Đồng lõa gốc Việt trong vụ bán visa ở tòa lãnh sự Mỹ bị bắt

01/06/2013 15:09 GMT+7

(TNO) Một người đồng lõa gốc Việt trong vụ “bán” visa của một quan chức lãnh sự tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM đã bị bắt, theo truyền thông Mỹ hôm 1.6.

>> Vì sao xin visa đi Mỹ lúc rất dễ, khi cực khó?
>> Xin visa ở Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM: Những bí mật bên trong
>> Xin visa ở Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM: 1.001 chuyện chưa biết
>> Xin visa sang Mỹ: Cứ “bình bình” lại dễ được cấp
>> Nhân viên lãnh sự Mỹ ở TP.HCM bị bắt vì "bán" thị thực

Cựu trưởng bộ phận vi sa không di dân tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM Michael T. Sestak (41 tuổi) đã bị bắt vào đầu tháng này vì cáo buộc bán visa du lịch cho những người Việt Nam muốn đến Mỹ với giá từ 50.000 đến 70.000 USD, thu lợi bất chính hàng triệu USD.

Theo bản khai của đặc vụ Simon Dinits thuộc Cục An ninh Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ mà Thanh Niên Online tiếp cận được, Sestak có 5 người đồng lõa trong vụ bê bối bán visa nói trên.

Tờ Albany Times Union vào hôm nay, 1.6, dẫn hồ sơ tòa án cho hay một phụ nữ gốc Việt tên Hong Vo đã bị bắt hôm 8.5 vì dính líu đến vụ bê bối.

Đồng lõa gốc Việt trong vụ bán visa ở tòa lãnh sự Mỹ bị bắt
 Người dân xếp hàng xin visa tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM - Ảnh: Trung Hiếu

Được gọi là Đồng lõa số 3 trong bản khai đính kèm cáo trạng, Hong Vo là em gái của Đồng lõa số 1, vốn là tổng giám đốc một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại TP.HCM.

Theo bản khai của đặc vụ Dinits, ba người còn lại gồm Đồng lõa số 2 là vợ của Đồng lõa số 1; Đồng lõa số 4 là bồ của Hong Vo và Đồng lõa số 5 là anh em bà con với Đồng lõa số 1. Tất cả những người này đều cư trú tại Việt Nam dù Vo, anh trai Vo và bồ của Vo có quốc tịch Mỹ.

Theo tờ Albany Times Union, Hong Vo bị bắt ở thành phố Denver vào ngày 8.5 và đang bị tạm giam tại nhà tù liên bang mà không được phép hưởng tại ngoại.

Luật sư của Vo, Sandi Rhee đã gửi kiến nghị đến tòa án ở thủ đô Washington vào hôm 31.5, yêu cầu mở phiên xử để xem xét việc tại ngoại của Vo. Tuy nhiên, nhà chức trách đã phản đối việc cho Vo tại ngoại, với lý do người này có nguy cơ bỏ trốn. Sestak cũng bị bắt tại Nam California vào ngày 13.5 và không được hưởng tại ngoại vì nguy cơ bỏ trốn cao.

Hồ sơ tòa án cho biết Vo là một công dân Mỹ gốc Việt sinh ra và lớn lên tại bang Colorado và tốt nghiệp đại học Denver năm 2008.

Nhóm người nói trên đã lôi kéo khách hàng bằng cách quảng cáo và thông qua một mạng lưới nhỏ những cư dân Mỹ và Việt Nam, nhắm đến những người “nhìn chung không được cấp visa, như những người bị từ chối trước đây, những người sống ở nông thôn, và những người chưa bao giờ ra khỏi Việt Nam”, theo cáo trạng.

Trong một email vào tháng 7 năm ngoái, Vo và một người quen đã bàn bạc về việc lôi kéo những khách hàng vui lòng trả khoảng 50.000 USD để được cấp visa Mỹ.

“Đó chỉ là visa du lịch (không phải nhập cư) song một khi bạn đi được… bạn có thể biến mất (kết hôn) hoặc trở lại Việt Nam và sau đó sẽ được bật đèn xanh để xin visa đi Mỹ bất cứ khi nào muốn”, Vo viết.

Các điều tra viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Sestak quen biết với các thành viên gia đình của Vo khi ông ta được phân công xét duyệt visa du lịch. Đặc biệt, Sestak quen biết với Đồng lõa số 1 khi bắt đầu đến nhận công tác tại TP.HCM.

Trong một đoạn chat ngày 1.6.2012, Hong Vo viết: “Đêm qua, chúng tôi đi chơi với một anh chàng làm việc ở tòa lãnh sự - anh ta là người duyệt visa…, anh chàng độc thân này muốn kiếm bạn gái… và anh tôi biết vậy nên đã cố gắng rủ anh ta đi chơi và giới thiệu với mọi người… để sau này có thể nhờ cậy anh ta duyệt visa cho mọi người”.

Sestak bắt đầu làm việc tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM vào tháng 8.2010 và đứng đầu Văn phòng cấp thị thực không di dân. Đây là một văn phòng nhộn nhịp và Sestak tỏ ra dễ dãi khác thường trong việc cấp thị thực, theo ông Dinits.

Từ ngày 1.5.2012 đến ngày 6.9.2012, tòa lãnh sự nhận 31.386 hồ sơ xin cấp thị thực và từ chối 35,1% trong số đó. Trong cùng thời gian, Sestak xử lý 5.489 hồ sơ và chỉ từ chối 8,2% số đó, theo các nhà điều tra. Tỷ lệ từ chối thị thực của Seatak giảm xuống còn 3,8% trong tháng 8, không lâu trước khi ông rời khỏi tòa lãnh sự.

“Ông ta rốt cuộc đã chuyển số tiền ra khỏi Việt Nam bằng cách sử dụng những kẻ rửa tiền trong các ngân hàng nước ngoài, chủ yếu ở Trung Quốc, đến một tài khoản ngân hàng ở Thái Lan mà ông ta mở hồi tháng 5.2012. Sau đó, ông ta sử dụng số tiền để mua bất động sản ở Phuket và Bangkok, Thái Lan”, ông Dinits viết.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.