Nhóc tì đi làm, học kỹ năng

04/06/2013 08:25 GMT+7

(TNO) Cũng làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và hết sức vất vả như những người trưởng thành, những đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi đã tự học được nhiều kỹ năng cũng như thông cảm với nỗi cực nhọc của người lớn nhờ đi làm thêm.

Mặc dù được ba mẹ cho tiền tiêu vặt, nhưng có những cô, cậu bé lại thích tự mình đi làm, kiếm tiền để thử sức dù mới 5 - 6 tuổi.

Đi làm mới biết kiếm tiền vất vả

Nguyễn Trung Đức Huy, 9 tuổi, đang sống tại quận 7, vô tình được người quen giới thiệu thu âm cho chương trình hoạt hình.

Do ban ngày còn phải đi học nên Huy chỉ có thể thu âm dịp cuối tuần hoặc ban đêm.

Những ngày đầu Đức Huy còn tỏ ra hào hứng. Nhưng do công việc cần gấp rút và có những lúc bị lỗi kỹ thuật phải thu đi thu lại nhiều lần, Đức Huy bắt đầu tỏ ra chán nản và nhõng nhẽo.

Nhưng khi được giải thích công việc của Huy ảnh hưởng tới rất nhiều người trong đoàn và nhìn các anh chị phải đứng đợi rồi chỉnh tới chỉnh lui âm thanh cho mình, Đức Huy mới cố gắng làm việc.

Nhóc tì đi làm, học kỹ năng
 Đức Huy đang thu âm cho một chương trình hoạt hình - Ảnh nhân vật cung cấp

Khi được hỏi đi làm như vậy có mệt không, Đức Huy không ngần ngại trả lời: “Mệt nhưng vui lắm, vì con biết kiếm tiền không dễ dàng, từ giờ con sẽ không đòi mẹ hay chị Hai mua đồ chơi nữa. Con cũng học được tính tự lập khi làm việc và cách lồng tiếng phim hoạt hình để khoe với các bạn trên lớp”.

Lần đầu tiên cầm thù lao do công sức mình bỏ ra, Đức Huy vô cùng vui sướng và đã đem về đưa hết cho mẹ.

Nhỏ hơn Huy ít tuổi, cô bé Dương Vân Anh, 5 tuổi, nhà ở quận 4, TP.HCM, làm thêm bằng việc đi quay hoạt cảnh vào dịp cuối tuần.

Những ngày đầu đi quay phim lúc nào cô bé cũng được ông bà ngoại "o bế" từ việc uống sữa, ăn bánh,... Sẵn được cưng chiều nên Vân Anh thường nhõng nhẽo khiến ông bà thỉnh thoảng xin tạm nghỉ ghi hình để cho Vân Anh uống nước, quạt cho bé bớt nóng... làm mất nhiều thời gian.

Sau một vài lần làm quen, Vân Anh tự giác tham gia vai diễn và nhiệt tình hơn mà không cần đến ông bà "dụ dỗ".

Dù không ai nói ra, nhưng sau mỗi lần đi ghi hình, Vân Anh ý thức được cô bé sẽ có tiền công từ công sức bé bỏ ra. Trong một vai diễn về bé đi học bơi, Vân Anh đã nói luôn: "Bà ngoại nhớ dành tiền công để con mua đồ bơi và kính bơi đó nghe".

Sau những lần quay đó, từ người không biết bơi, cô bé đã có thể bơi thành thục.

Cho trẻ đi làm để thử sức

Chị Nguyễn Thùy Uyên, chị Hai của Đức Huy, chia sẻ rằng gia đình chị khá giả nên Đức Huy cũng không thiếu thốn gì cả. Ba mẹ nào cũng thương và xót con khi thấy bé còn nhỏ mà phải làm việc này việc khác. Nhưng khi thấy công việc cũng thú vị, gia đình đã cho Đức Huy thử sức.

Chị Uyên cho biết sau những lần tham gia làm việc cùng các anh chị lớn, bé lanh lợi và ngoan hơn, hiểu được ý nghĩa của sức lao động và sự tự lập.

"Lần đầu tiên bé cầm tiền công về nhà đưa cho mẹ, mẹ mình đã rất xúc động, còn ba mình thì rất vui và tự hào”, chị Uyên kể.

Cũng cùng suy nghĩ như vậy, chị Trương Thị Thanh Vân, bà ngoại của Vân Anh cho biết: “Những ngày đầu đi quay, gia đình cũng thương bé lắm vì có những cảnh quay ngoài nắng và quay dài. Tuy nhiên, thấy bé thích nên tôi cũng để bé tham gia”.

Nhóc tì đi làm, học kỹ năng
Vân Anh hào hứng trong những lần đi ghi hình dù rất vất vả - Ảnh nhân vật cung cấp 

Theo chị Vân, do đóng vai trong chương trình khoa giáo nên sau hơn 1 năm tham gia chương trình, Vân Anh đã dạn dĩ hơn hẳn, biết tự lập, biết lễ phép, biết giúp ông bà làm việc nhà, tưới cây…

“Vui nhất là sau một chương trình dạy bơi, bé đã đòi đi học bơi và bây giờ đã bơi giỏi. Trước đây khi cho xuống hồ bơi, bé rất sợ và khóc đòi lên bờ ngay”, chị Vân chia sẻ.

Với các bé, số tiền thù lao tuy không nhiều nhưng bài học các bé học được lại không ít.

Bà Neale S. Godfrey, tác giả chuyên viết sách dạy trẻ em kiến thức tài chính, trong đó có cuốn “Tiền không mọc trên cây”, chia sẻ: Việc trẻ em đi làm thêm sẽ giúp trẻ học được các kỹ năng làm việc, và chúng sẽ cảm thấy trưởng thành hơn.

“Trẻ em cảm thấy rằng chúng có thể kiểm soát được cuộc sống bản thân để quyết định mục tiêu của đời mình khi được đi làm một cách tự lập”, bà Godfrey nói thêm.

Bà cũng cho rằng, việc đi làm kiếm một số tiền nhỏ, không đáng kể sẽ không thật sự ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Những công việc nhỏ, vừa sức sẽ giúp phụ huynh dạy cho bé rất nhiều bài học quý giá.

Giao việc nhà cho trẻ khi mới lên ba

Không phủ nhận tính tiêu cực khi cho trẻ làm thêm, tiếp xúc với tiền bạc từ sớm, nhưng bà Neale S. Godfrey khuyến khích phụ huynh bắt đầu giao việc nhà cho trẻ và trả công khi trẻ mới lên 3.

Theo bà Neale S. Godfrey, đối với trẻ từ 3 - 6 tuổi, cha mẹ đã có thể giao việc nhà cho trẻ và sẽ trả công cho việc làm đó. Ban đầu, cha mẹ nên cùng con thực hiện những việc được trả thù lao, khi chúng đã quen thì ở bên cạnh để động viên và nhắc nhở để công việc trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ.

Đối với trẻ từ 7 - 15 tuổi, ban đầu phụ huynh hướng dẫn cách làm việc, và làm cùng con trong vòng 1 tháng hoặc lâu hơn (tùy độ khó công việc). Sau đó, trẻ sẽ phải tự làm. Trẻ càng lớn thì thời gian bên cạnh giúp trẻ làm sẽ càng ít hơn.

Ngoài ra, cũng cần nhớ rằng những việc trẻ làm mà không được trả tiền là rất quan trọng. Trẻ không được trả tiền để đánh răng, được điểm cao, hay những việc tương tự như vậy. Những việc đó đơn giản là trẻ phải thực hiện.

Hoàng Quyên

>> Bộ ảnh 1.6: Trẻ em sinh ra là để được thương yêu
>> Nhiều việc làm thêm mùa hè
>> Mùa hè đi học kỹ năng
>> Kích thích kỹ năng vận động ở trẻ nhỏ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.