“Thu hẹp chênh lệch giá vàng có thể gây tác động ngược”

31/05/2013 03:29 GMT+7

Chính phủ vừa có báo cáo số 208 gửi các ĐBQH về công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng .

Báo cáo do Thống đốc Nguyễn Văn Bình ký ngày 29.5, trong đó khẳng định sau một năm triển khai khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng (Nghị định 24) đã phát huy hiệu quả rõ rệt, khắc phục khá triệt để các bất cập của thị trường vàng giai đoạn trước và về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra.

Theo đó, đã thiết lập được một mạng lưới mua bán vàng miếng mới, có tổ chức, có quản lý, gồm 38 tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng, với gần 2.500 điểm giao dịch ở tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước. Biện pháp nhà nước độc quyền vàng miếng cũng được đánh giá là “biện pháp quan trọng để kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng, lượng cung vàng miếng trên thị trường đảm bảo chất lượng vàng miếng cho người dân và ngăn chặn tình trạng sản xuất vàng miếng từ vàng nguyên liệu nhập lậu cũng như tạo điều kiện để kiểm soát vàng nhập lậu”.

“Thu hẹp chênh lệch giá vàng có thể gây tác động ngược”
Thống đốc Nguyễn Văn Bình - Ảnh: Ngọc Thắng

In đậm đánh giá tổng quát về hiệu quả quản lý thị trường vàng, đối chiếu các nội dung yêu cầu của QH, báo cáo khẳng định “tuyệt đại đa số các yêu cầu, chỉ đạo của QH về quản lý thị trường vàng đã được Chính phủ thực hiện và bước đầu có kết quả rất tích cực, ngoại trừ nội dung: Phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá vàng thế giới".

Báo cáo nhìn nhận giai đoạn 2012 - 2013, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao hơn nhiều so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, thị trường vàng ổn định, hoạt động đầu cơ bị đẩy lùi, thị trường vàng không còn ảnh hưởng mạnh tới thị trường ngoại hối như trước đây, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế, ngoài ra đã mua lại được của dân gần 100 tấn vàng.

“Việc thu hẹp giá vàng trong nước và thế giới không làm bình ổn thị trường vàng, không loại bỏ được các tác động tiêu cực lên kinh tế vĩ mô, không làm giảm vàng hóa, mà trái lại, ở các chừng mực khác nhau lại có tác động ngược lại”, báo cáo nêu. Ngoài ra, báo cáo cũng cho rằng, chính chênh lệch giá vàng cao ở những thời điểm nhất định và hoạt động can thiệp theo hình thức đấu giá của NHNN đã giữ cho giá vàng trong nước và thị trường vàng trong nước ổn định trước những biến động bất thường của giá vàng thế giới, đã làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ, và do vậy góp phần kiềm chế "vàng hóa" nền kinh tế.

Nhấn mạnh “NHNN can thiệp thị trường vàng không vì mục tiêu lợi nhuận mà chỉ nhằm điều tiết và quản lý nhà nước đối với thị trường”, báo cáo khẳng định, trước đây toàn bộ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đều thuộc về giới đầu cơ và kinh doanh vàng, còn nay đã thuộc về ngân sách nhà nước để phục vụ quốc kế dân sinh. Vàng miếng không phải mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân, nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng vì không tạo ra giá trị gia tăng của cải vật chất cho xã hội, mà ngược lại còn gây lãng phí một nguồn vốn to lớn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.