Người xây tượng Phật trên núi Cấm

04/06/2013 10:10 GMT+7

Nghệ nhân Thụy Lam (Phạm Dân Chủ, 69 tuổi, quê ở P.Long Sơn, TX.Tân Châu, An Giang) không chỉ nổi tiếng trong giới điêu khắc mà còn được nhiều người biết đến, bởi ông chính là tác giả của bức tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm vừa đạt kỷ lục châu Á.

Người xây tượng Phật trên núi Cấm

Người xây tượng Phật trên núi Cấm

Nghệ nhân Thụy Lam, tác giả tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm

Kiên quyết không bỏ cuộc

Từ những năm 1970, nghệ nhân Thụy Lam đã làm giúp việc cho các thầy trong Trường CĐ Nghệ thuật tại Sài Gòn. Dần dà, ông tự học hỏi, đúc kết được những kinh nghiệm trong xây dựng và điêu khắc. Thụy Lam bồi hồi nhớ lại: “Tình cờ trong lần tham gia tu sửa bức tượng mỹ nhân ngư ở một khách sạn tại TP.HCM, do các thầy bận việc nên giao lại cho tôi. Lúc mới nhận việc này, tôi không tránh khỏi hồi hộp, lo lắng; nhưng bằng kinh nghiệm vốn có, tôi đã nhanh chóng hoàn thành bức tượng”. Sau lần ấy, Thụy Lam tiếp tục tìm tòi, đào sâu thêm kiến thức về nghệ thuật điêu khắc. Ông kể lại bạn bè trong giới nghệ thuật hồi ấy khi thấy những tác phẩm của ông đã thốt lên: “Cái gã Thụy Lam có biệt tài xây những bức tượng Phật mang đậm phong cách nghệ thuật phương Đông, đồng thời vẫn giữ được dấu ấn đặc trưng của một nhà điêu khắc vùng Bảy Núi”.

Năm 2004, không quản ngại khó khăn, ông cùng cộng sự của mình khăn gói lên Vồ Đầu thuộc núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang) dựng trại để xây tượng Phật Di Lặc. Ông nhớ lại: “Buổi đầu lên đây, anh em hơi sợ, bởi lẽ xung quanh cây cối mọc um tùm lại thiếu đồ ăn nước uống. Đêm xuống thì lạnh thấu xương. Nhưng tôi khuyên anh em kiên quyết không bỏ cuộc”.

Theo nghệ nhân Thụy Lam, xây tượng cũng như xây nhà, phải thiết kế bản vẽ sao cho phù hợp với thạch nhưỡng trên núi. Thời điểm đó, đường sá lên núi khó khăn, chưa được rải nhựa phẳng phiu như bây giờ. Việc vận chuyển cát, đá, xi măng, sắt, thép… gian khổ vô cùng. Đội của ông phải dùng ròng rọc để kéo vật liệu lên đỉnh núi. Buổi sáng sớm, khi cái lạnh còn bao phủ khắp nơi, nghệ nhân Thụy Lam với vóc dáng còm nhom đã xung phong leo lên giàn giáo tráng xi măng, quét vôi tượng Phật. Nhờ thái độ hăng hái của ông, anh em trong đội dần bắt nhịp với công việc trên độ cao hơn 500 m.

Không cần trả công

Nghệ nhân Thụy Lam thường đứng nghiền ngẫm pho tượng hàng giờ xem chỗ nào chưa hoàn chỉnh, chỗ nào lệch để kêu anh em nhanh chóng khắc phục. Ông cho biết nhiều lúc mải mê chỉnh, ông quên mất mình đang đứng chênh vênh trên giàn giáo. Thậm chí có đêm nằm ngẫm nghĩ, bất chợt nhớ đến một số chi tiết còn thiếu, ông bật dậy, thắp đèn săm soi quanh bức tượng.

Khách hành hương cùng các nhà hảo tâm đến đây, thấy tâm huyết của nhà điêu khắc Thụy Lam đã mạnh dạn đóng góp thêm xi măng, sắt thép và chi phí xây dựng... Bức tượng Phật Di Lặc có chiều cao 33,6 m, nặng 600 tấn đã hoàn thành. Khi đến tham quan núi Cấm, khách du lịch đều tấm tắc ngợi khen về vẻ đẹp của pho tượng Phật Di Lặc ngự trên đỉnh.

Hình ảnh nụ cười hiền từ trên khuôn mặt Phật Di Lặc như nói lên được cái tâm của nhà điêu khắc. Thụy Lam không màng đến danh lợi mà chỉ biết dốc hết sức để chăm chút cho nghệ thuật. Ông tâm sự: “Khi bức tượng hoàn thành, tôi mừng lắm! Tôi không cần ai phải trả công, miễn sao có được một tác phẩm để đời cho mọi người chiêm ngưỡng”.

Không chỉ có tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm, hàng trăm pho tượng từ Bắc tới Nam cũng do đôi bàn tay tài hoa của nghệ sĩ điêu khắc Thụy Lam thực hiện, như: tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 25 m ở Thiền viện Vạn Hạnh (Đà Lạt), tượng Phật A Di Đà cao 22 m (Tiền Giang); thậm chí ông còn sang tận Mỹ để tạc bức tượng Phật A Di Đà cao 14 m... Ông cho biết để trả ơn cho vùng đất An Giang, nơi sinh ra mình, thời gian tới, ông sẽ thiết kế 100 bức tường đắp phù điêu, với nội dung được lấy từ Truyện Kiều ngay tại lòng hồ Núi Sập (H.Thoại Sơn) và tiếp tục hoàn thành tượng Phật Bà cao hàng chục mét trên núi Cấm. Khi hỏi về nghệ nhân Thụy Lam, ông Nguyễn Văn Y (đạo sĩ Ba Lưới), Trưởng ban Quản tự chùa Phật Lớn, chia sẻ: “Tôi thật sự thán phục trước việc mà nghệ nhân Thụy Lam đã làm được. Đó là cái tài “xưa nay hiếm” trong giới nghệ thuật”.

Hồng Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.