi luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ 2010) Chính phủ (CP) đã huy động vốn vay khoảng 690.910 tỉ đồng. Trong số đó, phát hành trái phiếu CP trong nước chiếm 288.739 tỉ đồng; vay nước ngoài 256.918 tỉ đồng và huy động từ các nguồn vốn nhàn rỗi trong nước 165.253 tỉ đồng.

Về sử dụng vốn vay, có 53,8% tổng số vốn huy động được bù đắp cho bội chi ngân sách (tương đương 360.891 tỉ đồng); 21,8% sử dụng đầu tư cho các công trình dự án giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế (146.000 tỉ đồng); số còn lại cho vay lại, hỗ trợ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia chiếm 24,4% (163.993 tỉ đồng). Việc sử dụng hơn một nửa nguồn vốn đi vay để bù đắp bội chi ngân sách là tỷ lệ khá lớn. Trước đó, Ủy ban Kinh tế và nhóm các chuyên gia tài chính cũng đã có cảnh báo về bội chi khi tỷ trọng chi thường xuyên có xu hướng tăng nhanh, từ mức 51,9% tổng chi trong năm 2003 lên 64,9% trong 2010 và 67,2% trong 2011. “Điều này phần nào cho thấy sự cồng kềnh và chi tiêu tốn kém của bộ máy công quyền”, Ủy ban Kinh tế và nhóm nghiên cứu đánh giá.

Một chỉ tiêu khá tích cực được thể hiện trong báo cáo là các chỉ số về nợ công, nợ CP và nợ nước ngoài của quốc gia tính đến 31.12.2012 tương ứng bằng 55,4%; 43,1% và 42,0%, vẫn nằm trong giới hạn cho phép (nợ công dưới 65%, nợ CP dưới 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia dưới 50% GDP). “Trong cơ cấu nợ công, các khoản nợ trực tiếp của CP chiếm 78%, nợ được CP bảo lãnh chiếm 21% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,0% so với tổng số dư nợ công, phù hợp với định hướng Chiến lược quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2030”, báo cáo nêu.

Bảo lãnh hơn 7 tỉ USD nợ nước ngoài

Một điểm đáng chú ý khác, thực hiện bảo lãnh CP đến năm 2012, có 99 dự án đã được cấp bảo lãnh vay nước ngoài với tổng giá trị cam kết là gần 12,7 tỉ USD, chủ yếu tập trung vào ngành điện, hàng không, xi măng, dầu khí, giấy và một số dự án khác thuộc danh mục được ưu tiên xét cấp bảo lãnh CP. Tính đến ngày 31.12.2012, tổng dư nợ vay nước ngoài của các DN và tổ chức tín dụng được CP bảo lãnh ở mức 7,1 tỉ USD.

Ở phần báo cáo định hướng, giải pháp thời gian tới, CP cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ, đảm bảo thanh toán nợ đầy đủ, đúng hạn; báo cáo, công khai các chỉ tiêu giám sát an toàn nợ; xây dựng các giải pháp xử lý an toàn nợ mang tính thống nhất với các mục tiêu tài khóa và tiền tệ. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý rủi ro; xây dựng quy chế quản lý và các chỉ tiêu giám sát rủi ro (theo dõi toàn diện các loại rủi ro như tỷ giá, lãi suất, tái cấp vốn, thanh khoản, tín dụng...).

Với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải rà soát tổng thể tình hình thực hiện của các dự án thuộc đối tượng được CP bảo lãnh phần vốn vay nước ngoài, vay ODA; đẩy mạnh chức năng giám sát, kiểm tra nghĩa vụ trả nợ, qua đó, đề xuất các giải pháp về tài chính, thực hiện tái cấu trúc DN theo lộ trình phù hợp.

Anh Vũ - Bảo Cầm

Bảo Cầm - Thái Sơn

>> Hiến pháp không cho phép chúng ta phiêu lưu
>> Đại biểu Quốc hội góp ý Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>> Đề xuất giữ nguyên tên nước trong Hiến pháp sửa đổi
>> Trình Quốc hội phương án về tên nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>> Trên 900.000 lượt ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
>> Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
>> Nhận được 44 triệu ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
>> Đề nghị thành lập Hội đồng Hiến pháp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.